Làng nhang trăm tuổi ở TPHCM vào vụ Tết

Nguyễn Dũng - Thùy Linh,
Chia sẻ

Được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2012, thời điểm này, người dân làng nhang xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM đang tất bật chuẩn bị vụ Tết và mùa lễ hội cao điểm cuối năm với một lượng rất lớn “hoa nhang”.

Làng nhang xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM là làng nghề truyền thống lưu truyền gần trăm năm qua. Nơi này được xem là một trong những trung tâm cung ứng sản phẩm nhang lớn nhất khu vực miền Nam. Người dân sản xuất nhang quanh năm, trong đó các vụ chính là vào dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán , rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy Âm lịch,...

Làng nhang trăm tuổi ở TPHCM vào vụ Tết - Ảnh 1.

Sắc đỏ rực rỡ mùa cận tết.

Để làm ra một nén nhang thành phẩm, đòi hỏi sự miệt mài, công phu của những người thợ, là sự hòa trộn của nhiều nguyên liệu khác nhau. Kế đến là sự vất vả khi phải phụ thuộc vào thời tiết. Có nắng thì nhang sẽ đẹp, màu sắc bắt mắt. Nếu gặp mưa thì sản phẩm dễ bị ẩm thấp, thậm chí hỏng cả mẻ nhang.

Làng nhang trăm tuổi ở TPHCM vào vụ Tết - Ảnh 2.

Nắng càng to thì nhang càng đẹp.

Thứ làm nên nét riêng tại làng nghề là bột nhang. Thành phần bột nhang tại đây gồm bột quế, trấu và mùn cưa. Nhang của làng nghề Lê Minh Xuân không sử dụng hóa chất tạo mùi thơm cho nên rất được người dân ưa chuộng.

Làng nhang trăm tuổi ở TPHCM vào vụ Tết - Ảnh 3.

Tùy vào công thức bí truyền của mỗi gia đình mà có những loại bột nhang mang những hương thơm đặc trưng khác nhau.

Đối với những hộ gia công, để nhang khô đều, người thợ phải đảo nhang thường xuyên dưới nắng. Các cơ sở sản xuất lớn sẽ dùng máy sấy nhang giúp tăng năng suất, đồng thời không phải phụ thuộc vào thời tiết.

Giữa cái nắng gay gắt buổi trưa, cô Út Hiền vẫn cùng chồng miệt mài phơi từng bó nhang trên giàn. Theo nghề hơn 30 năm, được các chị em trong nhà làm rồi truyền lại, thấm nhuần được sự đổi thay của nghề, cô đã bắt đầu làm nghề từ lúc còn se tay cho đến khi có máy móc hiện đại.

Làng nhang trăm tuổi ở TPHCM vào vụ Tết - Ảnh 4.

Những con người nơi đây vẫn cần mẫn làm nghề cùng với dòng chảy của thời gian, càng tô đậm thêm nét đẹp văn hoá truyền thống lâu đời của Việt Nam.

Làng nhang trăm tuổi ở TPHCM vào vụ Tết - Ảnh 5.

Mặc dù ngày nay đã có máy sấy nhang nhưng gia đình cô Hiền vẫn chọn phơi nhang tự nhiên dưới nắng. "Có nắng thì nó lên màu đẹp, còn những hôm mưa thì nhang không đẹp, thậm chí còn bị mốc. Những ngày râm thì nhang chỉ ráo thôi chứ cũng không có màu rực rỡ như khi phơi dưới nắng”, cô Hiền nói.

Làng nhang trăm tuổi ở TPHCM vào vụ Tết - Ảnh 6.

Trung bình mỗi ngày một người làm được 70 - 80 thiên nhang, mỗi thiên nhang khoảng 1.000 cây nhang. Nhang sản xuất tại xã Lê Minh Xuân được cung ứng không chỉ ở TPHCM mà còn đến nhiều tỉnh, thành lân cận.

“Làm nhang thời trước cực lắm, phải nhồi bột bằng tay rồi se từng cây tăm tre. Một ngày se tay được 3 - 4 thiên thôi, giỏi lắm thì làm được 10 thiên. Bây giờ một người có thể làm vài chục thiên, gấp hàng chục lần trước nhờ có máy móc hỗ trợ”, cô Út Hiền chia sẻ.

Làng nhang trăm tuổi ở TPHCM vào vụ Tết - Ảnh 7.

Lê Minh Xuân cũng thường xuyên thú hút nhiều bạn trẻ đến check in, trải nghiệm làm nghề truyền thống.

Theo ghi nhận của PV, số hộ dân theo nghề nhang tại xã Lê Minh Xuân đã giảm đi đáng kể. Nhưng bù lại, một số bạn trẻ tiếp nối nghề truyền thống của gia đình. Minh Trí là một điển hình. Trí được bà ngoại truyền lại nghề từ năm 13 tuổi. “Gắn bó với nghề được 4 năm, em muốn lưu truyền nghề của bà ngoại được lâu hơn, dài hơn”, Trí bộc bạch.

Làng nhang trăm tuổi ở TPHCM vào vụ Tết - Ảnh 8.

Dù mới 17 tuổi nhưng Minh Trí đã có 4 năm trong nghề làm nhang.

Cùng với văn hoá sum vầy ngày Tết, mâm cỗ ngũ quả trên bàn gia tiên thì nén tâm nhang cũng góp phần bảo tồn giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Ở đó, những người làm nhang đã góp phần lưu lại nét đẹp truyền thống, giữ mãi hồn Việt trong những ngày lễ, Tết cũng như trong các hoạt động tín ngưỡng khác của dân tộc.

Chia sẻ