Lấy vợ nhà giàu - chưa chắc đã sướng!

,
Chia sẻ

Sau cưới mấy ngày, một lần đi nhậu với bạn, chỉ vì nghe bạn chúc mừng "'lấy được quả vợ nhà mặt phố, bố làm to, khỏi lo mười năm phấn đấu" thế là Hùng (Hà Nội) đã thượng cẳng tay.

Hai người vốn học chung đại học. Cô là tiểu thư xinh đẹp, còn anh chỉ là sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi. Ngày đầu tiên về nhà cô chơi, anh đã choáng trước dinh cơ của ba mẹ vợ tương lai nhưng vẫn cố tự nhủ: "Mình chân thành, có chí cầu tiến và học giỏi, nên cứ tự tin". Dường như bố mẹ nàng cũng nhận ra những ưu điểm của cậu sinh viên nghèo, nên đồng ý cái rụp.

Về chung sống với nhau, cô bắt đầu thể hiện thói tiểu thư đỏng đảnh, lười làm việc nhà, ham chưng diện và hời hợt trong mọi chuyện. Nhưng anh không dám nói gì vợ vì mặc cảm "dưới cơ". Anh một bước trở thành người nhà giàu khi được ăn ngon, mặc đẹp, đi xe hơi và gặp gỡ tầng lớp sang trọng, nhưng đời sống tình cảm thì cứ héo hon dần.

Một lần không chịu nổi sự bừa bãi của vợ, anh nổi đóa lên, và cô ấy kết thúc cuộc chiến bằng gáo nước lạnh: "Anh thấy không hợp thì đi đi, ra khỏi nhà tôi. Tôi hết chịu đựng nổi một ông chồng nhà quê, suốt ngày sống theo mấy cái nền nếp cổ lỗ sĩ lắm rồi!".
 
"Trước đó, tôi cũng đã phải đau đầu vì vợ suốt ngày ca thán về chuyện phải giúp đỡ bên nội quá nhiều. Hai chữ "nhà tôi" mà cô ấy thốt ra đã khiến tôi vùng chạy ra khỏi nhà. Và hai chữ "nhà quê” khiến tôi một lần nữa khẳng định rằng: quá khó để một người nghèo làm rể nhà giàu", anh Hùng nói.

Sau gần một tuần lang thang, anh quay về xin lỗi bố mẹ vợ, và hứa những điều khiến vợ bùi tai, vì chuyện vợ chồng đâu thể đơn giản kết thúc được.

Rồi Hùng được giao làm trưởng chi nhánh của công ty nhà vợ. Công việc trở nên khó khăn khi nhân viên không phục sếp bởi: "Con rể sếp tổng nên được như vậy, chứ mới ra trường, biết gì mà làm quản lý”.

Dù đã cố chịu đựng để vượt qua điều tiếng, nhưng đến một ngày, anh nhận ra mọi cố gắng của mình đang bị đổ sông đổ bể, vì nhà vợ giàu sẵn, công ty nhà vợ lớn mạnh sẵn nên những đóng góp của anh dù có ấn tượng đến mấy cũng sẽ bị ba chữ "nhờ nhà vợ" bao trùm.

Cũng gặp phải cảnh ngộ như anh Hùng, Trung chia sẻ: "Đôi khi vợ nổi giận vô cớ, thậm chí hỗn hào, mình cũng chả dám ho he, vì "phe địch" quá mạnh. Ở cơ quan, tôi tự tin, nhanh nhẹn, tháo vát bao nhiêu thì về nhà lại rụt rè, cẩn trọng và "hiền" bấy nhiêu. Hình như tôi đã đánh mất chính mình".

Tâm lý thông thường, chàng rể nghèo rất dễ mặc cảm, ngay cả khi chỉ bị "chạm nhẹ” vào vấn đề tiền bạc mà anh ta luôn lo sợ ai đó đụng tới, từ đó thiếu tự tin trong công việc, thiếu cả tự tin trước vợ con.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, với người đàn ông, chữ "sĩ” thật cần thiết nhưng nếu để nó bao trùm, đè nặng lên tâm trí thì không nên. Điều quan trọng là cần vượt qua rào cản, tồn tại trong chính bản thân mỗi người.

Trước hết, các chàng rể cần tận dụng mối thiện cảm của mẹ vợ. Khác với mối quan hệ giữa con dâu với mẹ chồng, con rể đối với mẹ vợ dễ dung hòa hơn nhiều. Đặc biệt, tâm lý "thương con rể không thiệt đi đâu mà sợ, vì nó sẽ thương lại con gái mình" khá phổ biến đối với các bậc cha mẹ thời hiện đại.

Ngoài ra, tuy ở chung nhưng các cặp vợ chồng nên kiên định với quan điểm tiền bạc rạch ròi. Khoản tiền nào mượn của nhà vợ thì trả sòng phẳng. Có như vậy, chàng rể nghèo mới đường hoàng đối diện với bố mẹ vợ, mới không bị mất tự tin, không bị yếu thế trong cuộc sống vợ chồng.

Theo Phụ nữ TP HCM

Chia sẻ