Lần đầu tiên một sản phẩm Trung Quốc khiến những thế lực hàng đầu phải "câm nín": Phép lạ này đến từ đâu?
TikTok đại diện cho một kết tinh công nghệ đầu tiên của Trung Quốc khiến những thế lực hàng đầu thế giới như Facebook, YouTube phải chịu thua.
Thuật toán độc đáo
Thuật toán đề xuất nội dung của TikTok một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý sau khi Mỹ ra lệnh cho ByteDance phải bán công ty nếu không muốn đối mặt với lệnh cấm.
Không phải ngẫu nhiên TikTok được đánh giá cao về mặt công nghệ hơn tất cả các đối thủ như Instagram của Meta, YouTube và Snapchat của Google.
Điều này bắt nguồn từ thuật toán - thứ được coi là cốt lõi đối với hoạt động tổng thể của ByteDance và công ty này thà đóng cửa ứng dụng còn hơn phải bán cho người khác.
Các học giả và cựu nhân viên công ty cho biết không chỉ thuật toán mà còn cả cách ứng dụng hoạt động với định dạng video ngắn đã giúp TikTok thành công trên toàn cầu.
Trước khi TikTok xuất hiện, nhiều người tin rằng công nghệ kết nối xã hội người dùng là bí quyết tạo nên một ứng dụng mạng xã hội thành công, dựa trên sự phổ biến của Facebook và Instagram của Meta.
Nhưng TikTok đã cho thấy rằng một thuật toán, được thúc đẩy bởi sự hiểu biết về sở thích của người dùng, còn làm được nhiều hơn thế. Thay vì xây dựng thuật toán trên "biểu đồ xã hội" như Meta đã làm, các giám đốc điều hành của TikTok nói rằng thuật toán của họ dựa trên "tín hiệu quan tâm".
Catalina Goanta, phó giáo sư tại Đại học Utrecht cho biết, trong khi các đối thủ có thuật toán dựa trên sở thích tương tự, TikTok có thể tăng cường hiệu quả của thuật toán với định dạng video ngắn.
"Hệ thống đề xuất của họ rất phổ biến. Nhưng điều thực sự khiến TikTok trở thành một ứng dụng khác biệt là thiết kế và nội dung", bà cho biết.
Định dạng video ngắn cho phép thuật toán của TikTok trở nên năng động hơn nhiều và thậm chí có khả năng theo dõi những thay đổi về sở thích và mối quan tâm của người dùng theo thời gian, chi tiết cả việc người dùng bấm thích gì trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày.
Thu thập dữ liệu nhanh
Định dạng video ngắn cũng cho phép TikTok tìm hiểu sở thích của người dùng với tốc độ nhanh chóng, Jason Fung, cựu giám đốc bộ phận trò chơi của TikTok cho biết.
"Với định dạng video ngắn, bạn có thể thu thập dữ liệu về sở thích của người dùng nhanh hơn rất nhiều so với YouTube, nơi mà một video trung bình dài khoảng 10 phút", Fung nhấn mạnh, "Hãy tưởng tượng bạn phải thu thập dữ liệu về một người dùng trung bình cứ sau 10 phút so với cứ sau vài giây".
Và việc định vị TikTok là một ứng dụng được xây dựng cho thiết bị di động ngay từ đầu cũng mang lại lợi thế so với các nền tảng đối thủ vốn phải điều chỉnh giao diện từ màn hình máy tính.
Việc TikTok sớm tham gia vào thị trường video ngắn cũng mang lại cho công ty lợi thế đi đầu lớn. Instagram đã không ra mắt Reels cho đến năm 2020 trong khi YouTube chỉ ra mắt Shorts vào năm 2021, cả hai đều kém TikTok về kinh nghiệm phát triển sản phẩm và dữ liệu nhiều năm.
TikTok cũng thường xuyên đề xuất những nội dung nằm ngoài sự quan tâm của người dùng, điều mà ban lãnh đạo công ty nhiều lần cho rằng là cần thiết đối với trải nghiệm người dùng.
Một nghiên cứu được các nhà nghiên cứu từ Mỹ và Đức công bố vào tháng trước cho thấy thuật toán của TikTok "khai thác sở thích của người dùng trong 30% đến 50% video đề xuất" sau khi kiểm tra dữ liệu từ 347 người dùng TikTok và 5 bot tự động.
"Phát hiện này chỉ ra rằng thuật toán TikTok chọn đề xuất một số lượng lớn video mới để tìm hiểu tốt hơn sở thích của người dùng hoặc tối đa hóa khả năng giữ chân người dùng bằng cách đề xuất nhiều video nằm ngoài sở thích của họ", các nhà nghiên cứu cho biết.
Nguồn nhân lực lớn
Ari Lightman, giáo sư tại Đại học Carnegie Mellon, cho biết một chiến thuật hiệu quả khác mà TikTok đã sử dụng là khuyến khích người dùng thành lập nhóm công khai thông qua hashtag.
Bằng cách này, TikTok có thể tìm hiểu hiệu quả hơn về hành vi, sở thích, sự liên kết và hệ tư tưởng của người dùng.
Trong trường hợp TikTok bị cấm ở Mỹ, những gã khổng lồ công nghệ khác chắc chắn có khả năng sao chép TikTok bằng các sản phẩm của riêng họ, nhưng việc tái tạo văn hóa người dùng kiểu TikTok là thách thức lớn.
Thuật toán đề xuất của TikTok phần lớn cũng được lấy từ ứng dụng anh em Douyin của Trung Quốc, được phát hành vào năm 2016.
Mặc dù ByteDance thường nhấn mạnh rằng TikTok và Douyin là những ứng dụng riêng biệt nhưng các nguồn tin cho biết cả hai vẫn sử dụng thuật toán giống nhau cho đến tận ngày nay.
Không những vậy, AI của Douyin cũng được tăng cường nhờ khả năng tận dụng nguồn nhân lực ở Trung Quốc, khi công ty thuê nhiều người chú thích nội dung để gắn thẻ một cách cẩn thận tất cả nội dung và người dùng trên nền tảng.
"Vào khoảng năm 2018 và 2019, Douyin gắn thẻ mọi video clip theo cách thủ công. Sau đó, họ sẽ gắn thẻ người dùng dựa trên video mà họ đã xem", Yikai Li, quản lý tại công ty quảng cáo Nativex và là cựu giám đốc của ByteDance, cho biết. "Sau đó, họ cũng áp dụng chiến thuật này trên TikTok."
Mặc dù việc thuê người chú thích để gắn thẻ dữ liệu hiện là một phương pháp phổ biến và quan trọng đối với các công ty AI, nhưng ByteDance đã sớm áp dụng chiến lược.
"Việc này rất tốn công sức, vì vậy các công ty Trung Quốc có lợi thế ở đây. Họ có thể thuê người nhiều hơn nhờ chi phí rẻ so với các công ty Bắc Mỹ".