Lãnh đạo trường đại học bị 'sờ gáy' vì dung túng đào tạo chui

Đỗ Hợp,
Chia sẻ

Nhiều trường đại học và hiệu trưởng vi phạm khi đào tạo "chui" văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh.

Mới đây Bộ GD&ĐT có văn bản gửi trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (ĐH KDCN HN) về việc chấn chỉnh công tác tuyển sinh và đào tạo Văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh. Theo đó, Bộ GD&ĐT khẳng định Hiệu trưởng trường ĐH KDCN HN có trách nhiệm liên quan đến đào tạo "chui" văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh.

Bộ GD&ĐT yêu cầu trường ĐH này khẩn trương tổ chức thực hiện phương án đảm bảo quyền lợi chính đáng của người học theo đúng quy định. Kết quả thực hiện của trường báo cáo về Bộ GD&ĐT trước ngày 28/12/2024.

Cử người đại diện theo diện pháp luật của trường tham dự buổi làm việc với Bộ GD&ĐT để xem xét, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh các lớp VB2.12, VB2.13 (A,B), VB22.01 vào sáng 26/12 tại trụ sở Bộ GD&ĐT.

Trước đó, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "giả mạo trong công tác" liên quan đến trường ĐH Đông Đô.

Trước khi cơ quan công an vào cuộc, báo chí đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng "nhốn nháo tuyển sinh" văn bằng 2 tiếng Anh chính quy của Trường ĐH Đông Đô.

Theo đó, phòng tuyển sinh trường này nhận hồ sơ tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh Trường ĐH Đông Đô và khẳng định việc thi đầu vào chỉ là hình thức, đã nộp hồ sơ, đóng tiền sẽ đỗ.

Tuy nhiên, Bộ GD&Đ khẳng định, trường đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo bằng đại học thứ hai hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh.

Mặc dù vậy, năm 2018, hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô đã công nhận 2 đợt tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên văn bằng 2 tiếng Anh.

Năm 2017 có 138 thí sinh trúng tuyển hệ văn bằng 2 chính quy tiếng Anh. Tương tự, năm học 2016 cũng có 47 thí sinh trúng tuyển.

Vì sao đào tạo chui hay rơi vào ngành ngôn ngữ Anh?

Thực tế hiện nay cho thấy chứng chỉ tiếng Anh, tin học là điều kiện cần của các cuộc tuyển dụng viên chức, công chức, thi nâng hạng, nâng lương hiện nay. Vì thế nhiều người chạy đua để có được bằng tiếng Anh cho đủ hồ sơ, chứng chỉ.

Trả lời báo chí, NGND, PGS.TS Đỗ Văn Xê, nguyên Hiệu trưởng ĐH Hùng Vương (TP HCM) cho hay nhiều chứng chỉ hiện nay vẫn mang tính hình thức, chưa thực chất, nhưng không có lại không được. Với những chứng chỉ ngoại như như TOEIC, IELTS hay Vstep cũng chỉ có thời hạn trong 2 năm. Do đó, nhiều người bằng mọi cách để “sắm cho được” tấm bằng cử nhân ngoại ngữ vô thời hạn.

Chia sẻ