“Lão Goriot” - Khi đồng tiền chà đạp cả máu mủ tình thân

Mai Nguyên,
Chia sẻ

Chưa bao giờ, sự thật cay đắng về sức mạnh đồng tiền lại hiện ra trước mắt tôi phũ phàng như thế...

"Lão Goriot" - Khi đồng tiền chà đạp cả máu mủ tình thân

Tác giả: Honore de Balzac

NXB. Hội Nhà Văn
Giá bìa: 45.000 đ



Bạn có tin được không? Một ông lão tội nghiệp tích cóp từng đồng từng cắc để dành dụm nuôi con, ông tôn thờ con giống như một thứ báu vật giữa cuộc đời, ông hy sinh tất cả để cho con có được tấm chồng danh giá. Nhưng rồi cũng chính những cô con gái mà ông yêu thương đã coi cha mình chỉ giống như một “con bò sữa”, chúng vắt kiệt “con bò sữa” ấy để thoả mãn lòng tham lam, sự ích kỉ và đê hèn.

Lão Goriot” là một trong những cuốn tiểu thuyết thành công nhất của đại văn hào người Pháp - Honoré de Balzac. Bối cảnh của cuốn tiểu thuyết là kinh đô Paris, nơi đô thị phồn hoa diễm lệ. Ở nơi ấy, ba từ “giới - thượng - lưu” là sự thèm khát của biết bao nhiêu người. Có người cố gắng, có người đánh đổi, có người còn chà đạp lên người khác và lên chính bản ngã của mình để hy vọng trở thành người - thượng - lưu. Đau đớn thay, đằng sau sự hào nhoáng của hư danh là sự sa đọa và thối nát của con người.


Lão Goriot” ra đời trên cái nền hiện thực ấy, vì là một mảng màu trên bức tranh xã hội tối tăm nên nó khiến người đọc lo sợ cho số phận của một lão già giàu có mà cô đơn đến cùng cực. Lão Goriot xuất thân cũng chỉ là một gã đàn ông khổ nghèo, nhưng nhờ biết tằn tiện tích cóp mà trở thành triệu phú. Giàu có là thế, nhưng Goriot hiểu cái đem con người ta đến thế giới thượng lưu còn phải cần địa vị, còn cần đến xuất thân. Chẳng có người cha nào lại không mong muốn con mình có cuộc sống hạnh phúc, chẳng có người cha nào lại muốn sự hiện diện của những đứa con yêu lại chỉ như một vết đen mờ mịt giữa cuộc đời. Có lẽ vì thế mà Goriot "trao" hai đứa con mà mình nuông chiều hết mức cho gia đình quý tộc: Một bên là dòng họ Restaud và một bên là dòng họ Nucingen. Hai chàng trai đều là những bá tước, nam tước danh giá và quyền quý. Nhưng Goriot chẳng thể ngờ, những đứa con gái mình rất mực yêu thương và sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời cho chúng lại có thể đối xử tàn nhẫn với mình như thế.

Khi những đứa con được gã vào nhà danh giá thì lại quay ra xem thường xuất thân của cha đẻ, họ xấu hổ khi có một người cha địa vị thấp hèn, và rồi… họ đuổi lão đi. Đọc đến đây, tôi đã khóc, không phải những giọt nước mắt xúc động mà là những giọt tức tưởi, đớn đau và khinh bỉ. Có ai ngờ một ông lão già nua, vợ chết đi chỉ còn biết hết lòng cho con cái, một ông lão chịu bao tủi nhục để con được giàu sang, một người cha tội nghiệp bán hết gia sản để đáp ứng những yêu cầu tham lam và ích kỷ của con lại bị chính giọt máu của mình hất sang lề xã hội? Chúng bòn rút hết người cha mà chúng xem như một “con bò sữa”, rồi lại tìm cách đuổi ông đi như một sự chối bỏ phũ phàng. Thế mới biết, đồng tiền băng hoại giá trị của con người thế nào, thế mới biết sức mạnh vô hình mà khủng khiếp của nó ra sao!


Niềm an ủi duy nhất trong cuộc đời lão Goriot có lẽ là Rastignac, một chàng sinh viên trường Luật mà ông tình cờ quen biết nơi quán trọ của mụ Vauquer. Mặc dù sau này, chính Rastignac cũng bị xã hội tha hoá, nhưng ít ra, tại thời điểm này, anh vẫn sống đúng với bản chất lương thiện của mình. Rastignac đã chứng kiến hai phu nhân xinh đẹp bỏ rơi cha già nơi quán trọ tối tăm và bẩn thỉu, Rastignac đã thấy từng cử chỉ, từng nỗi đau, từng tiếng thở ngắt quãng của lão Goriot tội nghiệp. Khi con gái sống trong giàu sang nhung lụa thì hằng đêm cha vẫn mân mê cái cốc cũ kĩ, là di vật cuối cùng của người vợ quá cố với ánh mắt trầm ngâm. Khi con hội hè lễ lạc thì cha ốm đau nơi quán trọ tối tăm mà con chưa hề thăm viếng.

Và bạn biết không? Có một sự thật hiện lên trên từng câu chữ, trên từng trang tiểu thuyết mà không một ai có thể chối bỏ hay phớt lờ - ấy là khi, con xem cha là thứ đáng khinh bỉ và xấu hổ thì cha lại xem con là báu vật, là niềm tự hào mà Đức Chúa Trời ban tặng. Tội nghiệp thay cho số phận của một con người.


Bằng bút pháp nghệ thuật chân thực và sắc sảo, bằng ngòi bút cảm thông sâu xa cho nhân vật của mình, Honoré de Balzac đã dắt người đọc đến những giây phút cuối đời của lão. Những khoảnh khắc bi thương đến thấu tận đất trời… Một người đàn ông giàu nức đố đổ vách một thời, đến lúc chết đi không có nỗi một chiếc quan tài đúng nghĩa. Một người cha có đến hai đứa con danh giá nhưng lại như chẳng có một đứa nào. Sự bạc bẽo của nghĩa tình khiến chàng sinh viên Rastignac, người gom nốt số tiền ít ỏi làm một lễ tang sơ sài cho ông, phải nhìn xuống ánh đèn hoa lệ nơi phố phường Paris và thốt lên một câu đầy thách thức: “Bây giờ chỉ còn ta với mi!”. Câu nói kia là sự thách thức với xã hội đương thời, là sự thách thức quyền lực và đồng tiền, điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh chấp nhận sự tha hoá bản thân khi bước chân vào chốn phồn hoa tàn nhẫn ấy.

Tôi chẳng thể ngờ, chàng sinh viên tốt đẹp thương người năm xưa, sau cái chết của lão Gorio bất hạnh lại trở thành một gã đàn ông thâm độc, điếm đàng và hút máu người không ngại miệng. Dường như, khi anh chôn ông lão xấu số kia xuống lòng đất sâu thì cũng chính là lúc anh khâm liệm chính mình nơi nghĩa địa hoang tàn vắng lạnh.


Bạn hãy tìm đến cuốn tiểu thuyết ấy, để hiểu vì sao “Lão Goriot” lại có sức vang dội rung động lòng người đến thế. Ra đời cách chúng ta đã hàng mấy thế kỉ qua nhưng cuốn tiểu thuyết không hề mờ phai giá trị, ngược lại càng lúc “Lão Goriot” càng khiến người đọc phải trân trọng và xót xa. Không chỉ đơn thuần là ngòi bút sắc sảo phê phán một hiện thực tối tăm, giả dối và bị chi phối mạnh mẽ bởi đồng tiền, mà trên cả là tấm lòng thương yêu từng kiếp người nhỏ bé, bất hạnh mà đại văn hào Honoré de Balzac gửi gắm qua tác phẩm của mình.
Chia sẻ