Lật tẩy chiêu trò "trục lợi tình thương" (*): Quản lý chặt, đổi cách làm
Trục lợi tình thương gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, mỹ quan đô thị. Tăng vai trò quản lý, đổi cách làm từ thiện là 2 trong nhiều cách chấm dứt tình trạng này.
Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, những cá nhân "canh me" quà từ thiện mà Báo Người Lao Động phản ánh không phải là người lang thang, xin ăn theo quy định. Đa số họ có chỗ ở ổn định, do đó không thể áp dụng biện pháp quản lý, tập trung người lang thang, xin ăn của thành phố với các đối tượng này.
Ảnh hưởng xấu tới xã hội
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM nhấn mạnh tình trạng trục lợi trên không thể tiếp diễn bởi gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, mỹ quan đô thị. Đồng thời, làm mất đi ý nghĩa nhân văn của hoạt động từ thiện xã hội, làm cho những người vốn thiệt thòi thực sự mất đi cơ hội tiếp cận hoạt động chăm lo, giúp đỡ.
Người đàn ông thu gom và bán quà từ thiện cho tiệm tạp hóa .Ảnh LÊ VĨNH
Vì thế, theo vị đại diện, trước hết cần phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong hướng dẫn làm việc thiện thông qua các tổ chức chính danh. Ngoài ra, hành vi giả làm người lang thang, vô gia cư ngồi đợi quà từ thiện nếu tập trung đông người, gây ồn ào, mất trật tự thì chính quyền vẫn có thể xử lý.
Song song đó, Ủy ban MTTQ TP HCM tuyên truyền trong thành viên tổ chức MTTQ các cấp, hội viên, đoàn viên thuộc các tổ chức đoàn thể thành viên không cho tiền người xin ăn. Thay vào đó là giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn thông qua các tổ chức, hội, đoàn thể có chức năng hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng người yếu thế, nhằm bảo đảm hỗ trợ, giúp đỡ đúng đối tượng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Lê Thị Thu Sương, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết quận đã tiếp nhận thông tin mà Báo Người Lao Động phản ánh. UBND quận đã chỉ đạo phòng chuyên môn và UBND các phường tập trung xử lý, thu gom những đối tượng lang thang, xin ăn và trục lợi quà từ thiện.
Đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa và Xã hội - HĐND TP HCM, nhìn nhận thời gian qua thành phố tập trung giải pháp quản lý chặt chẽ người lang thang, ăn xin, trẻ em đường phố trên địa bàn.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của Ban Văn hóa và Xã hội thì một số địa phương vẫn còn tình trạng người lang thang, ăn xin ngồi ở các giao lộ, lề cầu. Ban Văn hóa và Xã hội đã có văn bản kiến nghị UBND TP HCM tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong vấn đề này.
Với những đối tượng trục lợi, theo ông Bình, Công an thành phố nên tăng cường hơn trong việc xử lý. "Ban Văn hóa và Xã hội sẽ tiếp tục quan tâm, nắm bắt thông tin và dư luận để có sự khảo sát, giám sát chặt chẽ hơn" - đại biểu Cao Thanh Bình thông tin.
Nói về việc nhiều cá nhân, tổ chức trao quà từ thiện, ông Cao Thanh Bình nêu quan điểm đó là một việc làm rất cao đẹp, tinh thần "lá lành đùm lá rách". Tuy nhiên, khi tổ chức các hoạt động từ thiện cần thận trọng, đúng đối tượng và tránh bị lợi dụng. "Bản thân tôi rất ủng hộ việc làm từ thiện nhưng cách làm cần hợp lý để những phần quà, sự hỗ trợ đến được những người thật sự khó khăn, cần hỗ trợ" - ông Cao Thanh Bình chia sẻ.
Thay đổi cách làm
Dưới góc độ của Phật giáo, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện Xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM, cho rằng làm từ thiện là hành động gieo duyên lành, không phân biệt màu da, tôn giáo, giới tính, hoàn cảnh trên tinh thần yêu thương. Nhưng người làm từ thiện không nên để hành động cao đẹp của mình bị lợi dụng.
"Tinh thần của đạo Phật là từ bi nhưng phải trí tuệ. Từ bi để yêu thương, giúp đỡ người khác nhưng phải có trí tuệ để xem cách yêu thương, giúp đỡ của mình đã đúng, đã phù hợp hay chưa. Người cho cần luôn đặt mình vào vị trí của người nhận" - Đại đức Thích Minh Phú nêu quan điểm.
Anh Võ Quốc Bình, Đội trưởng Đội Công tác xã hội TP HCM (thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP HCM) cho biết trước đây, đơn vị thường tổ chức các buổi đi phát quà từ thiện cho người lang thang, vô gia cư, nhất là vào các dịp lễ, Tết.
Tuy nhiên, qua khảo sát, đánh giá, đội nhận thấy có tình trạng người dân trục lợi quà từ thiện nên đã thay đổi phương thức hỗ trợ để phù hợp.
"Thông thường, những đối tượng trục lợi quà từ thiện ra về sau khi nhận được số lượng quà mà họ mong muốn. Các đối tượng này rời đi sớm hơn những người khó khăn thực sự. Do đó, đội sẽ đi phát quà muộn hơn" - anh Bình chia sẻ.
Cũng theo anh Bình, Đội Công tác xã hội TP HCM đang xây dựng các kế hoạch chuyển đổi cách thức hỗ trợ đối tượng lang thang, vô gia cư. "Thay vì phát quà như lâu nay, chúng tôi đang tính phương án hỗ trợ những người khó khăn thực sự một địa điểm đến tắm rửa, tá túc, ăn uống. Chỉ ai thực sự cần giúp đỡ thì họ mới đến đó. Như vậy thì những sự trợ giúp sẽ đến đúng đối tượng" - anh Bình thông tin.
Ngoài việc tổ chức các công tác hướng đến việc chăm lo, hỗ trợ cho cộng đồng, nhiều năm qua, Đội Công tác xã hội TP HCM cũng là nơi tiếp nhận các nguồn hàng, kinh phí nhằm chăm lo cho đa dạng các đối tượng trên cơ sở công khai, minh bạch. "Chúng tôi luôn khuyến khích các nhà tài trợ giám sát và quản lý, tham gia cùng với Đội Công tác xã hội TP HCM trong công tác hỗ trợ, chăm lo cho người nghèo".
Hãy làm cuộc sống tốt đẹp hơn
Trước phản ánh giả nghèo khó để trục lợi tình thương, rất nhiều độc giả gửi ý kiến tới Báo Người Lao Động.
Độc giả có địa chỉ tinhnguyen@... bày tỏ bất bình với những người giả nghèo đói. Bạn nói muốn giàu sang thì hơi khó chứ thành "cái bang" thì dễ và "nói gì thì nói, giả dạng, dối trá để ăn không của bá tánh rất không nên".
Độc giả Nghĩa đưa ra lời khuyên những người trục lợi tình thương hãy sống thật tâm để có cuộc sống tốt đẹp sau này.
Trong khi đó, nickname Phan Thanh đặt câu hỏi tại sao có một số người dân chưa thật sự tin tưởng vào các cơ quan, tổ chức có chức năng tiếp nhận và phân phối hàng từ thiện cho người nghèo. Theo bạn, nên có các giải pháp khắc phục, chấn chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý để người dân tin tưởng hơn, có như thế việc hỗ trợ người không may mắn trong xã hội sẽ hiệu quả.
Nhiều bạn đọc bên cạnh việc lên tiếng phê phán người giả ăn xin cũng bày tỏ sự tâm đắc, ủng hộ loạt bài của Báo Người Lao Động.
Rất đáng lên án
PGS-TS Trương Văn Vỹ, chuyên gia về xã hội học tội phạm, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, đánh giá "trục lợi tình thương" là hành vi rất đáng lên án.
Nhận quà từ người làm từ thiện .Ảnh: MINH DIỄM
Đưa ra giải pháp, ông Trương Văn Vỹ cho biết không nên xử riêng lẻ từng trường hợp mà cần biện pháp mang tính tổng thể. Chính quyền nên có những động thái cảnh báo hiện tượng này một cách rộng rãi để người dân có thể tiếp cận, nắm bắt và cảnh giác. "Chuyện cho quà từ thiện là hành động tốt đẹp của xã hội nếu việc chia sẻ vật chất ấy đúng người. Còn khi lòng tốt đặt không đúng chỗ thì người có lòng hảo tâm lại vô tình vừa trở thành nạn nhân vừa tiếp tay cho những kẻ gian dối" - PGS-TS Trương Văn Vỹ lưu ý, đồng thời cho rằng trường hợp nhận thấy người có dấu hiệu trục lợi thì báo ngay cho địa phương để xử lý.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, nêu quan điểm "trục lợi tình thương" gây nhức nhối xã hội, đó là những hành vi đáng lẽ không nên xuất hiện thì lại tồn tại và tồn tại dai dẳng.
Ông Nguyên nhận xét người hoạt động từ thiện không phải không quan tâm đến chuyện cho đúng người nhưng thực tế họ có vẻ thiếu kinh nghiệm, thiếu điều kiện để tách bạch từng hoàn cảnh. Để khắc phục tình trạng cá nhân lười biếng, lừa dối nằm không làm mà muốn có ăn, cần có những biện pháp theo dõi có tính chất nghiệp vụ của công an hoặc phát hiện của nhân dân. Chính quyền địa phương nên có cách thức ngăn chặn người trục lợi để giảm tối thiểu hành vi "tranh với người thực sự nghèo".