Làng góa phụ ảm đạm ngày Tết
Tìm về làng Bình Minh (Quảng Nam) vào những ngày đầu năm mới. Cả làng có hơn 20 góa phụ, mặc dù mất mát cũng đã lùi xa, nhưng không khí Tết ở đây vẫn hiu quạnh, đượm buồn...
Cổng văn hóa của làng góa phụ vẫn chưa được trang trí
Cơn bão Chan Chu ( tháng 5/2006) đã cướp đi rất nhiều sinh mạng của người dân xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Bình Tịnh là thôn có tới 30 trên tổng số hơn 80 người đàn ông ở xã Bình Minh đã không trở về sau cơn bão Chan Chu Trong cái thôn nhỏ nghèo nàn này có hơn 20 phụ nữ góa phụ. Từ đó người ta vẫn hay thường nhắc đến thôn Bình Tịnh với 1 cái tên “làng góa phụ”.
Cô Hoàng Thị Nguyệt ( 1967) có chồng mất trận bão Chan Chu, 1 mình lầm lủi nuôi 6 đứa con ăn học. Cuộc sống dù có nhiều khó khăn nhưng cô vẫn cố gắng hết sức vì tương lai của bọn trẻ. Công việc hằng ngày của cô là chở mắm đi bán khắp nơi để kiếm thêm thu nhập. Đặc biệt, vào những ngày Tết thì việc buôn bán có tiến triển hơn ngày thường. Kiếm đồng ra, đồng vô để trang trải cuộc sống và tiếp sức cho 6 đứa trẻ đến trường.
Cô Nguyệt cho biết: “Tết nhứt chi chú ơi, làm tối mặt tối mày thôi. Những ngày này phải làm gấp 2 ngày bình thường để kiếm thêm thu nhập. Ở cái làng làng ít ai sắm sữa ngày tết lắm, có chăng chỉ dọn dẹp nhà rồi cuối năm ăn bữa cơm tất niên thôi. Nhà không có đàn ông nên lo làm là chính”.
Dọn dẹp nhà cửa
Còn đối với cô Nguyễn Thị Nở ( 1954) có chồng và con trai mất trong trận bão Chan Chu những ngày này buồn bã hơn. Dù cái không khí tang thương đó đã qua cách đây hơn 8 năm rồi, thế nhưng mỗi khi nhắc lại ai cũng thấy đau lòng.
Cô Nở bộc bạch: “Ngày xưa có chồng, con đi biển thì cái tết còn sung túc được ít. Chứ giờ còn mình tôi thì làm được gì đâu, già cả rồi, gánh gồng như người ta cũng không được”. Câu nói của cô Nỡ đứt quãng, nước mắt đã lăn trên khuôn mặt nhiều sương gió của cô. Khẽ gạt những giọt nước mắt, cô nói trong nghẹn ngào:“Họ, tết có chồng có con quây quần mà sao tôi khổ quá”.
Vẻ hồn nhiên của những đứa trẻ ở làng góa phụ
Cuộc sống vẫn bình lặng tại làng góa phụ này. Sự ra đi của những người đàn ông để lại gánh nặng rất lớn cho người phụ nữ làng chài. Việc mưu sinh cũng gắn liền với biển, không đi biển được thì chọn nghề làm mắm, kéo lưới, bán mắm… để mưu sinh.
Nặng trĩu đôi gánh trên vai, gần 10 năm qua cô Trần Thị Thành ( 1976) gánh mắm đi bán dạo nuôi con. Cuộc sống dường như vất vả hơn với người phụ nữ này, cô giãi bày: “Khi ba tụi nó mất, tôi đang mang thai một đứa nữa, ông ấy ra đi để lại 3 mẹ con. Nhiều lúc nghĩ đến tủi thân lắm nhưng biết làm sao bây giờ, thương mình một thì thương con đến mười. Thiếu đi sự yêu thương của người cha nên tôi muốn bù đắp cho tụi nó ăn học. Khổ mấy mình cũng gắng mà chịu”.
Không ít những người đàn ông xấu số đã ra đi để lại bố mẹ già yếu với nhiều nỗi đau bệnh tật. Có con mất trong trận bão Chan chu, ông Trần Thanh Xương (sinh năm 1935) dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn cố gắng làm lụng quanh năm để nuôi vợ và những đứa cháu.
Hỏi về việc sắm tết, ông ngậm ngùi: “Mấy năm thì địa phương có cho cân gạo nhưng năm nay thì vẫn chưa có gì cả, sắm thì cũng chỉ mong có tiền mua cho cháu cái áo mới mặc khoe 3 ngày tết cho bằng bạn bằng bè, chứ mình già rồi cũng không mong muốn chi”.
Dịp đầu năm mới thường là để gia đình sum vầy. Anh Trần Viết Tài (1991) bộc bạch “Ba mất để lại gánh nặng cho mẹ nên mình cũng cố gắng giúp đỡ mẹ nhiều hơn Vừa học vừa làm để đỡ gánh nặng cho mẹ, mang không khí ấm áp về cho gia đình".
Tranh thủ được nghỉ tết, Trần Viết Tài (sinh năm 1991) sửa sang lại nhà cửa giúp mẹ.
Gần 10 năm sau đi qua, nhưng nỗi đau thương từ trận bão Chan Chu vẫn hiện hữu trên vùng quê nghèo xứ Quảng. Dù có nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống thế nhưng những người phụ nữ vẫn làm tròn trách nhiệm vừa làm mẹ, vừa làm cha nuôi nấng con nên người. Nghị lực của những người mẹ, người cô, người chị nơi đây giống như sự sinh tồn và vươn lên mạnh mẽ của những cây xương rồng trên vùng đất cằn cọc, đầy cát và gió miền biển.