Lấy chồng có "H"

,
Chia sẻ

“Mình cưới nhau liền đi”, cô gái nói với giọng chắc nịch gần như ra lệnh khi hay tin người yêu bị nhiễm HIV.

Chuyện tình đẹp như cổ tích đang được đôi vợ chồng trẻ ấy thêu dệt để mỗi ngày càng lung linh hơn.
 
Đôi vợ chồng trẻ. Ảnh: C.N (Thanh Niên).

Vượt qua sự gièm pha

Câu chuyện bắt đầu cách đây đúng 10 năm. Anh T.V.P cầm kết quả xét nghiệm dương tính với virus HIV từ Sài Gòn về quê ở Kiên Giang để gặp người yêu. Trong suy nghĩ của anh lúc ấy, “mọi chuyện sẽ chấm dứt từ đây”. Nhưng điều mà anh bất ngờ nhất chính là thay vì chia tay họ đã nhanh chóng tiến tới hôn nhân theo đề nghị của cô gái.

“Nếu chia tay, cũng giống như đặt dấu chấm hết cho cuộc đời anh. Tôi rất yêu anh nên không thể làm anh đau khổ thêm được. Nên chỉ biết đơn giản là chấp nhận sự thật đau lòng ấy và nắm tay anh cùng nhau vượt qua nó” - nhiều năm sau, cô gái mới giải thích về quyết định táo bạo của mình. Người con gái đó là N.T.Đ.

Vậy là đám cưới của họ được tổ chức trong sự phản đối quyết liệt của gia đình nhà gái và sự gièm pha của những người biết chuyện. Họ đều cho rằng cô mù quáng, rằng cô biết “bệnh” mà vẫn cố ôm vào thân... Nhưng cô gái chỉ nghĩ đơn giản rằng mình đang sống hết lòng với tình yêu của chính mình!

Sau ngày cưới, họ dựng tạm ngôi nhà trên đất người thân, chỉ rộng hơn căn phòng trọ một ít và còn bị dột nhiều chỗ. Thế nhưng, đã chấp nhận số phận nên cô chưa bao giờ than vãn. Cô tâm sự: “Bây giờ tôi có thể khẳng định với mọi người là mình đã đúng. Anh ấy đã trở lại được cuộc sống của một người bình thường như mọi người”.

Nhớ lại những ngày tháng phải vật lộn với bệnh tật và những cơn ghiền thuốc, P. cho rằng đó là những trận chiến thật sự. "Tôi đã chiến đấu để xứng đáng với tình yêu của cô ấy. Đã nhiều lần tưởng đâu phải đầu hàng số phận, nhưng tôi tự nhủ mình không thể phản bội Đ., phản bội tình yêu của chúng tôi. Nghĩ vậy, nên tôi đã cố gắng vượt qua tất cả” - P. nói.

Trở thành giáo dục viên đồng đẳng

P. là người Kiên Giang, mồ côi từ bé, phải sống nhờ vào một người bà con ở tận Sài Gòn. Bị mặc cảm về số phận và thiếu thốn tình cảm nên P. chỉ muốn nổi loạn. Hết lớp 9, P. bỏ học chữ đi học nghề. Học nghề không thành, P. bỏ nhà đi, lao vào đời bằng đủ mọi thứ nghề để kiếm sống. Từ đó, P. càng dễ bị sa ngã bởi những cám dỗ bên ngoài xã hội. Lớn hơn một chút, P. tham gia vào các băng nhóm xã hội đen chuyên bảo kê cho những nhà hàng ở trung tâm Sài Gòn. Trong những lần tranh chấp địa bàn, giành quyền ảnh hưởng lẫn nhau giữa các băng nhóm, P. đã bị bắt và phải ngồi tù 9 tháng. Ra tù, P. càng thấy chán đời và chán chính bản thân mình, anh lao vào vòng tay của “nàng tiên nâu”. Cuộc đời P. từ đó trượt dài theo những cơn ghiền thuốc. P. đã làm bất cứ thứ gì để có tiền thỏa mãn cơn ghiền. Đến khi phát hiện mình có HIV, P. càng thấy tương lai mịt mù tăm tối. Nhiều lúc P. đã nghĩ sẽ kết thúc cuộc đời mình khi chẳng còn chỗ nào để nương tựa.

Đúng lúc đó, bằng tình yêu của mình, Đ. đã kéo anh về với cuộc sống đời thường. Từ cuộc đời bị chìm ngập trong bóng đêm, anh bấu víu được vào chiếc phao tình yêu để quay lại bờ.

Thời gian đầu, sức khỏe anh sa sút nhanh chóng. Nhiều người bạn lầm đường của anh lần lượt ra đi càng làm anh thối chí. Trọng lượng bình thường 63 kg của anh giảm xuống còn 39 - 40 kg, chẳng khác nào một bộ xương biết đi. Để hiểu và giúp được chồng, Đ. tập trung vào tìm hiểu các kiến thức về HIV/AIDS và cách chăm sóc người có “H” (HIV). “Lúc anh suy sụp nhất, tôi càng cố gắng giữ vững tâm lý. Tôi làm mọi thứ chỉ vì anh và sự sống của anh. Đời người, ai cũng một lần phải đối mặt với cái chết. Tội cho anh là biết được cái chết cận kề bên mình. Tôi luôn động viên anh, những ngày cuối đời mình phải sống thế nào để không phải hối tiếc...”, Đ. tâm sự.

Không được sự chấp thuận của gia đình, một mình cô phải bươn chải cho gánh mưu sinh. Ai thuê gì cũng làm, miễn là không làm điều gì phạm pháp để có tiền bồi dưỡng cho chồng. Cô nhận hàng về nhà may ngày, may đêm để vừa có thể kiếm tiền vừa được gần gũi chăm sóc chồng. Lúc chồng lên cơn nghiện, cô lại tất tả chạy theo và cùng chồng ngâm mình dưới sông cho đến khi anh qua cơn. Ngày nào cũng thế, ba bốn lần P. ngâm mình dưới sông, là từng ấy lần cô trầm mình cùng anh. Mỗi sáng, mỗi chiều, cô lại nhắc nhở và cùng chồng tập thể dục để tránh teo cơ và phục hồi sức khỏe. Nhờ đó, trong vòng khoảng 3 năm trở lại đây sức khỏe anh đã bình phục gần như bình thường, trong lượng cơ thể hiện đã trên 60 kg. Các bác sĩ từng theo dõi bệnh của anh đều rất ngạc nhiên bảo: “Với sức đề kháng của P. thời điểm thấp nhất, khó ai nghĩ rằng anh có thể sống và bình phục được như ngày hôm nay. Rất hiếm thấy trường hợp nào như vậy. Có lẽ nhờ tình yêu”...

Hiện nay, ngoài cuộc mưu sinh hằng ngày, hai vợ chồng còn tham gia vào công tác phòng chống HIV/AIDS ở địa phương. Anh thành lập được nhóm Bạn Giúp Bạn gồm những người có “H” để chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Sức khỏe đã phục hồi là lúc tinh thần sảng khoái nhất, anh ao ước có được căn nhà lành lặn để đón nhận những đứa trẻ có “H” mồ côi, nghèo khổ về nuôi. “Tôi đã rất hạnh phúc và muốn chia sẻ hạnh phúc này với những người bất hạnh. Vợ chồng tôi không thể có con chung, được chăm sóc và dạy dỗ những đứa trẻ có “H” mồ côi là niềm vui của vợ chồng tôi. Nhìn những đứa trẻ côi cút cha mẹ chết vì AIDS, chúng tôi rất đau xót và nguyện đem hết sức mình để làm một điều gì đó như một sự chia sẻ làm giảm đi nỗi đau của các cháu”...

Theo Chí Nhân - Nguyễn Thành
Thanh Niên

Chia sẻ