Liệu có nên đăng ký "Tắc đường Hà Nội" vào kỉ lục Guiness?

Q.A,
Chia sẻ

Có thể lắm chứ, bằng “năng lực tắc đường” của mình, rất có thể Hà Nội một ngày nào đó sẽ có tên trong cuốn sách ghi lại những “kỳ tích” của nhân loại này.

Người ta còn nhớ những pha tắc đường kỉ lục “800km ở Pháp” hay “tắc đường 9 ngày liên tiêp tại Trung Quốc trong năm 2010”, những sự kiện tình cờ này lại trở thành những kỷ lục trong cuốn sách Guiness ghi lại những kì tích của con người trong nhiều thập kỉ qua. Mặc dù không đứng đầu trong các thành phố có kỷ lục tắc đường “lâu nhất” và “trên quãng đường” dài nhất, nhưng quả thực, Hà Nội rất có “tiềm năng” để lập kỉ lục Guiness thế giới về "Thành phố tắc đường" – với hiện tượng tắc đường xảy ra phổ biến trong thành phố đạt tần suất đáng kể mà ít thành phố ở các quốc gia phát triển, đang phát triển và sẽ phát triển đạt được!

Kỷ lục về nhiều con đường, tuyến phố, ngã tư… và vỉa vè “tắc” nhất

Sống và làm việc ở Hà Nội, có ai chưa từng trải qua những giây phút tắc đường tại khu vực Chùa Bộc - Thái Hà - Phạm Ngọc Thạch, hay quãng hầm Kim Liên – Tôn Đức Thắng, hay ngã tư Đại Cồ Việt ngày trước khi được tu sửa? Người ta còn thấy bóng dáng của Cầu Giấy, trong những tin tức hàng ngày “khoe” tắc đường liên tục. Tắc đường to đường nhỏ, tắc phố xa phố gần, tắc hầm tắc cầu,... tắc tràn lên tận “vỉa hè”. Tắc nối tắc, các con phố ngả đường “lây bệnh” tắc nhanh hơn mức bình thường, có khi có thể nói “tắc đường” là bệnh kinh niên của thành phố, dù chúng ta đã thử khá nhiều "thuốc thang Đông Tây” kết hợp!

Hình ảnh Hà Nội giờ cao điểm.

Và nếu như chú ý xem những bức hình "tắc đường” ở những thành phố lớn trên thế giới, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng có nơi nào “khung hình tắc đường” lại phong phú như ở Hà Nội. Người ta “tắc theo hàng”, ô tô xếp hàng dài trên những con đường quốc lộ, cảm giác giống "bãi đậu xe” hơn là tắc đường. Còn ở Hà Nội, “tắc đường” chỉ là “cụm từ chung” diễn tả hiện tượng này, vì có lẽ nghe "tắc phố, tắc cầu, tắc chợ, tắc vỉa hè” nghe không được “dễ nghe” cho lắm nên ta chỉ dùng “tắc đường” cho tất cả các hiện tượng “tắc” trong thành phố. Như vậy, về cơ bản, nếu so nghĩa “tắc đường” của Tây với tắc đường của Ta, thì tắc đường của Ta, nghĩa rộng hơn hẳn. Chỉ thế thôi cũng đủ khiến Hà Nội có thêm “ưu thế vượt trội” trong hồ sơ gửi đăng ký “thành phố Tắc đường” trong Kỷ lục Guiness rồi!
 
Kỷ lục về tần suất tắc đường nhiều nhất

Một trong những lý do mà người dân Hà Nội thường xuyên đi làm muộn là “gặp tắc đường”. Thời điểm 8 giờ sáng thường là lúc dân công sở “đổ” ra đường đến cơ quan, văn phòng… nên đây được coi là khung giờ G xảy ra tắc đường. Cuối giờ chiều, khi mà các phụ huynh đón con đi học về, khi các cán bộ văn phòng hành chính phăm phăm trở về nhà sau môt ngày làm việc mệt mỏi, khi dân buôn kết thúc chuyến hàng cuối, khi các em học sinh tan giờ học về nhà… ô tô, xe máy, xe đạp đổ dồn về khắp các ngả đường, ngã tư lớn. Không chi tắc sáng, tắc chiều, Hà Nội còn tắc cả “đêm”. Còn nhớ những ngày sửa cầu Chương Dương, những đêm hội nghìn năm, hay những ngày cuối tuần, những ngày lễ nghỉ, lễ Tây lễ ta tắc đường tung hoành khắp ngả… Tóm lại "Tắc đường Hà Nội" là quanh năm, bốn mùa. Nào có thành phố nào lại tắc thường xuyên như thế?
 
Điệp khúc tắc đường...

Không chỉ có thể, tần suất tắc đường cũng diễn ra trong cùng thời điểm trên một diện rộng, mà chỉ có các nhà chuyên môn "đếm” mới có thể thống kê được những kỷ lục “số người”, “số phương tiện” đóng góp nên “kỷ lục tắc” tại Hà Nội. Nếu có một con số cụ thể và chính xác, mang tính thuyết phục, có lẽ không cần xem xét nhiều, các chuyên gia đánh giá về kỷ lục Guiness sẽ “ưu ái” xếp Hà Nội trong list danh sách "Thành phố tắc đường" với tần suất TopTen, hay biết đâu đấy, khách du lịch lại đến Hà Nội cũng chỉ vì "muốn tận mắt” chứng kiến hay “thử trải nghiệm” tắc đường, và biết đâu đấy, họ có thể “tham dự” một kỷ lục tắc khác ở Hà Nội thì sao. Cũng nên xem xét vấn đề này, lấy tiêu chí này để đăng ký cho Hà Nội tham gia kỷ lục Guiness.

Kỷ lục về số người thành thạo kỹ năng đối phó tắc đường nhất….

Sống trong tắc đường, người dân Hà Nội cũng được “tự đào tạo” kỹ năng đối phó “tắc đường”, theo đúng tinh thần “ứng phó” mà người ta vẫn hay dùng như” kỹ năng ứng phó biến đổi khí hậu”, “kỹ năng ứng phó với tai nạn”… Phải công nhận rằng, nếu có một trung tâm nào “cấp bằng chứng nhận” cho kỹ năng này, thì đến 90% người dân Hà Nội có thể “đố”, thậm chí khó mà tìm thấy “thủ khoa”. Đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, người khỏe người ốm, ai gặp tắc đường rất nhanh chóng: "phi" lên vỉa hè, quay ngang đường tìm lối thoát, bon chen giữa làn ô tô, bê xe sang đường… Thử hỏi, người dân thành phố ở những quốc gia khác, ngoài việc đứng yên xếp hàng, thì có phản xạ được nhanh như vậy không? Người dân Hà Nội, từ đi xe đạp, xe máy, xe ô tô, xe lam… dù là điều khiển loại phương tiện nào, cũng cảm thấy” tự tin” dù gặp tắc đường, chẳng còn ai xa lạ, hay cảm thấy “lạc lõng” trong đám đông xe cộ bon chen bấm còi inh ỏi.  


Chờ hết tắc, tranh thủ trà đá vỉa hè.

Bằng rất nhiều minh chứng vừa nêu, có thể thấy, Hà Nội hoàn toàn đủ điều kiện và tiêu chuẩn “lọt vào TopTen” những "Thành phố tắc đường" nổi tiếng thế giới, mởi các khóa tập huấn kỹ năng ứng phó tắc đường, đưa "Tắc đường” vào một trong những “điểm hút” cho ngành du lịch để thu hút sự tò mò và ưa phiêu lưu của các du khách nước ngoài” chưa từng biết trải nghiệm tắc đường. Cũng cần xác định một Ban Đánh giá kiểm định chất lượng “tắc đường” của Hà Nội, đưa ra những “số liệu thuyết phục” để chuẩn bị bộ hồ sơ đầy thuyết phục gửi cho Kỷ lục Guiness. Có thể lắm chứ, bằng “năng lực tắc đường” của mình, rất có thể Hà Nội một ngày sẽ có tên trong cuốn sách ghi lại những “kỳ tích” của nhân loại nổi tiếng này.
Chia sẻ