Lo ngại CSGT muốn có số điện thoại, email để xử phạt vi phạm?
Nếu CSGT báo vi phạm giao thông qua điện thoại, liệu có nảy sinh những trường hợp kẻ xấu lợi dụng gọi điện đe dọa, lừa đảo người dân?.
Mới đây, lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết đang đề nghị Chính phủ bổ sung quy định yêu cầu người dân cung cấp số điện thoại khi đăng ký xe, số điện thoại phải được thể hiện trong biên bản, quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài số điện thoại, Cục CSGT cũng mong muốn được cung cấp địa chỉ thư điện tử của người dân để khi có thông tin xử phạt, cảnh sát sẽ gửi ngay vào địa chỉ này.
Trong trường hợp cơ quan chức năng có số điện thoại, địa chỉ thư điện tử của người dân, ngay khi quyết định xử phạt được ký, văn bản sẽ gửi đến Cổng dịch vụ công quốc gia và tin nhắn vào điện thoại người vi phạm, từ đó người dân có căn cứ để nộp phạt trực tuyến mà không cần phải chờ nhận quyết định giấy. Khi tài xế nộp phạt trên mạng, CSGT cũng sẽ nhận được biên lai nộp tiền điện tử và có thể trả lại ngay giấy tờ vi phạm cho người dân.
Lãnh đạo Cục CSGT lý giải, hiện nay, để lập biên bản xử phạt qua hệ thống camera giám sát, cảnh sát phải trích xuất hình ảnh, xác minh, gửi thông báo đến người vi phạm bằng văn bản. Trong thực tế, có những trường hợp cảnh sát mời nhiều lần mà người vi phạm vẫn không đến nhận, hoặc thông báo đến không đúng địa chỉ do người dân đã chuyển chỗ...
Ngay sau đề xuất này được đưa ra, trên các diễn đàn về giao thông, nhiều ý kiến lo ngại, không đồng tình. Các ý kiến cho rằng, việc yêu cầu cung cấp số điện thoại, email sẽ gây phiền hà thêm cho người dân. Trong khi đó, không ít người tỏ ra lo ngại “lộ” thông tin cá nhân khi cung cấp số điện thoại, email.
Anh Hoàng Đức Mạnh kiến nghị CSGT nên phối hợp với Cục đăng kiểm Việt Nam là có thông tin chủ phương tiện ngay mà “không cần phải yêu cầu người dân cung cấp nữa” bởi vì “khi đi đăng kiểm phương tiện, Cục đã yêu cầu cung cấp số điện thoại rồi”.
Chị Lê Thu Hà, Mỹ Đình, Hà Nội băn khoăn, nếu CSGT báo vi phạm giao thông qua điện thoại, liệu có nảy sinh những trường hợp kẻ xấu lợi dụng gọi điện đe dọa, lừa đảo người dân như đã xảy ra với các trường hợp chúng giả danh công an, tòa án lừa đảo đã xảy ra?
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ đội cảnh sát giao thông số 1, Phòng cảnh sát giao thông - Công an TP Hà Nội cho rằng: Việc CGST kiến nghị người dân cung cấp số điện thoại và email nhằm mục đích thông báo việc nộp phạt khi vi phạm giao thông là một trong những giải pháp áp dụng công nghệ vào xử phạt, giảm công sức đi lại của các bên liên quan (cảnh sát giao thông và người điều khiến phương tiện giao thông vi phạm).
“Khi đăng ký xe, chủ phương tiện đã để lại số điện thoại rồi. Tuy nhiên, quan trọng là người ta có dùng số điện thoại ấy lâu dài không?”, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ nêu vấn đề.
Ông Quỹ cho biết thêm: Trên thực tế, có việc một người có thể đăng ký nhiều phương tiện. Điều này luật pháp không cấm nhưng nếu một ngày, chủ phương tiện lại cho người A thuê và xảy vi phạm thì sẽ như thế nào? Hoặc có tình trạng khá phổ biến hiện nay, hộ khẩu một nơi nhưng sinh sống lại ở chỗ khác, trong khi Luật xử lý vi phạm hành chính lại chưa quy định rõ.
Do đó, Thượng tá Quỹ khẳng định, việc cơ quan cảnh sát giao thông kiến nghị người dân cung cấp số điện thoại và địa chỉ email không có gì bất cập, mà sẽ tránh được việc liên hệ khó khăn như bây giờ.
"Quan điểm của tôi là việc này phải được đồng bộ. Muốn làm được việc này thì phải đưa vào luật, nâng mức hình phạt lên trách nhiệm của người bán, cũng như trách nhiệm của người mua thì mới đảm bảo được việc chủ sở hữu phương tiện khi bán đổi, cho tặng. Người nhận phương tiện đó cùng đến cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh thông tin.
Trách nhiệm của người bán (hoặc người mua) là khi bán, cho hay tặng phương tiện đó thì phải thông tin với cơ quan nhà nước về quản lý phương tiện để kịp thời cập nhật thông tin. Nếu anh không thông tin việc đó, khi xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến phương tiện đó, hoặc phát hiện ra sẽ chịu phạt theo quy định", Thượng tá Quỹ chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của nhiều người "việc này có làm lộ thông tin cá nhân của người cung cấp hay không", Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ cho rằng, quy định đã nêu rõ: Người nào/tổ chức nếu để lộ thông tin cá nhân thì người đó/ tổ chức đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Nếu CSGT bán thông tin thì người dân có quyền khởi kiện việc đó. Vì thế, người dân hãy yên tâm khi để lại số điện thoại hoặc email. Số điện thoại, email này chỉ được sử dụng khi anh (người dân - PV) vi phạm giao thông. Việc này thuận lợi cho cả hai phía - người dân và cơ quan quản lý”, Thượng tá Quỹ nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Công ty Luật HTC Việt Nam - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội:
"Việc Cục CSGT đề xuất người dân cung cấp số điện thoại cho cơ quan chức năng trước tiên đem lại thuận lợi mà chúng ta thấy rõ ràng nhất là áp dụng công nghệ trong việc xử phạt vi phạm giao thông, giảm công sức đi lại và chi phí của các bên liên quan.
Hiện chưa có quy định, Cục CSGT đang trong quá trình kiến nghị bổ sung quy định yêu cầu người dân cung cấp số điện thoại. Vậy nên, trước khi đề nghị này được thông qua, việc vận động người dân tự nguyện cung cấp số điện thoại để gửi thông tin xử phạt là cần thiết để giải quyết khó khăn.
Thêm vào đó khi Chính phủ thông qua đề nghị của Cục CSGT thì cần bổ sung thêm các quy định, quy phạm pháp luật về việc đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân của người dân khi họ cung cấp thông tin cá nhân của mình để người dân yên tâm trong việc cung cấp các thông tin".