Lịch trình ca bệnh 1883 hết sức phức tạp, ngồi họp trong Sở Tư pháp với cả trăm người

B.H.Thanh,
Chia sẻ

Lực lượng chức năng xác định lịch sử dịch tễ ca bệnh Covid-19 số 1883 rất phức tạp, đã di chuyển nhiều nơi, dự cuộc họp tại Sở Tư pháp Hà Nội trong khoảng 1 giờ với 128 người.

Ngày 3-2, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội, đề cập đến lịch sử dịch tễ các ca bệnh, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết bệnh nhân 1883 (công chứng viên), là F1 của bệnh nhân 1814. Lịch sử dịch tễ của ca bệnh 1883 khá phức tạp, di chuyển nhiều nơi. Đến nay, đã xác minh được 57 trường hợp F1 của ca bệnh 1883, kết quả xét nghiệm 28 mẫu âm tính, còn lại đang tiếp tục chờ.

Lịch trình ca bệnh 1883 hết sức phức tạp, ngồi họp trong Sở Tư pháp với cả trăm người - Ảnh 1.

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chủ trì cuộc họp

Theo bà Cấn Thị Việt Hà, Chủ tịch UBND quận Hà Đông, quận đã nhận được lịch sử dịch tễ của ca bệnh 1883. Theo đó, ngày 28-1, bệnh nhân này dự cuộc họp tại Sở Tư pháp trong khoảng 1 giờ. Ngay khi nhận được thông tin, quận Hà Đông đã lập được danh sách 128 người có mặt tại hội trường Sở Tư pháp Hà Nội, trong đó xác định được 9 trường hợp F1. Quận Hà Đông cũng đã khoanh vùng khử khuẩn trong Sở Tư pháp.

Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm thông tin đã xác minh được 1 trường hợp F1 là tiếp viên hàng không liên quan đến ca bệnh 1883 trên đường bay Hà Nội-TP HCM. Đến nay, quận Hoàn Kiếm đã cho lấy mẫu xét nghiệm của tiếp viên hàng không này và đang làm thủ tục đưa vào bệnh viện cách ly.

Còn ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cũng đánh giá ca bệnh 1883 có lịch sử dịch tễ rất phức tạp. "Ca bệnh này không những đi lại nhiều nơi, mà còn đi cả máy bay vào TP HCM. Đến sáng mai, chúng tôi mới có thể đánh giá sơ bộ được mức độ lây lan của bệnh nhân 1883. Từ đó mới đánh giá được mức độ lây lan dịch bệnh trên địa bàn TP" - ông Việt nói.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dành nhiều thời gian nói về việc phong tỏa, cách ly y tế đối với các khu vực ghi nhận ca mắc Covid-19. Chúng ta càng khoanh vùng nhỏ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Nhưng với điều kiện phải rà soát hết những người tiếp xúc gần để đảm bảo an toàn cho khu vực phong tỏa.

Với những khu chung cư, nếu chỉ xuất hiện 1 ca mắc Covid-19 mà phải phong tỏa cả tòa nhà thì số người bị cách ly là rất lớn. Phần lớn cư dân sống trong chung cư đều ai biết nhà đấy, chỉ có thời điểm cuối năm, một số gia đình gặp gỡ liên hoan. Do vậy, khi xuất hiện ca mắc Covid-19, chỉ cần trích xuất camera để biết chung cư đó sinh hoạt thế nào để thực hiện biện pháp cách ly phù hợp.

Kết luận buổi họp, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết từ trước đến nay, TP vẫn thống nhất hướng xử lý là các trường hợp F1 được cách ly tại cơ sở tập trung, còn trường hợp F2 được cách ly tại nhà, dưới sự giám sát của chính quyền địa phương.

Trước băn khoăn về việc phong tỏa các khu vực ghi nhận ca Covid-19 như thế nào cho phù hợp, ông Dũng cho hay nếu phong tỏa mở rộng nhưng bên trong khu phong tỏa lỏng lẻo, người dân vẫn di chuyển bình thường thì không gọi là phong tỏa. Bởi rất có thể do sự lơ là bên trong khu vực phong tỏa lại dễ dẫn tới xuất hiện ổ dịch chính bên trong khu vực này.

"Phong tỏa mở rộng thì an toàn cho chúng ta nhưng khổ người dân. Sáng nay, Phó Thủ tướng cũng đã phê bình một Bí thư địa phương vì dịch xuất hiện ở một xã thôi mà phong tỏa cả một huyện. Thực tế, chúng ta chỉ cần nắm rõ về mặt dịch tễ ca bệnh thì sẽ đảm bảo an toàn, không bỏ sót các trường hợp tiếp xúc gần" - ông Dũng nói.

Trong những ngày giáp Tết, ông Chử Xuân Dũng cũng đề nghị chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa đến đời sống của người dân, cán bộ làm việc trong các khu vực cách ly tập trung. Bởi theo quy định cách ly 21 ngày thì nhiều người dân sẽ phải đón Tết trong các khu cách ly tập trung.

Chia sẻ