Loại bỏ tàu cánh ngầm già nua: Còn chờ...

Theo Tuổi Trẻ,
Chia sẻ

Sau sự cố cháy tàu cánh ngầm Vina Express 01 SG.3837, ngày 21-1 UBND TP.HCM chỉ đạo tạm thời không cấp phép rời cảng, bến đối với các tàu cao tốc cánh ngầm kể từ hôm nay (22-1).

Loại bỏ tàu cánh ngầm già nua: Còn chờ... 1
Hành khách bị nạn trong vụ cháy tàu cánh ngầm được các ngư dân trên sông Sài Gòn cứu giúp  

Anh Francis Bungin (người Malaysia), hành khách trên chiếc tàu cánh ngầm bị cháy ngày 20-1, đã bày tỏ những bức xúc: "Chúng tôi không hề nghe thấy yêu cầu phải rời khỏi tàu bằng tiếng Anh. Khi lửa bùng phát lớn hơn tôi vội đứng dậy, tiến về phía cửa rồi thò đầu ra ngoài nhìn thì thấy khói đen nghịt bốc ra từ phía sau khoang máy. Lúc ấy tôi mới biết rằng mình phải nhanh chóng xoay xở để cứu mạng mình. 

Khi hành khách vừa nhảy xuống nước thì có vài tàu cá đến cứu, lực lượng cứu hộ cũng có mặt, rồi chúng tôi được vớt lên và chờ một tàu khác của hãng ra đón. Điều tôi không hài lòng là khi hãng tàu cho người đưa được chúng tôi về đến bến Bạch Đằng thì để chúng tôi đứng chờ đó mà không có ai hỏi han hay hướng dẫn gì tiếp. Bản thân tôi đã phải đứng chờ khoảng nửa tiếng, tôi cảm thấy như bị bỏ rơi vậy"

 Loại bỏ tàu cánh ngầm già nua: Còn chờ... 2
 Ảnh lớn: Anh Francis Bungin (người Malaysia) là hành khách trên chuyến tàu cánh ngầm bốc cháy chiều 20-1. Ảnh nhỏ: 18g ngày 21-1, hành khách rời tàu cánh ngầm lên bờ tại bến cảng Bạch Đằng, TP.HCM. Đây là chuyến tàu cuối cùng, từ ngày 22-1 các tàu sẽ tạm thời không được cấp phép rời cảng 

Chiều cùng ngày, ông Tất Thành Cang, giám đốc Sở GTVT TP, cho biết đã mời ba đơn vị kinh doanh vận tải tàu cánh ngầm đến công bố việc tạm đình chỉ hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP.

Ngại mua tàu mới vì lo giá vé cao

Ông Bùi Công Trùng (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tàu cao tốc Vina) và ông Trần Quốc Hiệu - phó giám đốc Công ty TNHH vận tải Quang Hưng (Hãng tàu Petro Express) - cho rằng việc tạm dừng hoạt động của tàu để kiểm tra là cần thiết. Tuy nhiên, theo các hãng tàu, các cơ quan chức năng cần kiểm tra ngay các tàu để tàu nào đủ điều kiện an toàn kỹ thuật thì cho chạy ngay vì từ nay đến tết người dân đi lại rất nhiều. Nếu việc kiểm tra chậm trễ sẽ gây thiệt hại cho các hãng tàu.

“Điều khiến hành khách lo lắng là hiện nay phần lớn tàu cánh ngầm hoạt động tuyến TP.HCM - Vũng Tàu đều thuộc dạng “lão niên” và thường xuyên xảy ra sự cố. Vì sao hãng tàu không đầu tư tàu mới để đảm bảo an toàn cho hành khách?”, trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Trần Quốc Hiệu cho rằng giá mua tàu mới khá đắt, khoảng 2 triệu USD/chiếc, trong khi giá mua tàu cũ thấp hơn. Theo ông Hiệu, các hãng tàu mua vỏ tàu cũ của Nga, nhưng máy tàu đều mới 100% của Mỹ, Đức và đã được kiểm định bảo đảm an toàn. Còn ông Bùi Công Trùng cho rằng việc mua tàu cao tốc mới không khó, nhưng tàu mới tốc độ cao sẽ không bảo đảm an toàn vì gây sóng lớn. Hơn nữa, ông Trùng lo vốn đầu tư tàu mới cao thì giá vé sẽ tăng lên 500.000-600.000 đồng/vé/người, quá cao so với hiện nay là 200.000 đồng/người. Với giá vé quá cao thì tàu cao tốc không thể cạnh tranh với đường bộ.

Theo ông Trần Thế Kỷ - phó giám đốc Sở GTVT TP, do thời gian qua tàu cánh ngầm xảy ra nhiều sự cố nên sở đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT quy định niên hạn sử dụng loại tàu này. Nay sở tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT đề ra quy định niên hạn hoạt động của tàu cánh ngầm.

Trả lời câu hỏi vì sao kiến nghị nói trên của Sở GTVT TP.HCM chậm thực hiện, ông Nguyễn Văn Công - thứ trưởng Bộ GTVT - cho biết từ tháng 11-2013, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ vấn đề nêu trên. Trong đó, bộ đề xuất cần có lộ trình quy định niên hạn sử dụng của tàu cánh ngầm nhằm giúp các nhà đầu tư thời gian và điều kiện thay đổi tàu mới.

Cũng theo ông Công, Bộ GTVT đã rất quyết liệt yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc bộ tăng cường kiểm tra hoạt động tàu cánh ngầm và đặt ra nhiều điều kiện cho các doanh nghiệp có tàu cánh ngầm phải thực hiện. Cụ thể, như tàu cao tốc phải gắn các thiết bị định vị vệ tinh để khi xảy ra sự cố xác định nơi tàu bị nạn; khi hành khách lên tàu, hãng tàu phải hướng dẫn hành khách cách xử lý khi tàu xảy ra sự cố... “Với nhiều biện pháp trên nên vụ cháy tàu vừa rồi toàn bộ hành khách vẫn an toàn” - ông Công nói.

Ông Công nhận định như thế liệu có chủ quan không khi dư luận người dân đặt vấn đề nếu vụ cháy tàu Vina Express 01 SG.3837 xảy ra giữa biển thì liệu các hành khách có an toàn? Có ý kiến cho rằng tàu cánh ngầm cũ kỹ đã xảy ra quá nhiều sự cố nên dừng hẳn hoạt động? Ông Công cho rằng mỗi sự cố đều có nguyên nhân của nó, riêng vụ cháy tàu vừa rồi cần phải được cơ quan điều tra xác định. “Vấn đề chính là cần tổ chức tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm tàu phục vụ an toàn hành khách đi tàu” - ông Công nói.

Tàu cháy sau 3 ngày kiểm định

Sáng 21-1, tại cuộc họp nghe báo cáo phương án khắc phục sự cố cháy tàu cánh ngầm Vina Express 01, ông Lê Hoàng Quân - chủ tịch UBND TP.HCM - đề nghị Bộ GTVT, các đơn vị liên quan làm rõ trách nhiệm của đơn vị kiểm định tàu Vina Express 01. “Phải làm rõ cho được vì sao mới vừa kiểm định mấy ngày (kiểm định ngày 17-1- PV) đã xảy ra sự cố” - ông Quân nhấn mạnh. Ngoài ra, ông Quân yêu cầu các đơn vị kiểm định của TP cần rà soát, thực hiện chặt chẽ việc kiểm định. Nếu quá trình kiểm định vẫn để xảy ra những sự cố tương tự thì các đơn vị kiểm định phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.

Vì sao tàu mới kiểm định ngày 17-1 mà ngày 20-1 xảy ra vụ cháy tàu? Theo một cán bộ Bộ GTVT, việc kiểm tra phòng chống cháy nổ là do ngành công an cấp phép. Còn lãnh đạo Chi cục Đăng kiểm 6 - cơ quan kiểm định các tàu cao tốc - hẹn với chúng tôi sáng 22-1 trả lời câu hỏi trên.

Chia sẻ