Lang nào đáng... băm?

,
Chia sẻ

Thỉnh thoảng đọc báo lại thấy những chuyện kiểu “một bà ở An Giang sống bằng nghề cắt cỏ bỗng xuất thần cứu người giúp đời bằng cách viết bùa chữa bệnh”...

Bên cạnh chuyện khó hiểu là chính quyền địa phương chẳng hay biết, còn thêm một điểm đáng nói là lang vườn ngang xương như thế lại có khối bệnh nhân mỗi ngày.

Các loại cao dán và thuốc không rõ nguồn gốc của một “thầy lang” không giấy phép hành nghề - Ảnh: L.T.H.

Nếu nghĩ “khách hàng” của bà chỉ là người quê mùa dốt nát thì lầm. Không thiếu bệnh nhân thuộc giới có ăn có học cũng đến xin bùa mới hay.

Câu chuyện về “thiên tài y học” thình lình xuất hiện không hề hiếm ở nước mình. Đến hẹn lại lên, cứ ít tuần, vài tháng lại có tin đồn về thần y, thần dược nào đó có tài chữa bá bệnh, không bệnh cũng chữa.

Cứ xem quảng cáo nhan nhản trên báo về thực phẩm chức năng, về số phòng khám Đông y theo kiểu “100% vốn nước ngoài” (cứ như vốn trong nước thì chữa bệnh không lành), lại thêm số bản tin y học của các “chuyên gia” trên mạng theo tiêu chí “liều mạng nói bừa” thì người có kiến thức hạn hẹp đến mấy cũng phải đặt câu hỏi “Tại sao lang băm thời này vẫn sống khi nước ta đang thừa lang tiến sĩ?”.

Để tìm câu trả lời có lẽ nên tham khảo chuyện xứ người. Một công ty ở Đức chuyên về khảo sát thị hiếu người tiêu dùng đã tiến hành cuộc thăm dò cắc cớ với giới bác sĩ qua câu hỏi “Có nên thông tin đầy đủ cho người bệnh về biện pháp dự phòng và tự điều trị nhiều bệnh chứng thông thường?”.

Kết quả cho thấy:

• Một số thầy thuốc tán đồng mọi biện pháp thông tin hữu dụng để người bệnh có thể chủ động thực hiện, góp phần giải tỏa gánh nặng cho nhà điều trị. Các thầy thuốc này có một điểm tương đồng: họ đều đuối sức vì công việc trong phòng cấp cứu, khu hồi sức, bệnh viện chuyên khoa... nên rất cần sự cộng tác với tri thức của người bệnh.

• Nhiều thầy thuốc ngược lại phản đối biện pháp phổ thông hóa kiến thức y học vì cho rằng người bệnh có thể áp dụng sai lầm. Sau đó xem lại mới biết các nhà điều trị này đều có phòng mạch tư với thu nhập không mấy khấm khá.

• Một số không ít giáo sư, giảng viên trong các trường đại học y dược tỏ ra dè dặt vì tuy việc quảng bá kiến thức y học phổ thông là điều nên làm nhưng sợ khó tránh tác dụng bất lợi của con dao hai lưỡi nếu dạy người bệnh nhưng không dạy nổi đến nơi đến chốn. Nói nghe êm tai như vậy nhưng không phải vậy. Chuyện gì cũng có lý do.

Khỏi cần hỏi thêm “tại sao lại trả lời khác nhau như thế?” cũng rõ động cơ và mục tiêu của mỗi nhóm thầy thuốc nêu trên. Vấn đề không dừng lại ở đó. Khi không được thông tin đúng mức và dễ hiểu, người bệnh sẽ phản ứng thế nào? Có bệnh phải vái tứ phương. Không thể cấm người bệnh gõ đại cánh cửa nào đó nếu cánh cửa nơi gọi là “nhà thương” cứ đóng im ỉm vì chẳng biết thương ai! Nên không có gì khó hiểu nếu nhiều người bệnh sẵn sàng phó thác định mệnh trong tay lang băm, thầy pháp, thầy bùa...

Theo Biển Thước, vị danh y Trung Quốc (có tác phẩm Nạn kinh bàn về chuyện khó trong nghề thuốc), một trong các nguyên nhân làm bệnh khó chữa, thậm chí bất khả trị, là tình trạng “tín vu bất tín y”, nghĩa là người bệnh thay vì trao hi vọng vào tay thầy thuốc lại dốc lòng theo điều mê tín vu vơ. Nhưng đâu phải người bệnh vô cớ bỏ qua màu áo trắng thiên thần của thầy thuốc, biểu tượng của lương tâm và khoa học, để bám víu vào chuyện hoang đường khó tin?

Lang băm không hiếm, cũng không từ trên trời rơi xuống. Đó là một thực tế không thể chối cãi trong bối cảnh y tế của Việt Nam đến tận ngày hôm nay. Khỏi cần thống kê cũng biết vẫn còn nhiều người bệnh hằng ngày gõ cửa sai địa chỉ. Lý do rất dễ hiểu: nhiều người bệnh rõ ràng cảm thấy an tâm và ấm lòng với lang băm hơn là với thầy thuốc. Không thể vì thế mà trách họ. Người bệnh phản ứng như thế phải chăng vì một số thầy thuốc chưa làm tròn trọng trách của mình, trọng trách làm thuốc để xứng đáng với tiếng thầy?

Nếu không có được sự tin tưởng, liệu còn gì đáng nói trong mối liên hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân? Hay chỉ còn là một dịch vụ mua bán kiểu “thuận giá thì bán” trong phiên chợ chiều? Xét cho cùng, lang nào ở đây mới đáng bị... băm? Nhiều khi hỏi chỉ để khỏi trả lời.

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG
Theo Tuổi trẻ
Chia sẻ