Loại củ bán đầy ở chợ Việt Nam, sang châu Phi được người Trung Quốc săn mua như đặc sản, giá cao hơn gấp đôi
Châu Phi đang trong mùa khô nên loại củ này phát triển rất tốt.
Không ngừng phát triển nông nghiệp tại Angola, team châu Phi (có Quang Linh là thành viên) đang biến những mảnh đất đầy sỏi đá thành những nông trại xanh, sản xuất được nhiều mặt hàng nông sản có năng suất cao, nổi bật như lúa, cà rốt, hành, bắp cải, su hào.... Tích tiểu thành đại, các mặt hàng có giá trị cao đang dần giúp người dân thoát cảnh nghèo đói.
Mới đây, trên kênh Youtube của mình, Công Giáp đã phấn khởi khoe về chuyến thu hoạch su hào bội thu tại một bản làng của Angola.
Theo đó, có 5 sọt su hào đã được thu hoạch, tổng cộng là 122 kg. Trồng hợp đất nên củ nào củ nấy đều có kích thước lớn, nặng từ 1-2kg. Thương lái thu mua với giá 1.000 Kz/kg. Như vậy, số tiền thu về là 122.000 Kz, tương đương khoảng 3,5 triệu đồng.
Được biết team châu Phi sẽ bán một nửa cho người Trung Quốc và một nửa cho các nhà hàng Việt Nam. Người Trung Quốc tại Angola rất thích những mặt hàng nông sản do người Việt trồng, đặc biệt trong thời tiết mùa khô các loại rau củ trở nên khan hiếm, giá cao. Trong khi đó, phần lá su hào được giữ lại để nấu ăn cho người dân tại bản. Đáng nói, vẫn còn lượng lớn su hào chưa được thu hoạch và số tiền thu về dự kiến sẽ còn lớn hơn nữa.
Trưởng bản vô cùng phấn khởi: "Càng ngày người dân càng có động lực làm việc, cứ tiếp tục như này thì chẳng mấy chốc mà phát triển, có cơm ăn áo mặc".
Đáng chú ý, để giúp người dân có thêm cơ hội mở rộng canh tác, Công Giáp và các nhà hảo tâm Việt Nam đã cùng mua một mảnh đất 80ha tặng cho người dân, với số tiền lên tới 24.000 USD (khoảng hơn 600 triệu đồng).
Với những người dân Angola, đây quả thực là một số tiền quá lớn và chưa từng mơ tới. Chính vì vậy, trưởng bản và cha xứ bản làng Maiala đã quyết định tặng 1 con lợn rừng làm món quà cảm ơn tới Công Giáp và người Việt Nam.
"Cả đời này lên rừng hái rau củ, giờ có đất canh tác, trên đời này làm gì có ai tốt như vậy. So với những việc mà anh cùng người Việt Nam đã và đang làm thì món quà này không là gì. Người dân chúng tôi sẽ không bao giờ quên ơn. Chúng tôi quả thật còn rất nhiều khó khăn, bữa ăn chưa đủ no, nhưng tấm lòng chắc chắn chúng tôi có" , vị cha xứ xúc động nói.
Đáp lại tấm lòng của những người dân châu Phi, Công Giáp quyết định không nhận bởi bản làng còn rất nhiều khó khăn. "Người Việt Nam dành tặng cho bản làng Maiala và không cần nhận lại. Họ tặng tương lai cho người dân và các thế hệ mai sau. Chỉ mong sao người dân trân trọng, và phát triển từ mảnh đất đó."
"Món quà duy nhất mà những nhà hảo tâm muốn nhận lại là người dân chịu khó học hỏi, canh tác chăm chỉ trên mảnh đất để có cuộc sống ấm no hơn", Công Giáp chia sẻ.