Lấy nhầm bà hoàng

Bình Nhi,
Chia sẻ

Sống với vợ mà anh có cảm giác anh là tôi mọi đang phục dịch một bà hoàng.

Lấy nhầm bà hoàng

Khi tuyên bố sẽ cưới chị Trang, anh Công bị bạn bè phản đối kịch liệt. Thậm chí có người còn phũ phàng hỏi: “Mày lấy nó về để… thờ à?”

Bỏ qua mọi lời khuyên can, anh vẫn muốn chị trở thành vợ anh. Trong con mắt người đang yêu, sự đỏng đảnh, tiểu thư đôi khi lại là nét dễ thương. Anh cảm thấy rất thoải mái khi được cung phụng, chiều chuộng chị.

Thế nhưng, hậu đám cưới, quan điểm của anh lại khác hẳn. Nhìn thấy cô vợ chẳng biết tự lo cho mình, cái gì cũng kêu gào sự giúp đỡ của người khác, anh như phát điên.

Lấy chồng, có con rồi mà chị chẳng thể tự lo cho mình được bất cứ cái gì. Mỗi cái việc đi làm, chị cũng phải hành anh đưa đi đón về vì đơn giản chị không biết đi xe máy. Chị cũng tập rồi. Nhưng lần đó, chị vít ga quá đà nên xe tông vào gốc cây khiến chị xây xẩm mặt mày. Chị thề đến già không bao giờ cầm tay lái nữa.

Hôm nào anh bận, chị đi taxi thay vì xe bus hay xe ôm. Với chị, xe bus, xe ôm chỉ là những thứ dành cho hạ lưu: “Em thế này mà anh nỡ đày ải em trên những chiếc xe kinh khủng đó sao”.

Lấy nhầm bà hoàng
Sống với vợ mà anh có cảm giác anh là tôi mọi đang phục dịch một bà hoàng (Ảnh minh họa)

Những điều nhỏ nhặt nhất chị cũng khiến anh phát rồ. Chị vốn sợ gián. Thấy con gián nào trước mặt, chị cầm bất cứ cái gì gần tay chị nhất rồi ném mà không cần biết đó là gì. Có lần, chị lấy luôn chiếc điện thoại của anh để xử lý con vật hôi hám.

Bị đứt tay chút xíu chị cũng gào khóc ỉ ôi. Anh kêu chị lấy bông mà cầm máu, chị dỗi mấy ngày vì anh “thấy chết không thèm cứu”.

Lại đến chuyện anh Thảo cũng đau đầu vì “bà hoàng” của mình. Anh tâm sự: “Sống với vợ mà tôi có cảm giác như mình là tôi mọi còn cô ấy là nữ hoàng Cleopatra. Cô ấy luôn sử dụng chiêu mồm miệng đỡ chân tay. Cái thằng chồng là tôi trở thành đối tượng sai vặt của cô ấy”.

Dù ngồi cách chiếc điều khiển không xa, chị cũng nhờ anh lấy. Khi nấu cơm, chị sai anh làm đủ thứ trên đời. Việc của chị chỉ là ngồi chễm chệ trên ghế xào xào nấu nấu. Còn việc nhặt rau, bóc hành, băm thịt,… chị “nhường” cho anh.

Điều khiến anh đau đầu nhất là tuyên bố “thà đói ăn còn hơn mặc xấu” của chị. Chị lý luận quý tộc châu Âu trước kia dù phải đi vay tiền, dù sắp phá sản, họ vẫn luôn xuất hiện trong hình ảnh xa hoa nhất, sang trọng nhất. Chị nghĩ đó là quan điểm đúng. Ngày mai chết thì hôm nay vẫn phải giữ hình ảnh.

Thế là, gia đình anh thường xuyên ăn trứng, đậu, lạc để dành tiền cho chị mua sắm quần áo hàng hiệu, mỹ phẩm đắt tiền. Mà kỳ lạ một điều, chị chỉ “giữ hình ảnh” cho bản thân, còn chồng con thì “thân ai người đấy lo”.

Oái oăm hơn, được chồng cung phụng hết mức mà chị vẫn không hài lòng. Chị luôn so sánh anh với các ông chồng lắm tiền của bạn bè và ghen tị. Chị liên tục giận dỗi, mang con về bà ngoại.

Nhọc nhằn trị “bà hoàng”

Sống với cô vợ bà hoàng khiến anh Thảo vô cùng mệt mỏi. Tâm sự với mẹ vợ, anh lắc đầu ngao ngán hơn khi nghe bà nói: “Cái này là lỗi tại mẹ nuông chiều nó quá. Vì thương con nên bố mẹ dù nghèo vẫn lo cho nó không kém bạn bè. Thành ra đến bây giờ nó chỉ biết hưởng thụ và muốn được phục tùng. Thôi thì con cố gắng chịu đựng. Mẹ sẽ bảo ban dần dần”.

Không nói thẳng mới mẹ vợ nhưng anh nghĩ bụng làm sao ông bà bảo ban được cô con gái “quý tộc” này. Ông bà nói một câu, chị đã cãi xong hai câu. Chị vốn quen được cung phụng từ bé nên anh tin bố mẹ vợ chẳng giúp gì được cho anh.

Không muốn chịu đựng nữa nhưng cũng không muốn bỏ vợ, anh lên kế hoạch “bình dân hóa” cô vợ “bà hoàng” của mình. Đầu tiên, anh nói dối công việc sa sút, lương của anh bị giảm 50%. Vì được anh “phím” trước nên khi chị điều tra, đồng nghiệp của anh ai cũng gật đầu buồn bã.

Thêm vào đó, anh xui bố mẹ anh đòi nợ khoản tiền mà ông bà cho anh vay để xây nhà cách đây vài năm. Cao thủ hơn, anh nhờ mẹ vợ sang trông giúp cháu và lo việc bếp núp. Tiền ăn hàng tháng, anh đưa hết cho bà. Rồi anh tự tay chi trả các khoản tiền điện nước,… Thế nên tiền lương của cả hai vợ chồng đều hết sạch. Chị chẳng còn biết lấy tiền đâu ra mua sắm, ăn chơi.

Rồi những khi chị dỗi, dắt con về ngoại, anh không thèm đi tìm nữa. Anh còn ép ông bà ngoại không “chứa chấp” hai mẹ con. Tiền chẳng có, chị chỉ ở được nhà nghỉ 2 hôm rồi phải tự mò về nhà.

Lâu dần, chị thay đổi lúc nào không hay. Bây giờ, chị sống khá chừng mực, biết yêu quý đồng tiền, biết lo lắng cho gia đình và bản thân. Hình ảnh “bà hoàng” giờ không còn hiện hữu trong chị nữa.

Anh Công không có được may mắn như anh Thảo. Sau bao nỗ lực cải tạo cô vợ đỏng đảnh, tiểu thư không thành, anh gạt nước mắt chìa ra lá đơn ly dị. Ban đầu, chị giận dỗi chỉ nghĩ anh dọa thôi. Đến khi biết anh quyết tâm, chị lại quay sang năn nỉ. 

Anh đang vô cùng rối trí không biết quyết định như thế nào. Thực tâm anh vẫn còn yêu chị nhiều lắm nhưng anh không tin anh đủ kiên nhẫn để đi cùng chị trọn cuộc đời nếu chị vẫn giữ tính “bà hoàng” như vậy. Còn mong chị thay đổi ư? Anh cam đoan “Điều đó còn khó hơn lên trời hái sao”.



Cùng tìm hiểu xem tại sao các ông chồng luôn phát ngốt vì những cô vợ siêu đỏng đảnh của mình

Lấy nhầm bà hoàng
Chia sẻ