Liên Hợp Quốc cảnh báo về một "kỷ nguyên dịch bệnh", và chúng ta cần phải bảo vệ một thứ để tương lai ấy không xảy ra
Sẽ là một thời kỳ con người phải chứng kiến nhiều dịch bệnh xuất hiện, với hậu quả còn nặng nề hơn Covid-19.
Trong cuộc họp báo ngày 29/10, Liên Hợp Quốc (UN) đã đưa ra lời cảnh báo dành cho cả nhân loại về một "kỷ nguyên dịch bệnh".
Theo đó, các dịch bệnh trong tương lai sẽ xảy ra với tần suất thường xuyên hơn, giết hại nhiều người hơn, và gây ảnh hưởng cho kinh tế toàn cầu còn kinh khủng hơn cả Covid-19. Kịch bản này chắc chắn sẽ xảy ra nếu như con người không chịu bảo vệ một thứ cực kỳ quan trọng, đó là thiên nhiên.
Báo cáo của IPBES (Nền tảng liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái) nhận định, hiện tại có khoảng 850.000 loại virus được biết tới - bao gồm cả virus corona - tồn tại trong thế giới động vật và có khả năng lây nhiễm cho con người. Bởi vậy, các dịch bệnh trở thành mối nguy hiện hữu đối với nhân loại.
Đặc biệt, tác giả báo cáo cho biết việc phá hủy môi trường sống đã tạo điều kiện cho các dịch bệnh từ động vật dễ lây lan sang con người hơn. "Chẳng có gì quá khó hiểu về nguyên nhân gây ra Covid-19 hoặc bất kỳ đại dịch nào khác của thời hiện đại," - trích lời Peter Daszak, chủ tịch hội nghị IPBES. "Cũng những hành động gây biến đổi khí hậu và làm mất đa dạng sinh thái là nguyên nhân khiến dịch bệnh dễ xuất hiện hơn."
IPBES cho biết Covid-19 là đại dịch thứ 6 kể từ dịch cúm năm 1918, và tất cả đều xuất hiện vì "những hành động của con người" - bao gồm việc lạm dụng khai thác thiên nhiên quá mức thông qua chặt phá rừng, mở rộng nông nghiệp, buôn bán động vật hoang dã... Nó khiến cho việc tiếp xúc giữa con người và các loài vật hoang dã tăng lên, từ đó đẩy mạnh nguy cơ lan truyền dịch bệnh.
70% các dịch bệnh phổ biến - bao gồm cả Ebola, Zika và HIV/AIDS - đều bắt nguồn từ động vật. IPBES cảnh báo, mỗi năm sẽ có 5 căn bệnh mới xuất hiện ở người và hoàn toàn có nguy cơ trở thành một đại dịch nghiêm trọng.
Bởi vậy, UN cho rằng cần có một sự chung tay của quốc tế để hạn chế mất mát trong đa dạng sinh học, cũng như ngăn được quá trình biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cần có những quy định nghiêm khắc hơn dành cho nạn buôn bán động vật hoang dã, và củng cố các cộng đồng bản địa để bảo vệ thiên nhiên hoang dã tốt hơn.
Theo Nick Ostle, nhà nghiên cứu từ ĐH Lancaster (Anh), đánh giá của IPBES giống như một bản nhắc nhở, về việc nhân loại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên như thế nào.
"Sức khỏe, tài sản và sự thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc vào những yếu tố tương tự của môi trường," - Ostle cho biết. "Dịch bệnh lần này cho thấy sự quan trọng của việc bảo vệ, phục hồi và chung sống với tự nhiên của chúng ta."