Lo sợ vắc xin "đểu", cha mẹ Trung Quốc đưa con sang Hồng Kông chích ngừa
Nhiều cha mẹ Trung Quốc đang phải đưa con sang Hồng Kông để tiêm phòng vì tâm lý lo sợ sau khi vụ buôn bán vắc xin hết hạn sử dụng với số lượng lớn bị phát giác.
Những ngày qua, người dân Trung Quốc, đặc biệt là các phụ huynh có con nhỏ, đang rất đau đầu về chuyện tiêm vắc xin phòng bệnh cho con. Sau scandal vắc xin hết hạn gây phẫn nộ dư luận, người Trung Quốc mất niềm tin và hệ thống tiêm chủng tại chỗ và chọn cách đưa con sang Hồng Kông để tiêm chủng.
Nguồn gốc sự bất ổn bắt nguồn từ scandal mua bán vắc xin bất hợp pháp bị phát giác thời gian gần đây. Một đường dây khoảng 300 đối tượng đã bán hơn 2 triệu vắc xin tiêm chủng hết hạn sử dụng trong suốt 5 năm qua cho 2/3 cơ sở y tế tại Trung Quốc. Vụ việc khiến nhiều người phải đặt câu hỏi cho hệ thống quản lý y tế Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Điều đáng nói là ở chỗ, Hồng Kông cũng không dễ dàng cho trẻ em đại lục tiêm phòng. Theo quy định mới có hiệu lực từ 1/4, các trung tâm y tế bà mẹ và trẻ em Hồng Kông sẽ chỉ tiếp nhận 120 trẻ em không có hộ khẩu đến tiêm chủng mỗi tháng. Phụ huynh không có hộ khẩu cư trú (chủ yếu từ đại lục) sẽ phải đặt lịch tiêm chủng từ trước đồng thời chịu lệ phí cao hơn.
Nhiều phụ huynh Trung Quốc đưa con sang Hồng Kông để tiêm chủng.
“Chính sách trên nhằm ưu tiên tiêm chủng cho trẻ em địa phương.” – Trợ lý Giám đốc Trung tâm dịch vụ sức khỏe gia đình và người cao tuổi, Teresa Li cho biết.
Trước đó, từ năm 2005, Trung Quốc đã có quy định chỉ điều tiết vắc xin loại 1 khi cần thiết, trong khi đó vắc xin loại 2 sẽ để thị trường tự điều tiết. Chính vì thế, để đảm bảo nguồn vắc xin, nhiều trung tâm kiểm soát dịch bệnh đã phải đẩy giá mua vắc xin, tạo quan hệ với đối tác để có nguồn vắc xin loại 1 để phục vụ khi cần. Trong khi đó, các bệnh viện lại chủ yếu được khuyến khích dùng vắc xin loại 2.
Sự hỗn loạn này bắt nguồn từ việc phát hiện đường dây bán vắc xin không được bảo quản đúng quy trình tại Trung Quốc.
Chính sự mờ ám này tạo điều kiện cho những kẻ gian trục lợi. Ngày 18/3, chính quyền Sơn Đông thông báo đã phá được đường dây mua bán vắc xin trị giá lên đến 570 triệu NDT. Cụ thể, đường dây này chuyên mua bán 25 loại vắc xin không được bảo quản lạnh theo đúng quy định, dẫn đến việc vaccine mất tác dụng, không dùng được cho cơ thể trẻ em.
Sự việc gây chấn động tới cộng đồng. Nhiều người cho rằng, chính việc sử dụng vaccine kém chất lượng là nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp chết người như một bé trai 4 tuổi tại Zijin, Quảng Đông, đã tử vong sau khi tiêm vắc xin.
Mặc dù vậy, người Trung Quốc cũng bị giới hạn rất nhiều khi đến Hồng Kông tiêm chủng cho trẻ em.
Mặc dù cơ quan chức năng đã xác nhận hiện số vắc xin trên thị trường đều ổn định, an toàn và hiệu quả, nhưng nhiều người cho rằng họ không thể xác định được đâu là vắc xin hợp pháp và đâu là bất hợp pháp? Chính vì thế, các phụ huynh tại Trung Quốc không còn cách nào khác là đưa con cái họ sang Hồng Kong tiêm chủng với hy vọng sẽ an toàn hơn.
Đây không phải lần đầu tiên một sự cố vắc xin gây bức xúc trong cộng đồng. Trước đó, vào năm 2008, một cuộc khủng hoảng y tế liên quan đến sữa bột cũng xảy ra tại Trung Quốc khiến nhiều gia đình không dám đặt niềm tin vào sữa bột trong nước và đầu tư mua sữa ngoại. Khi đó, Hồng Kông cũng đã phải ra quy định về giới hạn sữa cho người đại lục.
Khó khăn, tốn kém nhưng các bố, các mẹ chấp nhận với mong muốn con mình được an toàn.
Nguồn: Shanghaiist