Lạng Sơn ngăn ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng
Để ngăn ngừa không cho bệnh dịch lây lan ra diện rộng, các cơ quan chuyên môn tại tỉnh Lạng Sơn đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở các cơ sở chăn nuôi, đảm bảo phát hiện nhanh, chẩn đoán chính xác, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh.
Tính đến thời điểm này, toàn bộ 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn Châu phi. Gần đây nhất, các ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại 8 xã trên địa bàn huyện Hữu Lũng; 9 xã trên địa bàn huyện Văn Quan; 1 xã trên địa bàn huyện Chi Lăng.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 11 huyện, thành phố trong tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện ổ dịch. Theo thống kê 6 tháng đầu năm, bệnh dịch tả lợn châu phi xảy ra Lạng Sơn khiến gần 3.700 con chết, buộc phải tiêu hủy.
Các ổ bệnh tái phát hầu hết phát sinh ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra, tăng cường phối hợp với các xã, phường, thị trấn thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch; đặc biệt là hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng khu vực ổ bệnh với cường độ cao để tiêu diệt mầm bệnh…
Hiện nay số lượng đàn lợn trên địa bàn không lớn, việc tiêu dùng trên địa bàn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung từ các tỉnh thành khác. Việc vận chuyển lợn thịt và lợn giống từ các tỉnh khác vào Lạng Sơn là một trong những nguồn lây nhiễm chính. Người chăn nuôi ở một số nơi tái đàn chưa theo khuyến cáo của cơ quan chức năng; tái phát từ các ổ dịch cũ… cũng khiến bệnh dịch tả lợn Châu phi diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Phúc Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Xác định nguồn lây nhiễm trên địa bàn là do việc vận chuyển lợn, Sở Nông nghiệp đã tham mưu cho BCĐ 389 tỉnh, các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra vận chuyển lợn thịt, lợn con giống và công tác giết mổ trên toàn địa bàn tỉnh.
Sở cũng hướng dẫn Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố giám sát lấy mẫu và xác định nhanh, chính xác nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp bao vây, phòng chống dịch phù hợp, chuẩn bị vật tư hóa chất đúng chủng loại và số lượng để phục vụ phòng chống bệnh dịch hiệu quả. Biện pháp hiệu quả duy nhất hiện nay là chăn nuôi an toàn sinh học, chúng tôi cũng ban hành hướng dẫn về công tác tái đàn cho bà con, tuyên truyền khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, đáp ứng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh”./.