Lây bệnh từ quần áo 'hàng thùng'

,
Chia sẻ

Ngồi chờ khám bệnh, chị Loan cứ thay đổi cách bắt chéo chân, đứng lên, ngồi xuống để đỡ ngứa vùng kín. Bác sĩ cho biết, chị bị nấm da bởi sở thích mặc quần áo sida (đồ dùng rồi).

Hàng sida thường được đổ đống để bán ngoài đường. Ảnh: xaluan.com
Chị Loan kể, cô gái hàng xóm khoảng 24 tuổi rất "nghiện" đồ sida, tuần nào cô cũng đi săn lùng "hàng độc" và thỉnh thoảng rủ chị đi cùng. Cô nàng quen được nhiều ông chủ, bà chủ cửa hàng quần áo cũ nên thành mối quen, cứ khi nào họ có hàng mới đổ về lại gọi cô ra chợ "sida" Bà Chiểu, TP HCM, để ưu tiên chọn trước. Chợ "sida" có tất cả mọi thứ, từ giày, dép, quần, áo, nón, đồ lót, đồ trẻ em, người lớn đều có cả, hay có cả thú nhồi bông sida.

 

Tuần trước mua được bộ váy "si" mới, rất thích nên chị Loan mặc khá thường xuyên. Vài hôm sau chị bắt đầu cảm thấy da vùng kín bị ngứa. Chị nghĩ có lẽ do mình vệ sinh không sạch hoặc ăn phải thức ăn gây dị ứng, song vùng ngứa có xu hướng lan to hơn, ngứa nhiều và rát. Mới đây đi tắm, chị lấy gương soi thử thì thấy vết da trầy, chảy máu và có nhiều chỗ bị mưng mủ rất kinh khủng, vội hoảng hốt đến bệnh viện để khám.

 

"Đó là chiếc váy may liền với quần lót nên tôi không dùng quần nhỏ của mình mà mặc thẳng luôn, không ngờ bị viêm nhiễm từ chính chiếc quần sịt đó", chị Loan kể.

 

Cũng như chị Loan, Mai phải đi khám bệnh vùng kín vì qua mùa hè nắng nóng oi bức cũng phát hiện bị nấm và rận vùng kín. Bác sĩ phân tích nguyên nhân có thể do cô mặc quần áo bơi mua từ hàng sida.

 

Mai kể, mấy tháng trước, cô có mua một bộ quần áo bơi hàng thùng tại chợ Bà Chiểu, TP HCM. Khi mua thấy chất liệu vải vẫn còn tốt, được quảng cáo nhập khẩu từ Hàn Quốc nên không chú ý đến độ sạch bẩn. Mang về giặt giũ cẩn thận trước khi dùng, không ngờ chỉ sau hai lần mặc đi bơi, cô bị ngứa và phát hiện có các con rận nhỏ li ti ở vùng kín.

 

“Hầu hết quần áo sida đều đã bị ngả màu, ố, có bộ còn dúm dó, giãn hết chất vải, thậm chí có chiếc quần bị ố vàng phần đũng... nên người mua phải bới trong đống cũ bẩn đó để tìm cho mình cái phù hợp. Tôi nghĩ đấy chính là môi trường của các loại ký sinh trùng nguy hiểm sinh sống trong đồ si để gây bệnh cho mình”, Mai bộc bạch.

 

Bạn thân của Mai tên Trâm Anh cũng là “tín đồ” của quần áo sida nói thêm, cô rất thích quần áo sida vì nó “độc”, mặc một chiếc váy hàng si trên người ra đường không ngại sợ đụng hàng. Nhưng cô cũng có một kỷ niệm nhớ đời khi mặc đồ sida tham gia cắm trại cùng lớp tại Khu phù sa Cần Thơ. Sau đó về nhà bị vết sưng đỏ, ngứa ngáy khắp lưng, rồi lan rộng hơn, bác sĩ cho biết cô mặc quần áo không hợp vệ sinh nên bị nấm da..

 

Trâm Anh chia sẻ, sau khi nghe phân tích từ bác sĩ, cô về nhà đóng gói tất cả quần áo sida cất và chỉ mặc đồ mua mới. Cô nói: “Tôi như được khai sáng vì khó biết được trong quần áo si có các chất bẩn gì, liệu có bị nhiễm nấm hay bệnh da liễu, hoa liễu từ người mặc trước hay không...".

 

Mới đây chị Thoa, mang bầu 8 tháng, cũng tá hỏa khi bác sĩ phát hiện chị nổi những nốt sùi ở vùng kín, có khả năng ảnh hưởng đến thai nhi và không thể sinh thường mà phải mổ. Đây là bệnh chỉ lây qua đường tình dục, hoặc dùng chung quần áo với người có bệnh, hay như bác sĩ nói "thậm chí có thể chị đã ngồi lên chỗ mà người có bệnh này vừa ngồi nên bị lây".

 

Gia đình nhỏ của chị một phen xáo động khi chị Thoa thẳng thắn nói chuyện với chồng, yêu cầu chồng đi khám. Anh khẳng định "chuyện ấy" lâu nay một vợ một chồng, không tòm tem bên ngoài bao giờ. Để vợ yên lòng, anh cũng đến bệnh viện da liễu khám, mang về kết quả "zêrô" cho vợ thấy. "Bác sĩ sau khi cân nhắc hết các khả năng, cho rằng có thể tôi bị lây bệnh khi mặc quần áo sida vì quả thật trước đây tôi rất thích tìm hàng này cho độc đáo. Khi mình mang thai, sức đề kháng yếu đi là cơ hội cho vi rút sùi phát triển tấn công", chị Thoa nhìn nhận.

 

Người phụ nữ này bảo rằng đây là bài học đau lòng cho chị, vì sở thích hàng sida mà ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể tác động đến đứa con sắp sinh.

 

Theo bác sĩ Trần Tố Tâm, Trung tâm Da liễu TP HCM, các loại nấm thường ký sinh trên quần áo rất lâu và khó có thể diệt được sạch. Khi nấm đã nhiễm vào người thì phải dùng các loại thuốc đặc hiệu mới có thể diệt được. Ngoài ra, nếu có các biến chứng của chúng thì người bệnh sẽ bị viêm loét da, viêm âm đạo, vô sinh... Bác sĩ Tâm khuyên: "Vì thế, để đảm bảo sức khỏe tốt nhất mọi người nên mặc quần áo mới, nếu không có điều kiện thì mới phải dùng đồ cũ. Tránh việc bắt chước nhau đi mua quần áo cũ mà không biết chất vải có vệ sinh hay không".

 

Khi mua quần áo về cần có kế hoạch tẩy, sấy, hấp như quần áo bệnh viện để được sạch sẽ, tiêu diệt các mầm mống gây bệnh, tránh giặt quần áo cũ một cách sơ sài, giúp mầm bệnh từ nấm có điều kiện phát triển gây bệnh. Cũng không nên thử đồ lót và áo thun. Quần áo mới mua nên giặt bằng nước nóng và phơi ở nơi khô thoáng trước khi mặc.

 

Quần áo sida là tên gọi của một số mặt hàng quần áo cũ được bày bán ở thị trường Việt Nam, bắt đầu xuất hiện từ những năm cuối thập niên 1980. Nguồn gốc của những mặt hàng này là các thùng quần áo cũ do Tổ chức SIDA của Thụy Điển viện trợ. Vì thế chúng còn có các tên gọi đồ sida, hàng sida, đồ thùng, hàng thùng. Việc chữ "Sida" trùng với tên gọi căn bệnh SIDA/AIDS chỉ là ngẫu nhiên.

 

Vào cuối thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990, tổ chức SIDA của Thụy Điển có những chương trình viện trợ cho Việt Nam. Một trong những hành động đó là việc quyên góp các quần áo cũ của người dân. Những quần áo này được giặt giũ, làm sạch rồi đóng thùng gửi tới Việt Nam. Một số thùng quần áo này trở thành mặt hàng bày bán ngoài thị trường. Chúng thường được những người kinh doanh bán tại vỉa hè hay trong những cửa hàng nhỏ. Một số bộ quần áo chất lượng còn tốt và giá cả thấp, hấp dẫn người mua, đặc biệt trong giới trẻ.

 

Theo Nhật My

Vnexpress

Chia sẻ