Lo ngay ngáy với sữa nhiễm nhôm, sữa cân ký
Trong tuần qua, liên tiếp hai thông tin về sữa gây hại cho sức khỏe. Thứ nhất: kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy trong mẫu sữa Aptamil (nhập từ Anh) có hàm lượng nhôm từ 3,0-3,44mg/kg và thứ hai: Trung tâm Dịch vụ phân tích - thí nghiệm (Sở Khoa học-công nghệ TP.HCM) đưa ra cảnh báo, nhiều loại sữa ký có chứa chất trans-fat, loại chất có hại cho sức khỏe tim mạch.
Từ năm 2011, Ủy ban các chuyên gia của FAO và WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA) đã thiết lập hạn mức an toàn của nhôm đưa vào cơ thể so với trọng lượng cơ thể người, có thể chấp nhận được qua thực phẩm là 2 mg/kg thể trọng/tuần. Từ kết quả kiểm nghiệm trên mẫu sữa của Aptamil có hàm lượng nhôm từ 3-3,44 mg/kg, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ước tính lượng nhôm phơi nhiễm tối đa có thể có đối với trẻ nhỏ khi sử dụng hoàn toàn sản phẩm nêu trên là 0,49 - 0,56 mg/kg thể trọng/tuần. Cục An toàn thực phẩm vẫn tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng ở Anh để có thông tin chính xác về hàm lượng nhôm trong sản phẩm.
TS-BS Nguyễn Thị Minh Kiều - Trung tâm Khoa học thực phẩm và dinh dưỡng ứng dụng Anfos lưu ý người tiêu dùng: nhiễm kim loại nặng ở mức độ thấp kéo dài cũng đưa đến tình trạng nhiễm độc mạn tính. Quan trọng hơn, đối với trẻ em, nhất là trẻ nhỏ, trẻ còn trong bụng mẹ thì cơ thể lại càng nhạy cảm hơn khi tiếp xúc kim loại nặng.
Ngày 20/10, theo ghi nhận của phóng viên, bất chấp thông tin sữa Aptamil từ Anh nhiễm nhôm, các cửa hàng sữa tại TP.HCM vẫn vô tư bán sản phẩm này. Khảo sát hàng loạt các cửa hàng, đại lý sữa tại các quận 1, 3, Bình Thạnh... có bán sữa Aptamil, hầu hết chủ hàng đều chưa nghe thông tin sản phẩm này đang bị sự cố. Tại cửa hàng sữa Hương Thảo trên đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, chủ cửa hàng nhiệt tình tư vấn, nếu bé 10 tháng tuổi thì mua loại Aptamil số 3 của Anh, giá 550.000 đồng/hộp, loại của Anh tốt hơn của Đức. Bà chủ cũng cho biết, chưa nghe thông tin sản phẩm sữa này nhiễm nhôm, và chưa nhận được yêu cầu từ nhà cung cấp phải ngưng bán.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên thị trường, nhãn hàng sữa Aptamil có ít nhất từ sáu loại được nhập khẩu hoặc xách tay từ Anh và Đức. Đa phần các điểm bán đều cho biết, do là hàng xách tay từ châu Âu nên rất được ưa chuộng. Sản phẩm này trên thị trường có các nhãn như Aptamil số 1, 2, hay 3, Aptamil pre… chủ yếu dùng cho trẻ ở giai đoạn 6-12 tháng tuổi. Giá bán phổ biến của Aptamil dao động từ 530.000-555.000đ/lon (800-900g), riêng loại Aptamil pre dạng hộp giấy nhập từ Đức giá rẻ hơn, chỉ 390.000đ/hộp.
Tại hai cửa hàng Nguyễn Mười và Vũ Hào nằm trên đường Nguyễn Thông - Lý Chính Thắng (Q.3), dù đều thông báo hết hàng, nhưng nhân viên hai cửa hàng này vẫn nhiệt tình giới thiệu đây là sản phẩm xách tay từ Anh, hàng xịn. Các nhân viên này cho biết, không hề nghe thông tin sản phẩm nhiễm nhôm, trong những ngày qua cửa hàng vẫn bán bình thường.
Liên hệ với kênh bán sữa Aptamil trực tuyến Bibomar có hệ thống phân phối ở Hà Nội và TP.HCM, trong vai một phụ huynh đang có con nhỏ dùng mẫu sữa Aptamin số 3, chúng tôi nhận được lời khuyên là kiểm tra trên vỏ hộp, nếu thấy ghi nguồn gốc từ Anh thì tạm thời ngưng sử dụng, còn nếu hàng của Đức thì tiếp tục dùng vì hiện sản phẩm này chỉ phát hiện nhiễm nhôm tại Anh (?).
Sữa ký: dùng cho mọi lứa tuổi?
Sữa bán theo ký không chỉ được bán tại các chợ như Bà Chiểu, Bình Tây... mà có tại nhiều cửa hàng sữa. Tại “phố” sữa trên đường Nguyễn Thông (Q.3) và Hàm Nghi (Q.1), có lẽ do nắm bắt thông tin cảnh báo từ Trung tâm Dịch vụ phân tích-thí nghiệm về chất trans-fat có trong sữa ký nên nhiều gian hàng không trưng ra cho khách hàng thấy. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu mua thì nhiều cửa hàng sẵn sàng cung ứng. Tại cửa hàng Huy Cường, 55A Nguyễn Thông, chủ cửa hàng dẫn chúng tôi vào gian hàng phía sau và lấy ra nhiều bịch sữa bột có màu vàng nhạt, tất cả đựng trong những chiếc túi ni lông trong suốt, cột chặt bằng dây thun, giá 70.000đ. Chủ cửa hàng cho biết, màu sắc sữa đậm nhạt không liên quan đến chất lượng mà là do nhà sản xuất của mỗi nơi. Chúng tôi thắc mắc, sữa không có nhãn mác, bao bì thì sao biết được thật giả hay hạn sử dụng? Câu trả lời rằng, do đây là sữa nhập khẩu theo bao về san ra từng bịch nhỏ cho dễ bán, chứ nếu không còn hạn thì làm sao được nhập. Hỏi tiếp đến nguồn gốc nhập khẩu thì chủ hàng sau giây lát lúng túng đã cho biết nhập từ... Hàn Quốc (?), còn một cửa hàng khác thì cho biết là của Hà Lan (?). Tại một số cửa hàng sữa trên đường Hàm Nghi, Q.1, chúng tôi dễ dàng mua loại sữa ký đóng trong bao ni lông không rõ nguồn gốc. Nhiều nhân viên tư vấn, sản phẩm này chủ yếu phục vụ đối tượng khách hàng là các quán trà sữa hay các đại lý làm kem, sữa chua... do giá rẻ, dễ chế biến. Có chủ cửa hàng còn khuyên có thể pha uống thẳng, “dùng cho mọi lứa tuổi vì đã là sữa thì sữa nào chẳng tốt”.
ThS-BS Đào Thị Yến Phi - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM cho biết, một số nghiên cứu khoa học thế giới cho thấy, khi thay thế một số chất béo động vật có trong sữa bằng chất béo thực vật thì có khả năng làm tăng hấp thu canxi. Việc thay thế này còn mang lại sự cân đối phù hợp với khả năng tiêu hóa của trẻ em hơn khi sử dụng chất béo thực vật. Chất béo chuyển hóa (trans-fat) là một loại chất béo nguy hiểm nhất trong nhóm các chất béo gây hại. Khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây đông đặc máu và tạo ra những mảng tiểu cầu dạng mỡ bám vào thành mạch, lâu dần sẽ bịt kín thành mạch khiến cho máu không lưu thông được, gây tắc nghẽn và dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo người lớn chỉ tiêu thụ trans-fat dưới 3g/ngày. Ở trẻ em, lượng chất béo thường cao hơn và không có hạn chế các loại chất béo khác nhau trong khẩu phần ăn nên vẫn chưa có quy định lượng trans-fat tối đa.