Làng cổ ven đê sông Hồng sẽ bị xóa sổ?

TRẦN HOÀNG,
Chia sẻ

Khu vực Bắc Cầu (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) hiện là nơi sinh sống của 2.300 hộ với khoảng 7.000 người dân. Họ đều mong mỏi được sinh sống trên mảnh đất tổ tiên để lại.

Ghi nhận của PV Tiền Phong tại khu Bắc Cầu, đây là một dải đất hình lưỡi mác nối từ đường đê Ngọc Thụy ra đến bờ sông Hồng. Nơi đây hình thành một bán đảo với khu dân cư, nhà cửa san sát từ hàng trăm năm với đầy đủ các thiết chế văn hóa như: trường mầm non, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa...

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, để chốt công bố quy hoạch cuối cùng cần cân nhắc, thận trọng. "Quan trọng nhất là phải lấy ý kiến cộng đồng, trong Luật Quy hoạch đã quy định rõ điều này", ông nói.

Dọc theo con đường trải nhựa kéo dài gần 3km, chúng tôi đã gặp một số người dân sinh sống tại đây nhiều năm, họ đều có chung một cảm giác bất an khi đứng trước nguy cơ phải di dời. Sinh sống ở khu vực ven sông, phía cuối đường Bắc Cầu, ông Đào Khắc Thóc (84 tuổi) nói rằng, ông nguyên phó chủ tịch xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm vào năm 1985 - 1995, nên nắm rõ về xóm làng, dân cư ở xã. Thời điểm trước đây, làng Bắc Cầu là làng cổ thuộc Vĩnh Phúc, sau đó sáp nhập địa giới về huyện Gia Lâm, nay là quận Long Biên.

Những năm 80, làng Bắc Cầu chỉ có vài nghìn dân sống ổn định từ lâu đời. Chủ yếu người dân làm việc tại Hợp tác xã dệt may, trồng dâu nuôi tằm, một bộ phận khác canh tác trên mảnh đất nông nghiệp bồi phù sa trù phú.

Dân cư hiện nay đã đông lên nhiều, tạo nên những ngôi nhà khang trang, xóm làng hiện đại. "Nếu bảo di dời, chắc chắn các hộ dân đều không đồng tình, không chỉ vì cuộc sống mà còn vì tình cảm với mảnh đất quê hương. Rất mong quy hoạch được điều chỉnh phù hợp để người dân được ở lại trên mảnh đất cha ông. Cũng là hợp lòng dân, tránh khiếu kiện phức tạp an ninh trật tự", ông Thóc bày tỏ.

Làng cổ ven đê sông Hồng sẽ bị xóa sổ? - Ảnh 2.

Chùa Long Đọi ở Bắc Cầu ảnh: Long Biên

Ông Nguyễn Trí Thành, Tổ phó tổ dân phố 38 cho biết, gia đình ông đã sinh sống tại mảnh đất Bắc Cầu qua nhiều thế hệ, gia phả còn giữ được đến nay đã là đời thứ 10. Theo ông Thành, việc khu Bắc Cầu bị xóa sổ khiến cho người dân vô cùng bất ngờ. Không chỉ bởi Bắc Cầu vốn là làng cổ, người dân sinh sống nhiều thế hệ mà còn vì thống kê của một số cơ quan đề cập khu Bắc Cầu có 757 hộ dân là không đầy đủ. "Cách đây 2 tháng, chúng tôi đã tổng hợp sơ bộ 4 tổ dân phố tại khu vực, qua đó có 2.300 hộ với hơn 7.000 dân", ông Thành khẳng định.

Ông Nguyễn Kim Ý, Bí thư chi bộ tổ 38 phường Ngọc Thụy, cho biết, 100% ý kiến người dân không muốn di dời đi nơi khác. Bắc Cầu còn có 2 di tích là chùa Long Đọi, đình Bắc Cầu 3 đã được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố từ năm 2015.

"Tôi đi đâu cũng được vì có lương hưu nhà nước trả nhưng người dân ở đây chủ yếu buôn bán, kinh doanh tự do, bám mặt đường để buôn bán. Nếu đưa họ vào chung cư, không có nguồn thu rồi thêm các chi phí dịch vụ thì họ không thể ở được", ông Ý nói.

Chia sẻ