Lao đao quyết định mất việc hay "mất" con

M.T,
Chia sẻ

Nhiều chị em đang đứng giữa ngã ba đường khi phải quyết định lựa chọn sinh con và chấp nhận mất việc; hay mặc kệ đường con cái nhằm giữ được một chỗ làm ổn định?

Với đa phần phụ nữ, 9 tháng vác bụng bầu và vài tháng sau khi sinh con sẽ làm cho sự nghiệp của họ gần như "đóng băng". Bởi vậy, nhiều công ty, cơ quan... luôn yêu cầu các lao động nữ ký cam kết không sinh con trong một khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng có thể tuân thủ theo đúng cam kết "hoãn sinh con" như đã ký. Không ít trường hợp chị em phải lao đao khi đứng trước quyết định sinh con và đối mặt nguy cơ mất việc; hay phá thai nhằm giữ được một chỗ làm ổn định?

Thu Minh là kế toán giỏi, làm việc cho một công ty tư nhân ở Cầu Giấy, lương tháng đến chục triệu. Ở cái tuổi gần đầu 3 mới tính tới chuyện chồng con, chồng Minh lại là con một nên dễ hiểu tại sao cả hai bên họ hàng nội ngoại đều thúc giục vợ chồng cô sớm lo đường con cái. 

Nhưng thời điểm Minh kết hôn cũng là lúc công ty đang trong giai đoạn khó khăn, việc kinh doanh đổ bể. Ngay sau ngày cưới, giám đốc đã gọi riêng cô ra nói chuyện, tâm sự đủ điều. Sếp ngọt nhạt khuyên Minh từ từ hãy có em bé, cống hiến thêm một vài năm nữa, khi nào công việc ở công ty ổn định rồi hãy bầu bí sinh đẻ. 

Là người có trách nhiệm cũng không muốn mang tiếng vô ơn nên cô động viên chồng để mình tạm thời hoãn kế hoạch sinh con sang một bên, đầu tư hết tâm sức cho công việc. 

Nửa năm sau, khi công ty đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng, mọi thứ hoạt động trở lại bình thường, may mắn Minh cũng có bầu. Hiểu tính sếp nên phải tới tháng thứ 3 khi bụng đã lớn cô mới dám thông báo với công ty. Trái với suy nghĩ của cô, từ ngày biết tin Minh mang thai sếp thay đổi ra mặt.

Tuần này Minh báo có thai thì tuần sau sếp đã tức tốc tuyển nhân viên mới thế chỗ. Bao nhiêu việc trước đây thuộc quyền hạn của cô nay sếp đều giao cho người mới. Thậm chí giám đốc còn cho người tự ý mở khóa tủ làm việc và lấy hết tài liệu của cô. 

Lao đao quyết định mất việc hay
"Quyền được làm mẹ là quyền thiêng liêng nhất,
đâu có thể dễ dàng vứt bỏ máu mủ của mình" (Ảnh minh họa)

Sau một tuần bị sếp “hành” do cái “tội” mang bầu, Minh tự động nộp đơn xin nghỉ việc: “Cứ đinh ninh mình là nhân viên thâm niên, lại có đóng góp lớn, giúp công ty vực dậy qua thời kì khó khăn, ai biết sếp lại ăn ở trở mặt như thế. Có chị bạn mình cũng từ bỏ công việc phiên dịch viên mơ ước để sinh em bé do trót vi phạm nội dung trong hợp đồng, làm việc chưa tới 2 năm đã có con”. 

Bà mẹ trẻ này cũng thành thật tâm sự: “Quyền được làm mẹ là quyền thiêng liêng nhất, thời gian có thể sinh đẻ được đối với phụ nữ là hữu hạn, càng lớn tuổi thì sức khỏe sinh sản càng giảm. Tới lúc đó nhiều khi có hối hận cũng không kịp. Rồi cô trầm ngâm: “Đôi khi cuộc sống phải biết chấp nhận hy sinh như thế.”

Ra trường đã hơn một năm, trầy trật mãi cuối cùng Thu (24 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng có được chân ở cơ quan nhà nước. Lúc đi phỏng vấn biết cô vừa lấy chồng, cơ quan hỏi ngay là có dự định sinh con luôn không. Cô thẳng thắn trả lời "Có!".

Tuy nhiên vì hồ sơ tốt cộng thêm với biểu hiệu ấn tượng của Thu trong buổi phỏng vấn, công ty để cô vào làm với thời gian thử việc là 2 tháng. Hết đợt thử việc cũng vừa đúng thời điểm chuẩn bị được kí kết hợp đồng 2 năm thì Thu dính bầu. Thấy Thu bụng mang dạ chửa tới cơ quan, có người thể hiện rõ vẻ khó chịu. 

Xung quanh không thiếu lời ong tiếng ve “vừa vào làm đã vác bụng bầu định ăn bám cơ quan chắc”. Cơ quan không cho Thu nghỉ việc song cũng không ký tiếp hợp đồng 2 năm mà lại yêu cầu thử thách thêm 6 tháng bằng một hợp đồng khoán việc. Có điều khi biết Thu có bầu, lượng công việc giao cho cô lại tăng nhiều hơn trước.

Thu cho biết hiện tại thời gian thử thách đã hết và cô cũng gần tới kì sinh nở. Nhiều đồng nghiệp rỉ tai đồn đoán rằng cơ quan sẽ chính thức cắt hợp đồng khi nào cô nghỉ sinh

"Dù gì nó cũng là giọt máu của mình, đâu có bỏ được dễ dàng. Mình và chồng cũng phân vân nhiều lắm mới đi đến quyết định giữ bé lại. Biết rằng công việc là quan trọng nhưng với những người làm cha, làm mẹ như vợ chồng mình thì đứa con vẫn là món quà quý nhất chẳng gì thay thế được”, bà mẹ trẻ này chia sẻ.

Có người hỏi sao cô không nghỉ quách ở nhà luôn, cô chỉ cười: "Ít ra đi làm mình còn có việc, có lương, cố gắng vớt vát được đến khi nào thì vớt. Chứ giờ nghỉ việc giữa chừng trông chờ vào đồng lương bì bõm của chồng thì còn khốn đốn hơn. Đợi sinh xong em bé, khi bé đã cứng cáp hơn mình lại đi tìm việc tiếp”.

Điều 111 - Bộ luật Lao động

“Nghiêm cấm người sử dụng lao động (NSDLĐ) có hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ... Phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam nữ về tuyển dụng, sử dụng... Phải ưu tiên nhận phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ tiêu chuẩn tuyển chọn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ mà doanh nghiệp đang cần...”.

Để hướng dẫn cho quy định này, điều 9 Nghị định 23/CP ngày 18/4/1996 quy định cấm NSDLĐ “ban hành quy định không có lợi hơn những quy định của pháp luật cho LĐ nữ; những hành vi làm hạn chế khả năng được tiếp nhận LĐ nữ vào làm việc…
Chia sẻ