Liệu có quần thể rùa thiêng ở hồ Gươm?

Táo xanh - Theo PLXH,
Chia sẻ

"Liệu có còn một cụ Rùa thứ hai hay cả gia đình Rùa còn đang ở dưới hồ?" đang là vấn đề gây tò mò dư luận mấy ngày nay.

Tình hình cụ Rùa trong bể dưỡng thương

Sau những ngày thấp thỏm lo âu của nhiều người dân khi cụ rùa hồ Gươm phải chịu những vết thương lở loét, giờ đây, nhiều người đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi cụ đã được "hộ tống" vào bể và đang được chữa trị. Cùng lúc đó, có một câu hỏi đặt ra: "Liệu có còn một cụ rùa thứ hai đang ở dưới hồ?".
 
Chiều ngày 3/4/2011, sau hai tiếng vây bắt, các chiến sỹ đặc công đã cùng với các lực lượng chức năng thành công trong việc đưa cụ rùa về bể trị thương. Theo thông tin từ bộ phận chịu trách nhiệm chẩn bệnh và trị thương cho cụ, thì vết thương trên mình rùa không nặng lắm, và việc điều trị có thể hoàn tất trong vòng 2 tuần. Theo tiến sĩ Hà Đình Đức, vết thương đáng ngại nhất nằm ở khu vực bả vai, còn lại các chỗ bị thương ở mai, cổ và chân không quá nghiêm trọng như nhiều người vẫn lo lắng. Trong ngày đầu tiên được chữa trị, cụ rùa được cho ăn cá và phổi bò. Việc cụ ăn được và không tỏ ra quá "sốc" trước sự hiện diện của nhiều người cũng như tiếng ồn ào của đô thị và sự thay đổi môi trường sống cũng là một dấu hiệu khả quan cho việc điều trị.

Cụ Rùa trong bể điều trị. (Ảnh internet)

Tuy nhiên, khi so sánh kích thước cũng như hiện trạng vết thương của cụ rùa hiện đang được chăm sóc trong bể với những bức ảnh được ghi lại gần đây, có một giả thiết được đặt ra là còn có thêm một cụ rùa thứ hai ở trong hồ. Bên cạnh đó, trong thời gian tiếp xúc và điều trị, tiến sĩ Bùi Quang Tề thuộc Viện nuôi trồng Thủy sản, trưởng nhóm chẩn đoán và chữa bệnh cho cụ rùa đưa ra nhận định về những dấu hiệu cho thấy đây là một cụ rùa bà: "Đuôi rùa không thò ra mà nằm trong mai, sờ đuôi thấy nhẵn, vết thương trên cổ có thể do 'rùa ông' tấn công". Với nhận định này, có thể thấy giả thiết còn một cụ rùa trong hồ trở nên khá hợp lý.

Mặc dù giáo sư Hà Đình Đức, người được mệnh danh là Nhà Rùa học của Hà Nội vẫn một mặt khẳng định: "Hồ Gươm chỉ có một cụ Rùa duy nhất", ông Nguyễn Ngọc Khôi, Giám đốc Tập đoàn KAT, cùng với một số nhà khoa học, cũng như nhiều phóng viên và người dân vẫn tin rằng hồ Gươm có 2 cá thể rùa, thậm chí là 1 quần thể rùa sau khi ông Khôi bắt được cá thể rùa con nặng 20kg cùng ngày.

Đã bắt được "hậu duệ" của cụ Rùa?

Rất có thể có con cháu của rùa Hồ Gươm nếu cá thể rùa con có chung ADN với cụ Rùa đang dưỡng thương. Do đó việc xét nghiệm ADN cụ Rùa đang được tiến hành nhanh chóng.

"Để xác định đó có phải "con cháu" của cụ Rùa hay không phải được các chuyên gia mang lên xét nghiệm ADN. Việc xét nghiệm ADN để khẳng định các cá thể này có họ hàng hay không rất đơn giản" - ông Khôi nói.

Điều này mở ra hướng đi mới về nghiên cứu quần thể rùa ở hồ Gươm. Nếu ở Hồ Gươm tồn tại một "gia đình rùa" thì việc nhân giống bảo tồn sẽ không phải vấn đề lớn. Việc cải thiện môi trường sinh thái Hồ Gươm để rùa tiếp tục cuộc sống hoang dã của mình là điều cần thiết nhất, bởi theo lời các chuyên gia nước ngoài, hồ Gươm đang ô nhiễm một cách vô vọng. Từ đó, công tác phát triển du lịch hồ Gươm sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn.

GS Mai Đình Yên, phó chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam cho rằng, cũng như bất kỳ loài nào, duy trì nòi giống là việc nên làm, chưa kể rùa Hồ Gươm là rùa quý hiếm. Dù muốn hay không, cụ Rùa cũng như bao nhiêu sinh vật khác, một ngày nào đó sẽ chết, nên những nghiên cứu về giống loài của rùa tại Việt Nam là cần thiết để duy trì nòi giống của cụ Rùa, một loài vật còn mang giá trị tâm linh.

Ông Hoàng Văn Hà, cán bộ Chương trình bảo tồn rùa châu Á cho biết, độ tuổi sinh sản của rùa cũng có hạn, với một cá thể có tuổi đời trên 100 rất khó có khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nếu thực sự đang tồn tại một cá thể rùa nhỏ là con của rùa lớn thì chắc chắn, việc bảo tồn loài sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Chia sẻ