Lần đầu tiên ghép thành công tế bào gốc ở nhiệt độ -80 độ C cho bệnh nhân ung thư

Bài, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đã ứng dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc bảo quản ở -80 C thành công cho một bệnh nhân bị ung thư hạch.

Tin vui này được đại diện bệnh viện (BV) cho biết trong ngày 18-7. Cụ thể, sau thời gian được đào tạo chuyên môn ở Nhật Bản, tháng 6/2017, lần đầu tiên trên cả nước, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu tự thân bằng phương pháp bảo quản tế bào gốc ngoại vi, lưu trữ ở nhiệt độ -80 độ C. Và người bệnh đầu tiên được chữa bằng phương pháp này là ông Dương Văn Quang (50 tuổi, ngụ tại Bình Thuận)

Lần đầu tiên ghép thành công tế bào gốc ở nhiệt độ -80 độ C cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 1.

Bệnh nhân Dương Văn Quang.

Hồi phục "thần kỳ" nhờ công nghệ tế bào gốc

Ông Quang mắc bệnh ung thư hạch hệ lympho (giai đoạn IV). Trước đó, bệnh nhân bỗng dưng bị nổi hạch ở hai bên cổ, sau đó biến chứng khó thở, sốt và sụt cân trầm trọng. Sau khi được đưa đến BV Chợ Rẫy, các BS chẩn đoán ông bị ung thư hạch giai đoạn cuối. Nếu không ghép tế bào gốc để tạo máu, mạng sống người đàn ông khó đảm bảo.

Trước tình trạng nặng của bệnh nhân, các BS quyết định ứng dụng công nghệ tách tế bào gốc ngoại vi,bảo quản ở nhiệt độ -80 độ C vừa được Bộ Y tế cho phép thực hiện. Song song đó, bệnh nhân trải qua quá trình hóa trị theo phác đồ. Sau đó khi sức khỏe bệnh nhân ổn định, các BS tiếp tục tiến hành ghép tế bào gốc trở lại cơ thể người bệnh.

Lần đầu tiên ghép thành công tế bào gốc ở nhiệt độ -80 độ C cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 2.

Sau điều trị, bệnh nhân đã khoẻ khoắn trở lại.

Nhờ vậy, sức khỏe ông bình phục nhanh hơn rất nhiều so với những ca bệnh chỉ hóa trị thông thường. Đến ngày 18-7, bệnh nhân nhập viện tái khám trong tình trạng sức khỏe đã ổn định, thậm chí có thể làm việc trở lại như trước khi phát bệnh.

TS.BS Lê Hoàng Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Truyền máu, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ tế bào gốc đang phục vụ tích cực cho đời sống của con người trên nhiều lĩnh vực, trong đó tiêu biểu nhất là nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe y tế.

Lần đầu tiên ghép thành công tế bào gốc ở nhiệt độ -80 độ C cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 3.

Ông Quang là bệnh nhân đầu tiên được ứng dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc bảo quản ở -80 độ C.

"Trong lĩnh vực y tế, các kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân, ngoại lai, tế bào gốc cuống rốn, tủy xương đã điều trị nhiều bệnh lý ác tính của hệ tạo máu, ung thư hạch, đa u tủy, ung thư tạng đặc. Ngoài ra, tế bào gốc còn được ứng dụng để điều trị thoái hóa khớp, nhồi máu cơ tim, làm đẹp... Công nghệ tế bào gốc sẽ còn mang lại nhiều thành quả, giúp con người chống lại các loại bệnh hiểm nghèo mà hiện nay khoa học chưa tìm ra phương pháp điều trị" – BS Oanh cho biết.

Bước tiến mới

Tại khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân đã được triển khai từ năm 2013 trên 34 ca bệnh đa u tủy và ung thư hạch. Xét trên bình diện cả nước, kể từ sau sau ca ghép tế bào gốc đầu tiên vào năm 1995, đến nay đã có 10 bệnh viện triển khai kỹ thuật này với hơn 500 bệnh nhân được thực hiện.

Lần đầu tiên ghép thành công tế bào gốc ở nhiệt độ -80 độ C cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 4.

Trước đây phương pháp ghép tế bào gốc đều sử dụng nguồn tế bào bảo quản ở nhiệt độ -196 độ C

Theo các BS, trước đây phương pháp ghép tế bào gốc đều sử dụng nguồn tế bào bảo quản ở nhiệt độ -196 độ C.

"Kỹ thuật bảo quản tế bào gốc ở nhiệt độ âm sâu có ưu điểm giúp kéo dài thời gian bảo quản lên tới 20 năm. Tuy nhiên, nó có nhiều nhược điểm như chi phí đầu tư, vận hành thiết bị bảo quản rất lớn. Mặt khác, việc ghép tế bào gốc từ phương pháp bảo quản âm sâu -196 độ C gây ra nhiều tác dụng phụ như ảnh hưởng đến nhịp tim, huyết áp, và tốn khá nhiều thời gian ghép" - Phó khoa Huyết học BV Chợ Rẫy phân tích.

Lần đầu tiên ghép thành công tế bào gốc ở nhiệt độ -80 độ C cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 5.

Kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân đã được triển khai từ năm 2013 tại BV Chợ Rẫy.

Trước thực tế trên, các BS BV Chợ Rẫy đã quyết định hợp tác, học tập và chuyển giao kỹ thuật với BV Đại học Tsukuba (Nhật Bản), nơi đã ứng dụng thành công phương pháp bảo quản tế bào gốc ở nhiệt độ -80 độ C.

Với phương pháp này, thời gian lưu trữ kéo dài 5 năm, giảm khá nhiều chi phí (chỉ từ 20-50 triệu đồng so với 100 triệu đồng cho gạn tách, bảo quản ở -1960 C). Thời gian ghép diễn ra trong 1 giờ thay vì 3 giờ như trước và gần như chưa ghi nhận các trường hợp xảy ra biến chứng.

Lần đầu tiên ghép thành công tế bào gốc ở nhiệt độ -80 độ C cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 6.

Phương pháp mới mang nhiều điểm ưu việt, hứa hẹn sẽ mang lại kết quả tốt hơn cho người bệnh.

"Phương pháp này tiết kiệm được chi phí cho người bệnh. Đây là giải pháp hỗ trợ những trường hợp mắc các bệnh lý hiểm nghèo vượt qua bệnh tật. Tuy nhiên, kỹ thuật bảo quản ở nhiệt độ -196 độ C vẫn sẽ được duy trì để phục vụ những người có nhu cầu gửi tế bào gốc cho mục đích dự phòng bệnh tật" – các BS cho biết.

Ca bệnh đầu tiên được thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc ở nhiệt độ -80 độ C thành công đánh dấu bước tiến mới trong việc đẩy lùi bệnh tật, nhất là bệnh nhân mắc căn bệnh ung thư hiểm nghèo.

Chia sẻ