Lén đọc nhật ký của con, người mẹ phát hiện bí mật bị giấu kín suốt 1 năm, phản ứng sau đó của con khiến chị nặng lòng

Đông,
Chia sẻ

Người mẹ đã nhận ra nhiều điều từ lần "lén" đọc trộm nhật ký của con.

* Dưới đây là tâm sự gây chú ý của một người mẹ trên MXH Dcard (Trung Quốc).

Tôi là một người mẹ, một người đã từng có thói quen lục lọi đồ đạc của con. Chẳng phải vì tôi nghi ngờ con điều gì sai trái, mà chỉ vì tôi muốn hiểu con hơn, biết con đang nghĩ gì, quan tâm đến điều gì. Nhưng hành động đó đã gây ra những vết nứt trong mối quan hệ giữa hai mẹ con.

Con tôi - Tiểu Thanh đang trong độ tuổi dậy thì với đầy những cảm xúc và suy nghĩ phức tạp, nhưng nhìn chung con là một cô bé ngoan. Dạo gần đây, tôi nhận ra con thường hay ngồi lâu trong phòng, ghi gì đó vào nhật ký hoặc nghịch ngợm điện thoại. Tôi bắt đầu lo lắng.

Để nỗi lo lắng của tôi được nguôi ngoai, tôi thường lục đồ đạc của con, lén đọc trộm một trang nhật ký và xem lén tin nhắn trong điện thoại của con. Sau đó, tôi phát hiện con đã có bạn trai được 1 năm. Trong lòng tôi khi đó đầy đủ sự bao biện: "Chỉ là muốn tốt cho con thôi", "Mẹ có quyền biết mình nuôi con nên con không được giấu mẹ" hay "May mà mình biết con có người yêu sớm để mà quản lý chứ không chẳng biết chuyện gì có thể xảy ra".

Tuy nhiên, những việc tôi làm, con đều phát hiện ra hết. Ban đầu, con chỉ phản ứng nhẹ nhàng như từ chối nói chuyện với tôi, hay tránh né khi được hỏi về những người bạn xung quanh. 

Người mẹ lén lục đồ của con. (Ảnh minh họa)

Rồi chuyện gì đến cũng đến, có một ngày, con đã khóc và nói với tôi: "Mẹ có thể cứ xem đồ con, nhưng sao lại đọc nhật ký của con? Sao lại phải biết tất cả mọi điều?".

Âm thanh đó như những nhát dao cắt sâu vào lòng tôi. Tôi nhận ra, sự kiểm soát của tôi đã vô tình tước đi quyền riêng tư mà con xứng đáng được hưởng.

Kể từ đó, con xa cách tôi rõ rệt. Con khó chia sẻ hơn với tôi, nhiều lúc giữ trong lòng những suy nghĩ riêng. Tôi nhận ra sai lầm, nhưng để khôi phục niềm tin từ con, đó là một hành trình dài.

Tôi bắt đầu bằng những việc nhỏ: không còn động vào những gì là cá nhân của con, chịu khó lắng nghe con nói dù chỉ là những chuyện nhỏ nhặt. Dần dần, con bắt đầu chấp nhận rằng tôi đang cố gắng thay đổi. Đến bây giờ, chúng tôi đã phần nào lấy lại sự gắn kết, nhưng tôi không bao giờ quên giây phút đó.

Qua câu chuyện này, tôi muốn gửi gắm tới những bậc phụ huynh khác: Đừng biện minh cho sự điều khiển con cái quá mức của mình. Con cái dù còn nhỏ, nhưng cũng có những không gian riêng cần được tôn trọng. Hãy hỏi con trước khi động vào đồ vật hay cuộc sống cá nhân. Hãy dành thời gian để lắng nghe và tôn trọng những chia sẻ của con. Chỉ khi chúng ta thực sự hiểu và tôn trọng, con mới có thể tự nguyện chia sẻ những góc kín trong lòng.

Là một người mẹ, tôi hiểu rõ rằng tình yêu thương dành cho con cái không chỉ là sự chăm sóc và bảo vệ, mà còn bao hàm cả sự tôn trọng. Tôn trọng không chỉ là lắng nghe tiếng nói của con, mà còn là chấp nhận rằng con cũng có quyền riêng tư, có không gian cá nhân của riêng mình. Chúng ta, những bậc phụ huynh, thường có xu hướng áp đặt suy nghĩ của mình, cho rằng con còn nhỏ, chưa đủ hiểu biết, và chúng ta cần can thiệp mọi khía cạnh trong cuộc sống của con để đảm bảo an toàn. Nhưng chính sự can thiệp quá mức đôi khi lại vô tình tạo ra khoảng cách và khiến con cảm thấy bị xâm phạm.

Phụ huynh phải tôn trọng quyền riêng tư của con. (Ảnh minh họa)

Tôi từng phạm sai lầm trong việc này và tôi muốn tâm sự rằng, con trẻ, dù ở lứa tuổi nào, cũng cần có không gian riêng để phát triển cảm xúc, xây dựng sự tự tin và khám phá bản thân. 

Nhưng cha mẹ cần lưu ý, tôn trọng quyền riêng tư của con không có nghĩa là để mặc con tự xoay xở trong cuộc sống, mà là xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng và giao tiếp chân thành. Hãy tạo cơ hội để con chia sẻ với bạn, thay vì ép buộc con phải tiết lộ những điều con chưa sẵn sàng nói ra. Thay vì lén kiểm tra nhật ký, hãy hỏi con một cách dịu dàng: "Hôm nay ở trường có gì vui không?" hoặc "Có điều gì con muốn kể với mẹ không?".

Quyền riêng tư không làm giảm đi vai trò của chúng ta trong việc bảo vệ và hướng dẫn con, mà chính là cách để chúng ta thể hiện sự yêu thương và tôn trọng dành cho con. Đừng để tình yêu thương trở thành cái cớ để kiểm soát, mà hãy biến nó thành động lực để cùng con xây dựng mối quan hệ bền chặt, nơi con cảm thấy an toàn và được hiểu. 

Khi bạn tôn trọng quyền riêng tư của con, bạn không chỉ giúp con phát triển lành mạnh hơn, mà còn gieo hạt giống của sự tin tưởng, sự tự chủ, và lòng biết ơn trong trái tim con trẻ.

Tổng hợp

Chia sẻ