Liên tục "thủng ví" vì bạn của chồng

,
Chia sẻ

“Đã mất tiền thì chớ, mình còn bị chồng bảo là ki bo hẹp hòi, tất cả chỉ vì đám bạn thích làm chúa Chổm của ông ấy”, chị Linh than thở.

Nếu như trước đây, Linh (28 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) luôn tự hào vì Hùng rất quảng giao, có nhiều bạn bè và được họ quý mến thì một thời gian sau khi cưới, chị coi đám bạn chồng chẳng khác gì tội nợ, bởi thường xuyên bị họ “nã” tiền. Thời gian đầu lấy nhau, hai người cùng đóng một khoản vào quỹ chung, còn lại tiền ai nấy giữ. Linh ngạc nhiên thấy chồng mình kiếm cũng khá nhưng thỉnh thoảng vẫn bảo “đưa anh ít trăm tiêu đỡ”. Hoá ra anh thường rỗng túi vì cho bạn bè vay, nhưng chẳng mấy khi được trả.

Vì bạn bè mà vợ chồng lục đục

Góp ý với chồng rằng nhiệt tình với bạn bè cũng cần có giới hạn nhưng chẳng ăn thua, Linh dứt khoát yêu cầu chồng “nộp” các khoản thu nhập cho mình kiểm soát, hằng tháng phát “lương” cho anh tiêu. Nhưng rồi Hùng vẫn phải xin thêm vì khoản “lương” đó cũng bị vay nốt. Thế là Linh chuyển sang chế độ phát “lương” theo tuần. Thiệt hại có giảm, nhưng Hùng đâm ra oán vợ. Đám bạn anh vốn quen “hỏi là có”, bây giờ đâm ra phật ý khi vay tiền mà không được. Một vài người còn bóng gió nói anh bị vợ dắt mũi, vì vợ mà quên cả bạn bè. Có phần thất vọng với bạn nhưng không muốn làm mất lòng họ thêm nên bao nhiêu ấm ức, Hùng trút lên vợ, người chẳng những lấy đi tự do của anh mà còn làm anh mất bạn mất bè.

Tiền bạc vẫn là một lý do quan trọng khiến vợ chồng xung đột.

“Đúng là tiền mất mà tiếng vẫn mang”, chị Linh nói, “Bạn anh ấy 10 ông vay thì 7 ông không trả, mà ông xã tôi thì nể bạn, chẳng đòi bao giờ, cũng không biết từ chối. Mà có phải họ vay vì công to việc lớn gì cho cam, tôi biết thừa là mấy ông chưa vợ ấy ăn chơi xả láng nên túng tiền vay quanh”.

Vợ chồng chị Liên ở Thanh Xuân, Hà Nội, cũng hay cãi nhau vì chuyện bạn vay tiền. Hai anh chị và con nhỏ đang ở trong một căn hộ 36m2. Liên đang cố tích cóp để đổi nhà rộng hơn trước khi sinh đứa thứ hai. Nhưng anh Thịnh cứ thỉnh thoảng lại: “Em ơi, anh A. có việc cần, muốn vay mình 20 triệu”, hay: “Mai em rút 10 triệu đưa anh nhé, cậu X. đang có việc quan trọng lắm, cần mình giúp”. Liên không muốn cho vay vì nghĩ chồng mình quá dễ dãi với bạn bè, trong khi nhà mình đang rất cần tiền. Chính chị phải dè sẻn, cân nhắc từng khoản chi nhỏ vì “dự án nhà cửa”, và sự hết lòng vì bạn của anh Thịnh khiến dự án ấy cứ bị chậm lại mỗi lần một ít. Liên sốt ruột còn vì những khoản vay lớn thường rất lâu mới được hoàn lại, còn những khoản nhỏ chừng một vài triệu thì toàn bị lãng quên.

Thế nên gần đây, mỗi lần chồng đề nghị cho bạn vay tiền, Liên đều gay gắt từ chối và yêu cầu anh thu hồi những món nợ cũ. Chuyện tiền nong khiến chị đâm ra ác cảm với cả đám bạn của chồng, không còn niềm nở đón tiếp như xưa, thậm chí nhiều khi không giấu nổi sự chán ghét. Nhiều người bắt đầu ngại đến nhà Thịnh, bảo không muốn làm ngứa mắt vợ anh. Mất mặt với bạn, Thịnh trách móc vợ chỉ biết có tiền mà không đếm xỉa gì đến tình nghĩa, còn Liên buộc tội chồng vô trách nhiệm với gia đình, nếu chỉ biết có bạn thì đừng lấy vợ sinh con làm gì. Một bận, không kiềm chế được, Liên quát lên với chồng: “Anh nghĩ là có thể dùng tiền để giữ bạn ư? Thế thì họ đâu có yêu quý gì anh, họ chỉ lợi dụng anh thôi, như lợi dụng một thằng ngốc”. Câu nói đó khiến Thịnh cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, và họ giận nhau mất cả tuần.

Vợ chồng nên có giao ước

“Mâu thuẫn vì chuyện tiền nong liên quan đến bạn bè của người chồng rất phổ biến ở các gia đình”, chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, nói. Đàn ông vốn rất coi trọng bạn và không ngại giúp đỡ về mặt tài chính, và giới hạn của sự giúp đỡ đó rộng hơn phụ nữ rất nhiều. Đối với họ, việc cho bạn vay tiền thể hiện tấm lòng với bạn bè, một phần cũng liên quan đến thể diện đàn ông.

Vì thế, người vợ nên tạo điều kiện cho chồng duy trì các mối quan hệ tốt đẹp và không bị mất mặt. Tuy nhiên, là tay hòm chìa khoá, duy trì “an ninh tài chính” trong gia đình, sự lo lắng của phụ nữ trước những đề nghị vay tiền thường xuyên của bạn chồng là chính đáng. Theo bà Hồng Hà, dù thế nào, người vợ cũng không nên từ chối một cách “phũ phàng”, khiến chồng phật ý và có cảm giác bà xã chỉ bo bo làm "thần giữ của". Nên giao ước với chồng là sẽ quyết định cho vay hay không sau khi xem xét một số yếu tố: mối quan hệ giữa ông xã và người bạn ấy thân đến mức nào, việc cần tiền của anh ta có quan trọng không, tình hình tài chính của gia đình có đủ điều kiện cho vay không. Theo bà Hồng Hà, nếu người đó là bạn thân, và anh ta thực sự rất cần thì người vợ không nên từ chối nếu có khả năng giúp (việc có thể cho vay bao nhiêu và trong bao lâu cũng cần được nói rõ giữa hai vợ chồng). Còn ngược lại, người vợ sẽ có lý do chính đáng để từ chối mà ông xã không mè nheo oán trách gì được.

Nhưng thực tế là nhiều phụ nữ phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì anh bạn thân của đức lang quân cứ vay tiền nhưng không trả, hoặc hẹn lần hẹn lữa rất lâu. Bà Hà khuyên, nên giao hẹn trước với chồng, rằng nếu anh ta không trả thì lần sau không cho vay nữa, và nếu có nhiều người bạn quên trả như vậy, chị sẽ khắt khe hơn với chuyện cho bạn chồng vay.

Về phía các ông chồng, chuyên gia Hồng Hà khuyên, nên biết cân bằng khi ở cảnh “bạn một bên, bà xã một bên”. Đừng quên rằng bên cạnh lòng tốt với bạn bè, người đàn ông còn phải có trách nhiệm với gia đình. Bí quyết để vợ sẵn lòng cho bạn vay tiền khi thực sự cần thiết là biết từ chối những lời đề nghị không hợp lý. Nếu quá cả nể, bạn có thể bị lợi dụng và chẳng những vợ không hài lòng mà cả tình bạn cũng không giữ được. Từ đó, khi một người bạn thực sự thân đang có việc quan trọng, bạn cũng khó thuyết phục vợ giúp đỡ và lúc ấy mới thực sự lâm vào cảnh khó xử. Nếu người đàn ông thành công trong việc khiến bà xã tin tưởng vào bạn mình, người vợ sẽ không từ chối giúp nếu gia đình có khả năng.
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ