Lạnh người với nguyên nhân thực sự khiến bé gái 13 tuổi tử vong
Thảm kịch đau đớn này là hồi chuông cảnh báo các ông bố bà mẹ, nên gần gũi và dành thời gian dạy bảo con nhiều hơn.
Báo điện tử Sina Trung Quốc đưa tin, bi kịch xảy ra tại khu chung cư Bích Nam Hà, thành phố Trùng Khánh vào tối ngày 5/4 vừa qua.
Theo các nhân chứng, vào khoảng 20h, cô bé Trân Trân, 13 tuổi, rơi từ tầng 32 xuống thảm cỏ bất tỉnh. Mặc dù người dân đã gọi xe cứu thương đến cấp cứu nhưng vô ích, Trân Trân đã tử vong tại chỗ.
Trước đó, sau giờ cơm tối, ông nội bé đang rửa bát trong bếp, để hai cháu nhỏ chơi trên phòng khách. Trân Trân và anh trai Hạo Hạo muốn chơi máy tính bảng nhưng bố mẹ bọn trẻ đã cất máy tính vào trong phòng riêng và khóa cửa phòng.
Phòng riêng của bố mẹ và phòng của hai anh em đều có cửa sổ nhìn ra một hướng. Sau một hồi bàn bạc, hai anh em đưa ra quyết định dại dột, cô bé sẽ trèo từ cửa sổ phòng mình, bám theo một đoạn tường bên ngoài tòa nhà rồi nhảy vào phòng bố mẹ.
Với sự hợp tác của anh trai, cô bé tin rằng có thể "đột nhập" thành công giống như trên tivi.
Không một chút do dự, hai đứa trẻ lập tức hành động. Chúng tìm được đoạn vải làm vật trợ giúp. Hạo Hạo cầm chắc một đầu đoạn vải, đầu kia để em gái buộc quanh bụng.
Tuy nhiên, Trân Trân vừa trèo lên cửa sổ, chưa kịp buộc thì em trượt chân ngã nhào ra ngoài cửa sổ. Sự việc diễn ra nhanh đến nỗi, cậu anh trai ngớ người không biết nên làm gì.
Người ông sau khi rửa bát xong, quay ra không thấy cháu gái đâu, cháu trai thì đang hốt hoảng thò đầu qua cửa sổ, âm thanh ồn ào huyên náo từ phía dưới vọng lên.
Cảm thấy có thể chuyện không hay xảy ra, ông nội đi xuống tầng dưới và sững người khi biết nạn nhân đang nằm bất động trên thảm cỏ kia chính là cháu gái mình.
Bãi cỏ nơi bé Trân Trân rơi xuống.
Cảnh sát địa phương ngay lập tức điều tra vụ việc, bước đầu loại trừ khả năng nạn nhân bị sát hại.
Được biết, ngày xảy ra vụ việc, bố mẹ của em đi du lịch chưa về, trong nhà chỉ còn Trân Trân, anh trai, và ông nội.
Phía người nhà cho hay, bố mẹ của Trân Trân làm kinh doanh, thường xuyên đi công tác xa nhà. Chuyện ăn uống ngủ nghỉ của hai anh em phần lớn do một tay ông nội đảm nhiệm.
"Bố mẹ bọn trẻ sau khi trở về nhà cũng ít khi nói chuyện với chúng. Rất may, hai đứa trẻ đều ngoan hiền và lễ phép. Bố mẹ chúng cất máy tính không cho chơi nhiều vì sợ ảnh hưởng thị lực, và sợ lũ trẻ xao nhãng việc học", ông nội nước mắt vẫn lưng tròng kể lại.
Sau bị kịch, cả khu chung cư ai nấy cũng đau xót và tiếc thương cho cô bé. Căn nhà bé Trân Trân vốn đầy ắp tiếng cười ngày nào giờ đây bỗng trở lên lạnh lẽo, thê lương.
Bố mẹ Trân Trân khóc ngất vì cái chết đau đớn của con.
Sự việc là bài học nhãn tiền cho những gia đình có con nhỏ sống ở nhà chung cư. Bà Châu Tiểu Yến – giáo sư tâm lý học trường Đại học Sư Phạm Trùng Khánh cho rằng: "Sự việc trên không đáng xảy ra và hoàn toàn có thể phòng tránh".
Theo giáo sư, các gia đình ở tầng cao chung cư cần phải bố trí lan can bảo vệ ở cửa sổ cũng như ban công. Ngoài ra, vui chơi là bản tính của trẻ, do đó bố mẹ thay vì cấm đoán, hãy dạy trẻ cách sắp xếp thời gian hợp lý.
Quan trọng hơn nữa, trẻ phải được giáo dục để hiểu rõ điều gì là nguy hiểm với chúng.