Lên mạng "bóc phốt" khách hàng, cô gái nhân viên cửa hàng fast food bị dân mạng ném đá: Không lẽ khách hàng phải dạ thưa bạn mới chịu?
Những tưởng sẽ nhận được sự đồng cảm từ phía cư dân mạng nhưng hoá ra cô bạn trên lại bị "ném đá" không thương tiếc.
Trong ngành dịch vụ, có một quy tắc bất thành văn rằng: Khách hàng là thượng đế. Nhưng "thượng đế" thì cũng có người này, người kia, có người dễ tính, có người khắt khe. Quan trọng rằng bạn phải là người phục vụ chuyên nghiệp và kiên nhẫn thì mới vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi được. Thế nhưng, vẫn có 1001 câu chuyện dở khóc dở cười trong ngành dịch vụ mà không phải ai cũng hiểu.
Mới đây, trong một group kín trên Facebook vừa xuất hiện bài đăng của một cô bạn nhân viên cửa hàng fast food có tên là N. Bài viết bày tỏ những bức xúc của N khi mỗi ngày phải đối mặt với những kiểu khách hàng ăn nói trống không, không có ý thức xếp hàng, thái độ hách dịch,...
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
"Chào các bạn! Hôm nay mình muốn chia sẻ về vấn đề "Ngành dịch vụ và 9981 câu chuỵên khác nhau". Đó giờ mình rất muốn khẩu nghiệp về vấn đề này nhưng thật sự là không biết tâm tình cùng ai nên hôm nay mình lên đây tâm tình vậy. Mình là cô bé bán fastfood và chắc hẳn trong đây nhiều bạn làm nghề dịch vụ giống mình lắm. Thật sự là hằng ngày mình rất mệt mỏi khi phải đối mặt với những thể lọai khách đại loại như:
- Ăn nói trống không, nói chuyện như cha thiên hạ, mẹ thiên nhiên, ví dụ như "cho 2 chai nước đi".
- Tới order bảo "cho anh/chị mấy chai/lon nước, nước nào ngon á em". Ủa mấy chai là mấy chai? Ủa ngon hay dở là tùy khẩu vị mỗi người mà.
- Tới mua kem, mình hỏi lấy kem gì, bảo gì cũng được, đến lúc mình cầm kem giơ trước mặt cho thấy rồi, đồng ý rồi, mình in ra bill xong đòi đổi, mình không đổi thì nhăn cái mặt như cái mền, do em ghét không muốn đổi chứ em đổi cho chị lúc nào chả được.
- Tưởng cái quầy của người ta là cái thùng rác hay gì, đụng là xả ngay trên quầy, mình kêu "anh/chị ơi thùng rác bên kia ạ" thì mắt chữ A mồm chữ O và thốt lên "ủa vậy hả" trong khi chỗ mình làm thì thùng rác khắp nơi, quầy mình 2 bên 2 cái thùng rác đó.
- Rồi cũng có nhiều loại khách kiểu không xếp hàng mà cứ kêu mình lấy nước, mình kêu vô xếp hàng đi thì vẫn đứng lì đó, không bán thì chửi kêu sao đứng nãy giờ mà không bán, ủa chứ không thấy người ta đang xếp hàng hay gì. Thật sự là không có ý thức về việc xếp hàng các bạn ạ.
- Có nhiều hôm thật sự là không có tiền lẻ để trả lại, mình bảo không có tiền trả lại thì kêu bán từ sáng giờ mà không có tiền lẻ à, ủa đâu ai quy định là bán từ sáng giờ phải có tiền thối đâu. Mua có chai suối 15k đưa 500k xong bảo "bán mà không có tiền lẻ để thối thì ma mua chứ ai mua", hóa ra giờ mình mới biết mình có năng lực có thể mua bán nói chuyện với ma luôn.
- Rồi còn nhiều người tiếc 1k nữa kìa, không phải là mình coi 1k không ra gì nhưng nhiều trường hợp nó không đáng. Ví dụ như chai nước 15k, đưa tao 16k, mình kêu "anh/chị ơi em không có 1k để thối lại cho anh/chị", xong cầm 16k giơ trước mặt mình và nói với cái điệu bộ không thể hách dịch hơn "chứ giờ em muốn sao, giờ làm sao, không lẽ đưa cho em vầy luôn hả (ý là đưa 16k cho mình luôn)"....
- Do mình làm trên đảo, so ra chai suối 500ml mà 15k cũng đâu có đắt, quảng trường Đà Lạt bán chai suối 10k rồi, huống hồ gì ở đảo, tiền vận chuyển, tiền công nhân viên, tiền abc xyz, mà mình kêu chai suối 15k mà cứ đứng hỏi đi hỏi lại "15k hả em".
Mình chỉ kể vậy thôi, các bạn còn gì thì tiếp lời đi, giờ mình xỉu đây......".
Những tưởng sẽ nhận được sự đồng cảm từ phía cư dân mạng nhưng hoá ra cô bạn trên lại bị "ném đá" không thương tiếc. Bên dưới phần comment, rất nhiều người tỏ ra không bằng lòng với quan điểm của N. Thậm chí, nhiều người còn chỉ trích rằng: Làm dịch vụ mà cũng cần khách hàng tới chào hỏi kính thưa mới bán hay sao?
Bích Thuỷ Nguyễn: "Ủa, mua nước hỏi ngon không cũng bị chửi nữa hả?"
Lâm Vy: "Cái chuyện buôn bán thì bạn bắt buộc phải chuẩn bị đủ tiền lẻ để thối cho khách chứ. Đã không có tiền lẻ thối cho khách rồi còn "hành tỏi". Làm nhân viên như bạn thì khách hàng nào chơi lại?".
Thanh Thuỷ: "Người ta không biết, người ta hỏi nước nào ngon, lịch sự vậy rồi còn gì nữa. Còn trách nhiệm của người bán thì phải biết loại nào ngon để tư vấn cho khách chứ. Sao lại bảo là khách không biết điều. Chẳng lẽ phải dạ thưa này nọ mới bán nước cho hay sao?".
Nguyễn Hồng: "Làm dịch vụ mà phải cần khách tới chào hỏi kính thưa mới bán hay sao? Rồi 1 nghìn cũng là tiền chứ sao mà không lấy, 100 người mất 1 nghìn là bạn có 100 nghìn đó. Bạn có thể chuẩn bị sẵn kẹo 500đ hay 1 nghìn mà bảo em thay thế bằng cái này được không mà. Còn người ta thắc mắc chuyện 15k thì sao, chả sao cả, thấy mắc hơn hỏi 15k à mà cũng khó chịu thì ở nhà, khỏi đi làm luôn cho rồi".
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Vũ Hải Anh: "Mình nghĩ bạn không nên làm ngành dịch vụ nữa vì tính bạn gắt lắm luôn ấy".
Nguyễn Trương Quế Trâm: "Làm dịch vụ thì chịu chứ sao trời, nó như cái đặc thù công việc rồi, đi làm sếp hách dịch, ra mua đồ còn gặp bé bán hàng hách dịch nữa thì ngày tàn".
Trần Vân: "Làm dịch vụ xác định là phải chịu như vậy rồi. Đã gọi 2 chữ "dịch vụ" thì cỡ nào cũng phải nhịn im lặng nuốt cái tôi vào trong. Thật ra có nhiều nơi còn không cho nói xấu khách hoặc thái độ với khách hàng đâu. Cứ thử làm ở mấy chỗ boss giám sát thì ngày nào cũng là ngày đầu tiên đi làm đấy bạn. Chúc bạn kiếm được nhiều tiền mua hẳn cái đảo rồi ở luôn khỏi đi làm dịch vụ nha".
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những người bảo vệ cô bạn này vì cho rằng N chỉ bức xúc quá nên mới than vãn như vậy thôi:
Tom Hí: "Bạn ấy chỉ kể lại tâm sự những chuyện đi làm thôi chứ đã có thái độ hay hành động gì quá đáng với khách đâu mà mọi người chỉ trích như vậy".
Thanh Vũ: "Tức quá thì lên xả tức thôi chứ có làm gì khách đâu mà chửi người ta dữ vậy".
Khoan kết luận rằng ai đúng ai sai nhưng câu chuyện này cũng là bài học dành cho những ai làm trong ngành dịch vụ và cả những khách hàng của họ nữa. Cả hai bên hãy luôn cư xử đúng mực và niềm nở thì sẽ không còn những trường hợp bức xúc như thế nữa.