Lấy vợ, “lấy” luôn cả mẹ vợ
Nhiều ông chồng lấy vợ, vô tình “lấy” luôn cả mẹ vợ.
Lấy vợ “kèm” mẹ vợ
Xinh xắn, ngoan hiền lại là con nhà gia giáo nên chị Huệ được rất nhiều bậc phụ huynh “nhắm” cho con trai của họ.
Nhưng chị không để mắt tới ai. Mà có trót nhớ nhung anh chàng nào đó, chắc chắn chị không toại nguyện vì luôn bị bố mẹ kìm kẹp.
Bố mẹ chị giữ gìn con gái một cách thái quá. Giữa thế kỷ 21 mà chị muốn đi chơi cũng phải xin phép bố mẹ, đi sinh nhật, chị luôn có anh trai đi kèm.
Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, chị vẫn chưa có mảnh tình vắt vai nào.
Đúng lúc bố mẹ chị “nới lỏng” vòng kìm kẹp để con gái lấy chồng thì anh Nam xuất hiện. Với lợi thế đẹp trai, con nhà có chức quyền và khéo mồm, anh sớm hạ gục được chị và gia đình chị.
Kết quả là một đám cưới trong mơ diễn ra chỉ sau 6 tháng tìm hiểu. Anh cảm thấy mình là người may mắn nhất trần gian khi sở hữu được bông hoa thuần khiết nhất.
Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Chỉ 1 tháng sau khi kết hôn, anh chợt nhận ra “bông hoa” thuần khiết kia chỉ có tác dụng… trưng bày.
Ngoài hoàn thành tốt công việc ở cơ quan, chị Huệ không biết làm bất cứ thứ gì trên đời. Chị không biết quét nhà, không biết nấu cơm, không biết rửa bát hay giặt quần áo.
Vì sợ chồng mắng, ngày nào chị cũng gọi mẹ đến làm hộ. Thế là anh Nam bắt đầu được chứng kiến cảnh sáng sớm, khi hai vợ chồng còn mắt nhắm, mắt mở, mẹ vợ anh đã đến dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo và chuẩn bị đồ ăn sáng cho các con.
Tới chiều, khi đi làm về, anh đã thấy mẹ vợ tay năm, tay mười làm cơm, dọn dẹp nhà cửa.
Nhiều ông chồng lấy vợ, vô tình “lấy” luôn cả mẹ vợ (Ảnh minh họa)
Dù biết làm nhiều việc nhưng chị Lệ vẫn phải cậy nhờ mẹ vì rất bận rộn với công việc ở cơ quan. Sáng chị thường đi làm sớm, tối lại về muộn nên mọi việc nhà chị đều giao cho mẹ. Được cái, mẹ chị ở ngay sát vách nên mọi việc diễn ra suôn sẻ.
Anh Quyết, chồng chị Lệ nhiều khi nói nửa đùa, nửa thật: “Hình như anh sống với mẹ vợ nhiều hơn vợ em ạ”.
Kẻ đồng tình, người phản đối
Anh Quyết tâm sự với vợ rằng anh cảm thấy không thoải mái khi bắt mẹ “hầu hạ” gia đình anh như vậy. Anh muốn tìm osin để mẹ vợ đỡ khổ.
Nhưng tìm osin không phải chuyện dễ. Anh phải mất nửa năm mới kiếm được một cô gái ưng ý. Nhưng chỉ làm được hai tháng, cô osin đã lấy trộm tiền khiến anh chị sợ mất mật.
Đuổi việc osin, thế là chị lại một lần nữa nhờ cậy mẹ.
Anh Quyết dù không muốn nhưng chẳng có cách nào khác ngoài việc gật đầu đồng ý. Anh nào dám ép vợ dành nhiều thời gian cho gia đình vì chị mới là người kiếm tiền chính. Chị mà nghỉ việc ngày nào là gia đình lao đao ngày đó. Đó còn chưa nói tới cô con gái nhỏ của anh rất cần bàn tay chăm sóc của phụ nữ.
Trong khi đó, anh Nam cực lực phản đối. Anh thẳng thắn với vợ: “Em à, anh thấy rất buồn khi người nấu cơm cho anh ăn, giặt đồ cho anh mặc, chuẩn bị hành lý cho anh đi công tác lại là mẹ vợ chứ không phải vợ. Những việc này em hoàn toàn tự làm được mà. Chỉ cần mỗi ngày em cố gắng một chút thôi”.
Ban đầu chị Huệ phản đối vì từ bé chị đã được bố mẹ lo lắng từ việc nhỏ đến việc lớn. Với chị, bố mẹ chăm sóc cho con cái là điều hiển nhiên.
Nhưng khi anh nhẹ nhàng hỏi: “Sau này mẹ mất đi, ai sẽ lo cho em, ai sẽ lo cho con?”, chị mới im lặng suy nghĩ. Và chị quyết tâm học cách tự chăm sóc bản thân.
Tuy nhiên, vốn ỉ lại vào bố mẹ hơn 20 năm nên chị không dễ tự mình làm mọi việc. Với bao nỗ lực, quyết tâm, chị phải mất 2 năm để không cần nhờ vả mẹ.
Anh Nam rất kiên trì, luôn ở bên động viên vợ vì anh không muốn vợ là bình hoa di động, chỉ biết sống và hưởng thụ.
Anh Nam chia sẻ: “Ngày nay, rất nhiều bậc phụ huynh yêu thương, chiều chuộng con gái quá mức. Mục tiêu của họ chỉ đơn giản là con ngoan ngoãn, học giỏi mà không tạo hành trang cho con bước vào đời. Dưới sự chăm sóc quá đà, các cô gái vô tình trở nên thụ động, ăn sẵn, không biết tự lo cho bản thân. Đó là hậu quả nghiêm trọng mà chỉ khi nào nó xảy ra, các ông bố bà mẹ mới nhận thấy”.
“Vợ tôi là một cô gái như vậy. Tôi đã ép cô ấy sửa đổi. Nếu cô ấy vẫn mãi thụ động, chỉ 5,6 năm nữa, gia đình tôi sẽ tan nát. Nhưng rất may, điều đó không xảy ra”.