Lo ngại về làn sóng dịch COVID-19 mới, các nước châu Âu thắt chặt kiểm soát

Quỳnh Chi ,
Chia sẻ

Dịch bệnh COVID-19 đang quay trở lại châu Âu. Nhiều ca nhiễm mới đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia như Bỉ, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức.

Ngày 28/7, Oldham đã trở thành thành phố mới nhất của Anh áp dụng các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 sau khi số ca lây nhiễm tăng đột biến. Các biện pháp được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson bảo vệ quyết định của Chính phủ nước này về việc dừng tất cả các chuyến du lịch đến Tây Ban Nha.

235.000 cư dân thành phố Oldham, gần Manchester, được khuyến khích không tiếp khách tại nhà của họ và duy trì khoảng cách 2m khi ở bên ngoài. Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến việc thăm người thân trong nhà dưỡng lão được yêu cầu gia hạn thêm 2 tuần kể từ ngày 31/7.

 - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: AP)

Đầu tháng 7, các biện pháp tương tự đã được triển khai tại Rochdale, gần Manchester, cũng như một số địa phương khác. Theo một thống kê của Đại học Johns Hopkins, Vương quốc Anh là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của châu Âu với hơn 45.900 trường hợp tử vong và trên 302.000 ca nhiễm bệnh được ghi nhận kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu diễn ra.

Trên khắp châu Âu, các quốc gia khác đang thực hiện nhiều biện pháp để tránh bị ảnh hưởng bởi làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành với số ca mắc tăng gấp đôi trong 6 tuần qua. Gần 16 triệu trường hợp đã được báo cáo cho cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc với hơn 640.000 ca tử vong trên toàn thế giới.

Tại Bỉ, trong tuần qua vẫn có gần 2.000 ca nhiễm mới, tăng hơn 70% so với tuần trước đó. Chính phủ Bỉ đang cảnh báo, toàn quốc có thể sẽ quay lại tình trạng phong tỏa hoàn toàn lần 2.

 - Ảnh 2.

Người dân Bỉ đeo khẩu trang tại khu vực công cộng. (Ảnh: AP)

Ngày 27/7, Thủ tướng Bỉ đã công bố một loạt biện pháp hạn chế xã hội quyết liệt nhằm tránh việc phải phong tỏa trở lại trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 gia tăng. Thủ tướng Sophie Wilmes cho biết, trong 4 tuần tới, việc tụ tập từ 5 người trở lên là không được phép. Hiện cư dân Bỉ được phép tụ tập với số lượng khoảng 15 người. Các biện pháp không được áp dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi. Theo bà Wilmes, các biện pháp mới nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đảm bảo trẻ em có thể trở lại trường học vào tháng 9, sau kỳ nghỉ hè.

Sau khi giảm mạnh số lượng các ca bệnh COVID-19, Bỉ lại chứng kiến sự gia tăng số trường hợp mắc COVID-19 được xác nhận trong 3 tuần qua. Theo số liệu công bố vào ngày 27/7, số ca mắc được xác nhận đã tăng 71% từ ngày 17 - 23/7 so với 7 ngày trước đó, với 47% trường hợp được phát hiện tại tỉnh Antwerp.

Pháp và Bỉ đang khuyến nghị khách du lịch hủy bỏ kế hoạch nghỉ hè của họ ở Barcelona và các bãi biển gần đó. Tại đây, có quá đông người tập trung để có thể thực hiện giãn cách xã hội.

 - Ảnh 3.

Pháp bắt buộc tất cả người dân phải đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng khép kín. (Ảnh: AP)

Chính phủ Pháp khuyến nghị, các công ty cần có kho dự trữ khẩu trang sử dụng trong khoảng 10 tuần để có thể ứng phó với làn sóng dịch thứ hai có khả năng diễn ra. Từ ngày 20/7, Pháp bắt buộc tất cả người dân phải đeo khẩu trang trong các cửa hàng và địa điểm công cộng khép kín. Chính quyền Pháp gần đây đã thi hành mức phạt 135 Euro cho những người không thực hiện quy định đeo khẩu trang.

Tây Ban Nha đang phải chống chọi với đợt dịch COVID-19 mới. Điều này đã khiến Anh phải áp dụng cách ly 14 ngày đối với du khách đến từ Tây Ban Nha. Các chủ khách sạn Tây Ban Nha đề nghị khách du lịch nước ngoài làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi rời khỏi đất nước của họ và thực hiện một xét nghiệm khác trước khi trở về nhà.

Tuần trước, vùng Catalonia đã ra lệnh đóng cửa tất cả các câu lạc bộ đêm và hoạt động giải trí tụ tập đông người trong 15 ngày; áp dụng lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại các quán bar ở trong và xung quanh Barcelona và Lleida trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus, đặc biệt ở những người trẻ tuổi.

Tại Đức, trong tuần qua, mỗi ngày trung bình có khoảng 800 ca nhiễm mới. Đức đã đưa ra yêu cầu xét nghiệm COVID-19 bắt buộc đối với khách du lịch trở về từ các khu vực có nguy cơ cao. Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Jens Spahn tuyên bố rằng, ngành y tế nước này sẽ áp dụng việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với những du khách trở về từ các khu vực có nguy cơ cao và số trường hợp mắc mới tăng.

Chia sẻ