Lễ tốt nghiệp “tốn tiền” của Á hậu Phương Anh tại RMIT: Quy tắc ngầm về lễ phục, nhiều nghi thức rườm rà nhưng choáng nhất là "đặc quyền" không phải ai cũng có
Đúng là chỉ có ai giàu siêu giàu mới dám vào học RMIT. Nhìn lễ tốt nghiệp tốn tiền đến thế này cơ mà.
Lễ tốt nghiệp là sự kiện được các sinh viên trông đợi nhất sau quãng thời gian 4 - 5 năm học đại học. Được xướng tên trước toàn thể hội trường và hiên ngang bước lên sân khấu nhận tấm bằng cử nhân từ những thầy cô đầu ngành hẳn không còn gì vinh dự hơn đối với các sinh viên.
Mới đây nhất, Á hậu Việt Nam 2020 - Phạm Ngọc Phương Anh đã cùng hàng nghìn sinh viên năm cuối khác của ĐH RMIT khoác lên mình chiếc áo cử nhân trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. Vậy đối với sinh viên những ngôi trường quốc tế học phí lên tới con số trăm triệu thậm chí là cả tỷ bạc thì lễ tốt nghiệp có gì khác biệt?
Điều kiện tốt nghiệp đầu ra của RMIT: Vào khó, ra siêu khó?
Hẳn nhiều người đều chung suy nghĩ rằng RMIT là ngôi trường dành cho giới nhà giàu thì chỉ cần có tiền là đã bước chân vào được. Thế nhưng, sự thật lại hoàn toàn khác. Tuy học phí nằm ở mức cao nhưng không đồng nghĩa với việc chất lượng tuyển sinh đầu vào của nhà trường lại thấp.
Để đủ điều kiện xét tuyển vào đây, bạn phải dựa vào kết quả tốt nghiệp THPT và yêu cầu tiếng Anh theo chuẩn của trường. Trong đó, thí sinh cần tốt nghiệp THPT với điểm trung bình lớp 12 từ 7.0/10 điểm trở lên.
Về yêu cầu tiếng Anh, thí sinh cần đạt IELTS học thuật 6.5 trở lên (không có kỹ năng nào dưới 6.0) hoặc TOEFL iBT 79 (điểm tối thiểu từng kỹ năng đọc 13, nghe 12, nói 18, viết 21) hoặc Pearson Test of English học thuật 58 (không kỹ năng giao tiếp nào dưới 50) hoặc Cambridge English Advanced (CAE) hoặc Proficiency (CPE) 176 (không kỹ năng nào dưới 169) hoặc tương đương. Khi vào trường, bạn sẽ phải học tập bằng tiếng Anh nên không có vốn ngoại ngữ tốt đồng nghĩa với việc bạn sẽ gặp khó khăn rất lớn.
Bước chân vào đã khó, bước chân ra khỏi trường và cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp còn khó gấp bội. Mỗi năm học, sinh viên cần trải qua 3 học kỳ, mỗi học kỳ sinh viên được đăng ký tối đa 4 môn. Nếu rớt môn, sinh viên phải đóng tiền để học môn đó lại từ đầu. Mỗi tín chỉ đều giá trên trời nên chỉ cần thi trượt đồng nghĩa với việc bạn hoàn toàn phải "trả giá đắt" khi phải tốn thêm một khoản tiền vài chục triệu đồng.
Tại RMIT, kết quả học tập của sinh viên không còn được quyết định dựa vào các kỳ thi, thay vào đó là những hình thức đánh giá thực tiễn tùy theo từng ngành học, bao gồm bài tập, viết luận, thuyết trình cá nhân hay theo nhóm, các dạng đồ án. Do đó, những ai hay cúp tiết, trốn học hay không tích cực trong các hoạt động nhóm hẳn cũng nằm trong nhóm nguy cơ "tạch" rất lớn.
Ở ngôi trường dành cho hội rich kid này, thang điểm quy định cho môn học là 100, và tùy từng mốc điểm sẽ ứng với các thứ hạng khác nhau bao gồm: NN (0-49) trượt môn, PA (50-59) vừa đạt qua môn, CR (60-69) mức khá, DI (70-79) mức giỏi, HD (80-89) mức xuất sắc. Sau đó, điểm môn học sẽ được tính ra điểm trung bình (GPA) theo thang 4.0.
Sau 4-5 năm học tại trường, bạn phải tích lũy cho mình các năng lực như sẵn sàng cho công việc, có quan điểm và năng lực cạnh tranh toàn cầu, có ý thức trách nhiệm với môi trường, có hiểu biết văn hóa và xã hội, có sự tích cực và đam mê học hỏi suốt đời và có sự sáng tạo cùng suy nghĩ đổi mới.
Lễ tốt nghiệp tốn tiền, đậm chất phương Tây với lễ phục đẹp miễn chê, nhiều nghi thức rườm rà
RMIT Việt Nam là thành viên của ngôi trường danh tiếng Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (Úc), do vậy, lễ tốt nghiệp của ngôi trường này cũng mang hơi thở của các buổi lễ tương tự tại xứ chuột túi. Và tất nhiên thêm chút rườm rà, nhiều thủ tục nữa.
Một trong những chi tiết quan trọng nhất của một buổi lễ tốt nghiệp đó là lễ phục của các tân cử nhân. Tại ngôi trường học phí bạc tỷ này, tất cả những người tham dự lễ tốt nghiệp phải mặc lễ phục tốt nghiệp phù hợp với bằng cấp hoặc chức vụ tại trường. Riêng các tân cử nhân sẽ khoác lên mình áo choàng đen, mũ trùm lụa đen viền mép với dải bện màu trắng và đường viền lụa có màu tùy theo màu quy định của ngành học, nón vuông đen với chóp tua lụa đen. RMIT hiện dành ra 15 màu sắc tượng trưng cho 15 ngành học, riêng màu đỏ dành cho các nghiên cứu sinh sẽ nhận bằng tiến sĩ.
Lễ phục màu tím nhạt của sinh viên ngành Kinh doanh.
Lễ trao bằng của RMIT diễn ra ở cả hai cơ sở tại Hà Nội và TP.HCM. Trong khi cơ sở tại miền Nam tổ chức liên tục 3 buổi trao bằng trong 2 ngày cuối tháng 3 tại khuôn viên trường thì ở Hà Nội, chương trình sẽ diễn ra vào tháng 5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Một trong những phẩm vật đặc biệt nhất của buổi lễ, được đặt tại vị trí chính giữa sân khấu là quyền trượng. Quyền trượng biểu đạt uy quyền của Chủ tịch Hội đồng trường với tư cách là người đứng đầu nghi lễ của Đại học RMIT. Quyền trượng được thiết kế theo thuật toán angorit và được in 3D nguyên khối bằng titanium biểu tượng cho tri thức hiện tại cũng như quá khứ. Đây được xem là một điểm khác biệt siêu hay ho so với các trường ĐH khác.
Quyền trượng được trân trọng mang lên vị trí làm lễ.
Sinh viên tốt nghiệp nhưng vẫn còn vô số đặc quyền mà không phải ai cũng có
Ở các trường ĐH khác, sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể "thoát ly" khỏi ngôi trường mà mình đã gắn bó lâu dài. Riêng tại RMIT, các cựu sinh viên sẽ nhận được một tấm thẻ "quyền lực" Alumi mà trong đây chứa đựng tất cả những đặc quyền mà các bạn sẽ có.
RMIT cho rằng, trải nghiệm của các sinh viên với nhà trường không dừng lại vào ngày tốt nghiệp. ĐH RMIT hỗ trợ tối đa các cựu sinh viên trưởng thành từ đây trong sự nghiệp lẫn cuộc sống. Trong đó, nhà trường giúp cựu sinh viên phát triển sự nghiệp bằng các hội thảo phát triển chuyên môn và cá nhân, tạo cơ hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp, được tham gia các hoạt động giao lưu và sự kiện đặc biệt.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng miễn phí dịch vụ thư viện trực tuyến và trực tiếp, được nhận ưu đãi cho các chương trình học tiếp theo, được nhận giảm giá từ các thương hiệu đa dạng trên toàn quốc từ ăn uống, mua sắm & giải trí, làm đẹp & phúc lợi, khách sạn & du lịch. Bạn cũng có thể sử dụng phòng tập thể thao miễn phí.
Điều này cho thấy, dù có tốt nghiệp thì RMIT vẫn sẵn sàng chào đón bạn và bạn hoàn toàn có thể xem đây là ngôi nhà thứ hai để trở về bất cứ lúc nào.
Đúng là trường quốc tế thì lễ tốt nghiệp cũng nằm ở "tầm" khác, vừa hoành tráng lại còn sang xịn nữa phải không nào?
Ảnh: Fanpage RMIT University Vietnam