Lệ phí xét tuyển nộp mãi không được
Sáng 10-9, Bộ GD-ĐT phát đi thông cáo cho biết 'bộ tiếp tục mở hệ thống thanh toán lệ phí tuyển sinh trực tuyến từ ngày 10-9 đến 17h ngày 13-9'.
Các thí sinh có đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT "lưu ý hoàn thành trách nhiệm thanh toán lệ phí tuyển sinh theo quy định".
Nộp mãi không được, không biết làm sao
Chiều cùng ngày, phóng viên Tuổi Trẻ liên hệ lại một số thí sinh không nộp được lệ phí xét tuyển. Những thí sinh này chưa biết thông tin Bộ GD-ĐT mở lại hệ thống thanh toán lệ phí tuyển sinh trực tuyến.
Nhận được tin báo, thí sinh B.D. (Đắk Lắk) nhờ người quen có tài khoản ngân hàng và đăng nhập ngay hệ thống để nộp lệ phí nhưng vẫn không được.
B.D. cho hay: "Tôi làm theo hướng dẫn đến bước thấy thông tin về nguyện vọng đã đăng ký, số tiền cần phải thanh toán, nhưng vẫn không có chữ "Xác nhận thanh toán" ở bên dưới. Thật sự tôi không biết mình thao tác sai chỗ nào. Hôm trước cũng bị y như thế này mà tôi không thể nộp lệ phí trực tuyến được".
Trong khi đó, chị Phùng Thùy Trang (phụ huynh ở Hà Nam) cho biết: "Con tôi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, do không có điện thoại thông minh nên phải nhờ bạn thanh toán giúp nhưng vẫn chưa được. Nay bộ cho phép nộp phí trở lại nhưng vẫn cứ lóng ngóng, thanh toán mãi không được...
Mong bộ xem xét cho nộp lệ phí trực tiếp sau hay thế nào chứ giờ không được xét tuyển thì uổng phí 12 năm ăn học" - chị Trang bày tỏ.
Nên xét tuyển cho thí sinh chưa nộp lệ phí
Theo ông Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, với thực tế của tuyển sinh đại học năm nay, thí sinh nào rành công nghệ, có đủ điều kiện, nắm rõ thông tin, biết được các quy trình trong đăng ký nguyện vọng và nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến thì đều đã hoàn thành mọi thủ tục theo quy định của Bộ GD-ĐT từ sớm.
"Trong khi đó số thí sinh không đăng ký nguyện vọng trực tuyến trước đây, cũng như nhiều thí sinh chưa nộp lệ phí xét tuyển hiện nay hầu hết đều không rành các bước đăng ký, không rành công nghệ, không nắm được thông tin.
Nhiều phụ huynh thậm chí phải nhờ người thân ở thành phố lớn chuyển tiền giùm rồi họ quên.
Do vậy dù bộ mở lại hệ thống thêm gần ba ngày để thí sinh nộp lệ phí nhưng theo tôi, cách này vẫn không giải quyết được vấn đề cốt lõi. Tôi cho rằng những thí sinh gặp khó khăn trong đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí trực tuyến phần lớn đều khó khăn, ở vùng sâu vùng xa.
Các em không có điện thoại thông minh, máy tính, tài khoản ngân hàng, ví điện tử... để thanh toán trực tuyến. Những trường hợp này ngành giáo dục phải giúp đỡ các em" - ông Dũng kiến nghị.
Đồng thời ông Dũng cũng đề xuất: "Bộ GD-ĐT cứ xét tuyển cho tất cả thí sinh đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống, dù các em đã nộp hay chưa nộp lệ phí. Khi nào các em trúng tuyển nộp lệ phí xét tuyển sau tại trường (các trường thu hộ).
Rất nhiều em ở vùng khó khăn vào đại học với ước mơ đổi đời, đừng để chỉ vì vài chục ngàn đồng lệ phí xét tuyển mà làm lỡ mất tương lai các em".
Mở lại hệ thống chưa chắc thí sinh biết thông tin
Ông Hứa Minh Tuấn - chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong tuyển sinh đại học - cho rằng việc áp dụng hình thức thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến trên quy mô lớn cho tất cả thí sinh cả nước với mặt bằng phát triển các địa phương khác nhau thì cần phải có lộ trình và thời gian phổ biến thông tin, hướng dẫn cho học sinh.
Chỉ riêng quy trình thanh toán lệ phí đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay, Bộ GD-ĐT đã có 5 điều chỉnh thời gian, quy định. Chính việc này gây ra khó khăn cho thí sinh.
"Theo tôi, bộ nên xét tuyển luôn cho tất cả thí sinh chưa nộp lệ phí, sau này các em nhập học trường nào đến đó nộp tiền. Các trường sẽ thu hộ cho bộ. Chứ bộ mở lại hệ thống nhưng chưa chắc tất cả thí sinh chưa nộp lệ phí nhận được thông tin này để thực hiện", ông Tuấn nói.