Lấy chồng Tây theo mốt

Lan Anh,
Chia sẻ

Lấy chồng Tây hiện vẫn là mục đích theo đuổi của nhiều cô gái dù đa số ước mơ đổi đời không trở thành hiện thực

Lấy chồng Tây có hai loại, lấy theo kiểu bị mua, và lấy đúng nghĩa làm chồng với những mối tình đích thực “xuyên biên giới”.

 

Lấy chồng Tây đã từng trở thành cơn “sốt” của các cô gái Việt ở thôn quê nghèo mong muốn nhanh chóng được đổi đời. Ước muốn ấy của các cô gái vô hình chung lại giúp trục lợi cho những kẻ môi giới, biến những giá trị vốn có của hôn nhân trở thành những mặt tiêu cực của xã hội. Lẩn khuất đằng sau những đường dây mai mối trái luật còn là tệ buôn bán phụ nữ.

 

Hôn nhân qua môi giới là việc những cô gái được quảng cáo hình ảnh cho các chàng trai ngoại quốc tuyển chọn và một cuộc trao đổi được diễn ra. Các cô dâu thường còn rất trẻ, tuổi đời từ 18-25, đa số có gia cảnh nghèo, học vấn thấp, không có việc làm nhưng lại mong được đổi đời mà không bằng lao động. Các chàng trai ngoại quốc, dù tuổi đời có đáng bậc cha chú cũng đều có thể trở thành chú rể. Đa số các cô dâu sẽ được gặp mặt chú rể… đôi ba lần trước khi cưới.

 

Dâu ta, rể Tây chỉ thật sự chân chính khi đó là những cuộc hôn nhân có hành trình kiếm tìm hạnh phúc


Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu tất cả tình yêu, những cuộc hôn nhân nội hay ngoại đều xuất phát từ tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, tất cả những cuộc hôn nhân ngoại qua môi giới để lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc… này đều vì lợi dụng, vì mục đích kinh tế mà không tình yêu, không biết đến cả ngôn ngữ giao tiếp.

 

Lý do lớn nhất khiến các cô ao ước lấy được một tấm chồng Tây vì các cô đều tin rằng, các cô sẽ có một cuộc sống tốt hơn hiện tại. Hơn nữa, những bản hợp đồng hôn nhân với các anh chàng ngoại quốc còn có thể giúp các cô đỡ đần gia đình về mặt kinh tế. Suy cho cùng cũng là xuất phát từ cái nghèo, thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức thực tế của những cô gái nhẹ dạ cả tin. Hôn nhân trao đổi bằng tiền chẳng khác nào những kẻ bán người mua trao đổi hàng hóa ngang ngửa.

 

Lấy được chồng Tây rồi, số phận họ sẽ đi về đâu? Bên cạnh những cô dâu Việt thực sự được hạnh phúc thì khá nhiều cô gái, cái được chưa thấy đâu, sự mất mát là quá lớn, bi kịch cuộc đời đã đến với họ.

 

Với các cô gái lấy chồng Tây, điều đầu tiên vấp phải trong cuộc sống hôn nhân là sự cách biệt về ngôn ngữ, văn hoá, lối sống. Đó là những trở ngại vô cùng lớn lại càng khó vượt qua với những cô gái lấy chồng nhờ môi giới mà không xuất phát từ tình yêu đôi lứa. Thực tế, theo thống kê, đa số những cô gái Việt Nam lấy chồng ngoại quốc là Hàn Quốc, Đài Loan… qua môi giới đều có trình độ văn hóa thấp, không biết cũng như không có khả năng học ngoại ngữ. Phần lớn các cô gái không được làm vợ, làm dâu đúng nghĩa mà mà chủ yếu để phục vụ nhu cầu cho chồng, hoặc trở thành một osin chính hiệu. Nhiều cô gái lấy chồng Tây ra đi trong sự hoan hỉ, mơ tưởng về một cuộc sống xa hoa nơi đất khách nhưng chẳng bao lâu đã phải trở về trong ê chề, mất mát.

 

Tiềm năng kinh tế của các chú rể Tây chỉ là ảo tưởng của nhiều cô dâu Việt. Vì thực chất, lựa chọn lấy con gái Việt Nam qua môi giới đa phần là những người lao động, công nhân cũng giống như ở các vùng nông thôn nước ta, lấy vợ cũng là để có thêm… một người lao động. Việc kết hôn với phụ nữ Việt Nam không tốn nhiều chi phí, phù hợp với khả năng tài chính của họ. Bởi vậy, sẽ chỉ có cuộc trao đổi tiền qua môi giới. Sau khi kết hôn, các cô gái Việt Nam đều sống trong vỡ mộng.

 

Kết cục hôn nhân tan vỡ là kết quả của những cuộc hôn nhân sòng phẳng tình - tiền. Theo thống kê, hầu hết các cô gái lấy chồng ngoại qua môi giới không sống chung được đến 2 tháng; gần 20% chỉ sống được với nhau từ 3 đến 6 tháng, 22% sống với nhau được từ 6 tháng đến 1 năm... Điều này đã nói lên sự mất mát, trả giá vô cùng lớn của những cô gái “tự nguyện” đánh đổi hạnh phúc.

 

Bên cạnh những cô dâu chấp nhận hôn nhân qua môi giới phải gánh chịu lấy những hậu quả ê chề thì cũng có những cô dâu Việt lấy chồng Tây trở thành những người vợ, người mẹ hạnh phúc. Đó thật sự là những cuộc tình xuyên biên giới, xuất phát từ tình cảm thật, cố gắng hiểu nhau thông qua việc tìm hiểu ngôn ngữ, phong cách, văn hóa nơi người yêu sinh sống.

 

Có thể thấy ngay tình yêu ấy của một số ngôi sao nổi tiếng, ngưỡng mộ với cuộc hôn nhân của Lê Vi, Phi Thanh Vân… với chồng là người ngoại quốc.

 

Lê Vi với nhiều báo giới, chị đã từng tâm sự khi chị quyết định chia tay với sự nghiệp theo chồng định cư ở Pháp: "Hạnh phúc thực sự của người phụ nữ là được sống vì chồng, vì sự thành đạt của người đàn ông mình yêu". Hơn ai hết, người đàn ông của chị cũng hiểu được sự hy sinh của vợ. Lúc này, tình yêu của họ không còn là tình yêu nội – ngoại nữa mà giống như tất cả những tình yêu đơn thuần chân chính khác, hoàn toàn không có sự phân biệt… Nói như vậy để thấy rằng, hôn nhân không có biên giới cũng như không có tuổi tác nhưng nó phải dựa trên nền tảng vững chắc của tình yêu.

 

Cuộc sống thời hiện đại với sự giao thoa giữa các nền văn hóa đã tạo điều kiện cho các cô gái Việt Nam có nhiều lựa chọn tình yêu, kể cả những tình yêu ngoài biên giới. Hôn nhân là chuyện hệ trọng, đừng tự hủy hoại cuộc đời, nhân phẩm bằng những cuộc hôn nhân toan tính, vụ lợi đã có kết cục được báo trước. Sự trở về mất mát của những cô gái đã từng lầm lỡ sẽ trở thành bài học đối với những cô gái quê còn đang nhen nhóm ảo tưởng về sự đổi đời lấy chồng ngoại. Dâu ta, rể Tây chỉ thật sự chân chính khi đó là những cuộc hôn nhân có hành trình kiếm tìm hạnh phúc.

 

Lan Anh

Chia sẻ