Liên Hiệp Quốc tiếp tục đề cao nữ quyền
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo bình đẳng giới sẽ không đạt được trong vòng 300 năm với tiến trình hiện tại, khi quyền của phụ nữ vẫn bị lạm dụng, đe dọa và vi phạm
Theo hãng tin AP, phát ngôn trên được người đứng đầu Liên Hiệp Quốc (LHQ) đưa ra tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 67 của Ủy ban về Vị thế của phụ nữ (CSW) của LHQ hôm 6-3, 2 ngày trước ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.
Ông Guterres cho rằng những tiến bộ đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua đang tan biến vì "chế độ gia trưởng đang chống trả". Đơn cử là tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng ở Afghanistan; cũng như tại nhiều quốc gia khác quyền sinh sản và tình dục của phụ nữ đang bị tước bỏ; trẻ em gái và thiếu nữ đối diện nguy cơ bị bắt cóc, hành hung khi đi học. Từ Ukraine đến vùng Sahel của châu Phi, khủng hoảng và xung đột ảnh hưởng đến phụ nữ, trẻ em gái đầu tiên và nặng nề nhất…
Trong phiên họp 2 tuần, Ủy ban về Vị thế của phụ nữ LHQ sẽ tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách giới trong công nghệ và đổi mới, mà ông Guterres cho rằng phụ nữ và trẻ em gái đang bị bỏ lại phía sau. Họ chiếm số đông trong 3 tỉ người trên thế giới chưa được kết nối với internet và chỉ đạt 19% ở các nước kém phát triển nhất.
Chỉ 1/3 học sinh trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học là nữ giới; trong khi chỉ 1/5 nhân sự trong các ngành công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), là nữ. Nhiều sản phẩm và dịch vụ liên quan "tạo ra sự bất bình đẳng ngay từ đầu".
Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh cần tăng cường giáo dục, việc làm và tăng thu nhập cho nữ giới, nhất là ở các nước đang phát triển. Các chính phủ cũng cần tạo ra một môi trường kỹ thuật số an toàn cho nữ giới, loại bỏ thông tin xuyên tạc, sai lệch, đùa bỡn liên quan giới tính trên mạng xã hội.
Cô Norah Magero, một kỹ sư cơ khí và chuyên gia năng lượng tái tạo đến từ Kenya với kinh nghiệm thiết kế và quản lý các công nghệ năng lượng không nối lướiẢnh: UN NEWS
Trong khi đó, bà Sima Bahous, Giám đốc điều hành Cơ quan LHQ vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UNIFEM, còn gọi là UN Women), cho biết thách thức trước mắt là "sửa chữa các thể chế, định kiến giới có hại xung quanh lĩnh vực công nghệ và đổi mới", bảo đảm không gian trực tuyến không bị lạm dụng.
Trong một diễn biến khác, liên quan chuyện mang thai hộ, khác với một số quốc gia như Anh, Canada hay Việt Nam chỉ cho phép vì mục đích nhân đạo (theo chỉ định y khoa, không liên quan lợi nhuận), mang thai hộ vì mục đích thương mại vẫn được chấp nhận ở một số nơi trên thế giới.
Điều này khiến nhiều phụ nữ có gia cảnh khó khăn từ các nước đang phát triển bị cuốn vào "ngành công nghiệp đẻ thuê" ước tính có giá trị lên tới 14 tỉ USD vào năm 2022 và sẽ lên tới 129 tỉ USD vào năm 2032 - theo dữ liệu từ công ty tư vấn nghiên cứu thị trường Global Market Insights (trụ sở chính tại Mỹ).
Nhu cầu này đang được thúc đẩy từ phía các nước phương Tây. Nhiều người tìm kiếm dịch vụ mang thai hộ thương mại, bao gồm dịch vụ xuyên biên giới từ các nước như Georgia, Ukraine, Mexico… để tránh danh sách chờ đợi dài, tiết kiệm chi phí hoặc vì luật trong nước của họ ngăn trở.
Tiết lộ với đài CNBC, bà Dilara từ Georgia, một người vừa dấn bước vào "ngành công nghiệp" mang thai hộ, thừa nhận đã bị thu hút bởi triển vọng thu nhập cao hơn, dù biết chỉ được chi một phần rất thấp - trung bình 12.000 - 20.000 USD cho người mang thai hộ, trong tổng số 50.000 - 60.000 USD cặp đôi nhờ mang thai hộ phải trả.
Bà Teresa Ulloa Ziaurriz, Giám đốc khu vực của Liên minh Chống buôn bán phụ nữ, trẻ em gái Mỹ Latin và Caribbean (CATWLAC), nhận xét: "Đây không phải là một "ngành công nghiệp" tốt cho phụ nữ. Đối với tôi, họ là nạn nhân". Nhiều nhà phê bình cho rằng "ngành công nghiệp" này đang lợi dụng những phụ nữ bị tổn thương.