Lần đầu tiên xuất hiện loài cá không có xương dăm, chuyên gia: Đây là đột phá lớn!
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học Trung Quốc nuôi thành công giống cá diếc không có xương dăm.
Theo đó, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Thủy sản Hắc Long giang thuộc Viện Khoa học Thủy sản Trung Quốc đã tạo ra giống cá diếc mới này bằng cách sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene. Nghiên cứu mới này đã đánh dấu một bước tiến đột phá lớn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Cá diếc là một loài cá nước ngọt được nhiều người ở châu Á và Đông Âu ưa chuộng vì thịt mềm và thơm ngọt. Tuy nhiên, cá diếc lại có nhiều xương dăm, dễ mắc vào cổ họng của người ăn. Ngoài ra, loài cá này cũng khó chế biến ở quy mô công nghiệp.
Do đó, việc loại bỏ đi được xương dăm của cá diếc có thể mở ra nhiều cơ hội thương mại cho loại cá này.
Một nhóm các nhà khoa học tại Viện Thủy sản Hắc Long Giang đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu để giải quyết vấn đề này từ năm 2009. Sau nhiều năm, các chuyên gia đã xác định được gene chính (bmp6) từ 1.600 gene ứng viên, để kiểm soát được sự phát triển của xương dăm, tìm cách loại bỏ nó mà không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và sinh sản của cá diếc.
"Năm 2020, chúng tôi đã nuôi thế hệ cá diếc đầu tiên không có xương dăm với tỷ lệ thành công là 12,96% và thế hệ thứ hai với tỷ lệ là 19% vào năm 2021. Đầu năm 2022, khoảng 20.000 con cá thế hệ thứ ba đã được thả ở cơ sở thử nghiệm tại Cáp Nhĩ Tân và bắt đầu tiến hành nhân giống ở quy mô lớn", ông Kuang Youyi, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết.
Giống cá mới tạo ra tiềm năng trong tương lai
Ông Kuang cũng cho biết thêm, giống cá diếc chỉnh sửa gene phát triển tốt và có bề ngoài không thể phân biệt được so với cá diếc thông thường. Đặc biệt, kết quả của một cuộc kiểm tra vào tháng 8 năm 2021 cho thấy tỷ lệ thành công đã lên tới 100%.
Mặc dù vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước về quy định an toàn cũng như việc sản xuất hàng loạt, nhưng nhiều người trong nhóm nghiên cứu tỏ ra rất hào hứng. Các chuyên gia cho biết, những bước phát triển này có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến cá trong tương lai.
Ông Li Shawu, trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh rằng: "Mọi người sẽ không còn phải tiến hành nhặt những chiếc xương cá nhỏ nữa. Điều này có thể tạo ra thay đổi đáng kể về chế độ ăn cá toàn cầu, và thúc đẩy việc tiêu thụ những sản phẩm về thủy sản trong tương lai".
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm chuyên gia đảm bảo rằng họ đã xem xét đầy đủ về tính an toàn sinh thái của giống cá mới.
Ông Li cho biết thêm: "Kể từ đầu năm 2023, chúng tôi đã tiến hành đánh giá về an toàn sinh thái, trong đó bao gồm khả năng bơi lội, chịu lạnh và sinh sản của cá, nguy cơ bị săn mồi. Chúng tôi cũng đang phát triển một giống vô trùng để loại bỏ những tác động xấu mà cá chỉnh sửa gene có thể gây ra ở trong môi trường tự nhiên".
Nghiên cứu này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Bài viết tham khảo nguồn: Chinadaily