Lãnh đạo về hưu tiết lộ: Người thích làm 3 việc này đi đến đâu cũng không được coi trọng

ÁNH LÊ,
Chia sẻ

Nếu bạn làm việc lâu năm mà mãi không được sếp trọng dụng, khó thăng tiến thì rất có thể bạn đang mắc phải 3 thói quen này ở chốn công sở.

Người bước chân vào chốn công sở nhiều năm sẽ được chứng kiến những thăng trầm của nhiều thế hệ nhân viên. Có một số người làm việc chăm chỉ cả đời, nhưng lại luôn giậm chân tại chỗ, tên của họ dường như chưa bao giờ xuất hiện trong quyết định thăng chức và tăng lương của cấp trên. Trong khi đó, một số người dường như không làm việc chăm chỉ bằng, nhưng lại lần lượt thăng tiến lên những vị trí cao.

Khi mới bước vào nơi làm việc, người trẻ tuổi thường cảm thấy miễn là trình độ nghề nghiệp tốt còn những thứ khác không quan trọng. Thế nhưng sau khi bị thực tế “vùi dập” nhiều lần, họ mới hiểu ra trình độ nghiệp vụ và kỹ năng xử lý vấn đề nơi công sở của mọi người là tương đương nhau. Khoảng cách thực sự giữa người với người nằm ở nhận thức và tư duy nơi làm việc.

Một vị lãnh đạo cũ từng nói, nơi làm việc không phải là nơi để một người có thể tùy ý, tùy tiện làm những thứ mình thích. Cũng giống như đi nhảy múa ở quảng trường, bạn nhảy tốt như thế nào không quan trọng bằng việc bạn kết giao như thế nào, đối nhân xử thế ra sao bởi đây là bộ môn đòi hỏi sự kết hợp ăn ý giữa một tập thể. Do đó, việc làm việc tốt với mọi người để có được sự yêu mến và công nhận là điều cũng quan trọng không kém việc thể hiện khả năng của bản thân.

Nhiều người ở nơi làm việc chỉ quan tâm đến việc trau dồi kỹ năng cá nhân, tất nhiên, kỹ năng là cần thiết và quan trọng với tất cả mọi người. Nhưng trong trường hợp các kỹ năng tương đương, những người có thể hiện tốt tại nơi làm việc sẽ được công nhận và ưu tiên nhiều hơn.

Một nhà lãnh đạo kỳ cựu ở Trung Quốc sau khi về hưu đã tiết lộ một thực tế ở chốn công sở đó là: Không chỉ ở nơi làm việc mà còn ở xã hội, những người thể hiện tốt bản thân sẽ được yêu mến, tôn trọng và dễ dàng thăng tiến hơn những người khác. Ông cho rằng, người có ba hành vi dưới đây thường không được mọi người xung quanh quý trọng và sự nghiệp luôn giậm chân tại chỗ:  

1. Thích bào chữa

Trong cuốn sách The Ego and Defense Mechanisms (tạm dịch Bản ngã và cơ chế phòng vệ), nhà tâm lý học Anna Freud đã viết:

"Mỗi con người, dù bình thường hay rối loạn thần kinh đều sử dụng ở các mức độ khác nhau một hoặc một số yếu tố đặc trưng của cơ chế phòng vệ trong hành vi hoặc lời nói của mình".

Lãnh đạo về hưu tiết lộ: Người thích làm 3 việc này đi đến đâu cũng không được coi trọng, cố gắng đến mấy cũng bằng không - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Bào chữa là một trong những cơ chế phòng thủ của con người. Điều này có thể hiểu được. Theo bản năng, phản ứng đầu tiên của mọi người khi làm điều gì đó sai trái là đổ lỗi cho một đối tượng hay sự việc khác tác động. Tuy nhiên cho dù đây là bản năng, chúng ta cũng không nên biến nó thành một thói quen. Nếu không con người và con vật không có gì khác biệt.

Ở nơi làm việc, chúng ta thường gặp những đồng nghiệp như thế này: Họ thường không hoàn thành công việc đúng hạn, nguyên nhân luôn là do khối lượng công việc quá nhiều; Đi làm muộn đều là do tắc đường, không liên quan gì đến giờ dậy; Khách hàng không hài lòng vì họ đòi hỏi quá cao còn họ thì không có vấn đề gì...

Những người thích bao biện không bao giờ thừa nhận sai lầm của mình, họ tìm một số lý do “chính đáng” để giảm bớt cảm giác tội lỗi trong lòng. Một người như vậy sẽ không bao giờ được đề cao trong một tập thể. Lý do rất đơn giản, những người thực sự có năng lực sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề, trong khi những người yếu kém sẽ trốn tránh vấn đề và viện cớ để phủi bỏ trách nhiệm của mình.

2. Thiếu chân thành 

Trung thực là một trong những nguyên tắc cơ bản của một con người chuyên nghiệp. Tuy nhiên luôn có người cảm thấy rằng họ có thể lừa dối người khác bằng trí thông minh của mình. Trên thế giới không có bức tường nào không thể xuyên thủng, và cũng không có sự lừa dối nào có thể che giấu được mãi. Nên nhớ rằng cái kim trong bọc giấu kỹ thế nào cũng có ngày lòi ra.

Những người thực sự quyền lực ở nơi làm việc là những người có tầm hiểu biết sâu rộng, họ tiếp xúc và có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Họ cũng đủ thông minh để nhận biết rằng bạn có đang chân thành hay không.

Tỷ phú hàng đầu trong ngành thương mại điện tử của Trung Quốc Lưu Cường Đông từng kể một câu chuyện trong một cuộc phỏng vấn: "Có một giám đốc điều hành trong công ty của tôi buổi sáng phải đưa con đi học, nên nhờ thư ký điểm danh hộ. Khi tôi biết chuyện và người đó thừa nhận điều này, tôi đã yêu cầu anh ấy nghỉ việc".

Người dẫn chương trình hỏi ông: "Ông cho rằng giám đốc đó phải xin phép đúng không?"

Lưu Cường Đông nói: "Thực ra anh ấy không cần xin phép tôi, cũng không cần điểm danh giờ vào làm. Cho dù anh ấy có đến muộn cũng không ai phạt. Anh ấy cũng không bị đuổi việc vì lý do này. Công ty chúng tôi không có quy định giám đốc điều hành không được đến muộn".

Hàm ý trong câu chuyện của Lưu Cường Đông đã quá rõ ràng, bạn có thể đến muộn, nhưng không được phép dối gian. Trung thực chính là nguyên tắc của Lưu Cường Đông, và không ai có thể phá vỡ, cho dù có là giám đốc điều hành.

Không ai có thể trụ vững nếu không có niềm tin, tất nhiên trong cuộc sống này cũng không ai muốn bị lừa dối. Bạn có thể dùng sự khôn ngoan của mình để qua mặt người khác trong chốc lát, nhưng khi sự dối trá bị vạch trần, người khác sẽ nhìn bạn với ánh mắt khinh thường, sự tôn trọng mà họ dành cho bạn cũng mất đi.

3. Thích ngồi lê đôi mách

Ở nơi làm việc còn có một kiểu người thế này, họ làm việc không tốt cũng chẳng chăm chỉ nhưng luôn là người đầu tiên thích hóng chuyện và tám chuyện với những người khác. Họ thích hỏi chuyện tầm phào, chuyện bên lề về lãnh đạo, chuyện xưa của đồng nghiệp, tin đồn thất thiệt trong thiên hạ... và lấy đó làm vui, tự hào vì mình biết nhiều hơn người khác.

Nếu xung quanh bạn có người như vậy thì phải tránh xa, vì hiện tượng này dễ lây lan. Có một khái niệm trong tâm lý học được gọi là hiệu ứng "đồng bộ hoá", có nghĩa là khi bạn nói về người khác, người nghe sẽ kết nối những gì bạn đã nói với bạn một cách vô thức. Vì vậy, khi bạn kết thân lâu ngày với những kẻ thích đàm tiếu người khác, bạn cũng sẽ trở thành người giống như vậy.

Lãnh đạo về hưu tiết lộ: Người thích làm 3 việc này đi đến đâu cũng không được coi trọng, cố gắng đến mấy cũng bằng không - Ảnh 2.

Ảnh: Internet

Còn những người thích buôn chuyện luôn cho rằng người khác không biết mình đang nói gì, thực ra tính cách của người này ai cũng biết. Bởi vì không có chuyện ngồi lê đôi mách nào mà không đến tai người trong cuộc, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Ở nơi làm việc, “sức mạnh mềm”, suy nghĩ và nhận thức quyết định mức độ thành công  bạn có thể đạt được. Nhiều người không thể thành công, không phải vì kỹ năng của họ có vấn đề, mà vì sức mạnh mềm của họ có vấn đề. Người ta thường nói, chỉ có hai kiểu người ở nơi làm việc đó là nhân vật chính và nhân vật quần chúng. Buồn thay, nhân vật quần chúng bao giờ cũng đông đảo hơn cả.

Những người trở thành “nhân vật chính” ở nơi làm việc không phải vì họ thông minh hay họ làm việc chăm chỉ như thế nào, mà vì họ chú ý đến chi tiết hơn. Họ có thể thể hiện sự cẩn thận và xuất sắc trong từng câu nói và trí tuệ cảm xúc tuyệt vời trong mọi hành vi. Những người như vậy ở đâu cũng được trọng dụng.

Chia sẻ