Lát đá, cải tạo vỉa hè Hà Nội: Làm lấy được
Trong khi vỉa hè nhiều tuyến phố ở Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng chỉ sau vài năm hoàn thành việc lát đá, thì tại nhiều tuyến phố khác, việc lát đá, lát vật liệu giả đá đang tiếp tục được triển khai dịp cuối năm.
Bừa bộn, nhếch nhác
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, nhiều tuyến phố trên địa bàn thành phố đang thực hiện cải tạo, chỉnh trang vỉa hè, đảm bảo mỹ quan đô thị, trong đó có phần lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên, vật liệu giả đá. Tuyến phố Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa), nhiều tốp công nhân triển khai lát đá đã gần một tháng nay. Dọc vỉa hè theo hướng từ Huỳnh Thúc Kháng về Đê La Thành, một phần lòng đường giáp với vỉa hè bị xẻ khá rộng để thi công cống.
Trên vỉa hè, nhiều đoạn bày la liệt đá, đường dây, đường ống. Đất bị xới, vương vãi khắp nơi, tràn xuống cả lòng đường. Đá, vật liệu lát đá đổ đống trên vỉa hè. Có nơi, nhiều viên đá đã vỡ nát. Nhiều khu vực tràn lan rác thải của người dân. Có khu vực xuất hiện các hố sâu, nguy hiểm nhưng chỉ được cảnh báo sơ sài. Đáng chú ý, gần như toàn tuyến đều rơi vào cảnh bừa bãi, nhếch nhác kiểu này, thay vì thi công cuốn chiếu, hoàn thành từng đoạn như nhiều nơi khác vẫn làm.
Tình trạng trên cũng đang diễn ra trên phố Láng Hạ (Đống Đa), khu đô thị Định Công (Hoàng Mai), phố Trần Nguyên Đán, phố Trần Điền. Nhiều tuyến đường nội bộ khu đô thị thi công lát vỉa hè khi hệ thống dây cáp, dây điện vẫn lủng lẳng phía trên.
Tại nhiều tuyến phố lát đá vỉa hè trên địa bàn thành phố Hà Nội, chỉ qua vài năm sử dụng, đá vỉa hè đã xuống cấp nghiêm trọng, có nơi vỡ nát, hư hỏng phần lớn. Điển hình là đoạn vỉa hè đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) đoạn bên phía toà nhà từ Cục Sở hữu trí tuệ đến đoạn giao với đường Vành đai 3, hầu hết các viên đá lát vỉa hè bị vỡ nát, cập kênh, hư hỏng. Phố Trịnh Văn Bô (Nam Từ Liêm) được đầu tư khá đồng bộ, hai bên vỉa hè được lát đá, dài hàng cây số, đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Đường Lê Trọng Tấn - một tuyến đường kiểu mẫu ở Thủ đô, đá lát trên vỉa hè cũng xuống cấp, hư hỏng nhiều vị trí. Mới đây, vỉa hè tuyến đường còn bị cắt xẻ, lột đá lên để tiếp tục bổ sung, hạ ngầm thêm đường dây. Trao đổi với phóng viên, đại diện cơ quan chức năng quận Thanh Xuân cho biết, bắt buộc phải cấp phép cho đơn vị điện lực thi công bổ sung thêm đường dây, bởi quá tải về hạ tầng điện. Do tuyến đường không bố trí hộp kỹ thuật, nên phải cắt đá lát vỉa hè, thi công, sau đó hoàn thiện lại.
Bao giờ hết cảnh đào lên lấp xuống?
Một số chuyên gia về lĩnh vực đô thị cho rằng, kích thước và công nghệ lát đá vỉa hè vô cùng quan trọng. Theo quan sát, ở Hà Nội, đa số các dự án đều lát đá khổ rộng, nhưng chiều dày chỉ vài centimet. Hơn nữa, tại nhiều khu vực việc quản lý, thi công và giám sát thi công không đạt yêu cầu cũng có thể là yếu tố khiến vỉa hè xuống cấp nhanh chóng. Theo các chuyên gia, tuổi thọ 50-70 năm chỉ thể hiện độ bền của vật liệu. Việc thành phố lựa chọn lát vỉa hè bằng đá tự nhiên là đúng nhưng chủng loại đá, kích thước và công nghệ lát như thế nào mới là vấn đề quan trọng, tác động đến độ bền của vỉa hè sau khi được lát.
Đáng chú ý, nhiều chuyên gia chỉ rõ, theo quy định, chức năng số một của vỉa hè là giao thông và chỉ để phục vụ người đi bộ. Tuy nhiên, ở Hà Nội nói riêng và các đô thị nói chung, ngoài phục vụ việc đi bộ, vỉa hè còn phục vụ nhu cầu vận tải. Đặc biệt, có những nơi, vỉa hè còn bị tận dụng để đỗ ô tô, xe cơ giới, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng về mỹ quan đô thị, chất lượng và tuổi thọ của đá lát vỉa hè. Các chuyên gia cũng cho rằng, cần thiết phải thực hiện nghiêm quy định hạ ngầm đồng bộ rồi mới lát lại vỉa hè, tránh “làm lấy được”, dẫn đến tình trạng đào lên, lấp xuống, vừa mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đời sống người dân, gây lãng phí, kém hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp nhanh của những công trình vỉa hè như có dự án, hồ sơ thiết kế chưa quy định được rõ cường độ vật liệu đá lát hè, thiếu thiết kế... Ngoài ra, việc quản lý chất lượng và hiện trạng chất lượng thi công thực tế tại các dự án vẫn còn những bất cập. Công tác kiểm tra, giám sát vật liệu đá đầu vào tại một số dự án chưa đạt yêu cầu; công tác giám sát của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát chưa kịp thời...
Ông Hoàng Ngọc Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc các công trình vỉa hè xuống cấp nhanh là do việc quản lý, sử dụng mặt hè không đúng công năng sử dụng, mục tiêu đầu tư và thiết kế phê duyệt, ô tô, xe máy đi lên vỉa hè là nguyên nhân chính gây hư hỏng, xuống cấp mặt hè.