"Làm việc tại nhà", niềm mơ ước của nhiều bà mẹ công sở đang được chính phủ Nhật khuyến khích nhiệt tình
Ngay cả một quốc gia có văn hóa công sở truyền thống như Nhật Bản cũng khuyến khích "làm việc tại nhà" thì chắc hẳn những lợi ích mà xu hướng này đem lại là rất lớn.
Teleworking, thuật ngữ dùng để chỉ phương thức làm việc tại nhà hoặc trên đường chứ không phải tại công sở truyền thống, không còn là một khái niệm xa lạ đối với xã hội hiện đại, nhất là ở các nước phương Tây.
Tại Nhật Bản, trước việc hệ thống giao thông luôn trong tình trạng tắc nghẽn, có thể gây áp lực cho việc đi lại của người dân và cả du khách tới tham dự Thế vận hội Olympic 2020 ở Tokyo, chính phủ Nhật Bản đang ra sức khuyến khích các công ty cho phép nhân viên được làm việc tại nhà. Nếu được áp dụng phổ biến, có lẽ, người vui mừng nhất chính là những bà mẹ công sở có con nhỏ.
Theo số liệu thống kê, uớc tính mỗi ngày có hơn 40 triệu hành khách chen chúc nhau trên những chuyến tàu "chật như nêm" tới khu vực trung tâm Tokyo. Hiện tại, Tokyo được trang bị hơn 150 tuyến tàu điện ngầm, 1.510 nhà ga chạy qua lộ trình có độ dài tổng cộng lên tới 2.705 km. Thế nhưng, hệ thống giao thông công cộng khổng lồ này vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người dân và luôn ở trong tình trạng quá tải.
Các ga tàu điện ngầm ở Tokyo luôn trong tình trạng quá tải.
Đó là lý do khiến nhiều doanh nghiệp quyết định thử nghiệm "Ngày làm việc tại nhà" đầu tiên ở Nhật Bản diễn ra vào hôm 24/7 vừa qua.
Được biết, Olympic Games 2020 sẽ khai mạc ở Tokyo vào ngày 24/7/2020 nên chính phủ Nhật Bản đã quyết định chọn ngày này để phát động "Ngày làm việc tại nhà" với hi vọng, trong khoảng thời gian từ bây giờ tới lúc Thế vận hội chính thức bắt đầu, sẽ có thêm nhiều công ty công nhận lợi ích của xu hướng mới này.
Nhân viên công sở sẽ có thêm thời gian cho gia đình
Theo kế hoạch, Chính phủ yêu cầu các công ty khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà một phần để giảm tải cho hệ thống giao thông công cộng nhưng đồng thời cũng là để phục vụ lợi ích của chính bản thân người lao động.
Thay vì phải sấp ngửa lao ra đường, xô đẩy nhau trên những chuyến tàu nghẹt thở cho kịp giờ tới công sở, họ có thể tận dụng thời gian đó để thảnh thơi nhâm nhi một tách cà phê buổi sáng và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Ông Tatsuo Suzuki, nghiên cứu viên của Hiệp hội Làm việc từ xa Nhật Bản (Japan Telework Association, viết tắt là JTA) chia sẻ, Hiệp hội nhiệt liệt hưởng ứng sáng kiến này của Chính phủ và tin tưởng làm việc từ xa sẽ có tác động đáng kể đối với đời sống của người dân Nhật Bản.
Hình ảnh được chụp lại tại một công sở trong "Ngày làm việc tại nhà" đầu tiên được chính phủ Nhật Bản phát động.
"Đối với những bà mẹ trẻ, vừa đi làm vừa chăm sóc con quả là một vấn đề không nhỏ. Thế nhưng làm việc tại nhà có thể giúp họ tiết kiệm được thời gian di chuyển tới công ty, vừa có thể làm việc kiếm tiền mà vẫn chăm sóc được con nhỏ.
Các nghiên cứu cho thấy nhân viên làm việc từ xa có xu hướng đứng dậy nghỉ giữa giờ nhiều hơn nhưng hiệu quả công việc lại tốt hơn. Có thể họ sẽ rời màn hình máy tính để làm chút việc nhà rồi quay trở lại hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi coi đây là một điểm cộng nữa cho xu hướng làm việc tại nhà.
Teleworking sẽ khiến các thành viên trong gia đình có nhiều thời gian bên nhau hơn. Điều này cực kỳ có lợi cho xã hội Nhật Bản hiện tại", ông Tatsuo Suzuki cho biết.
Một số công ty cấp tiến đã sớm đưa ra một số hình thức làm việc từ xa linh động, tuy nhiên, không phải công ty Nhật nào cũng cởi mở đón nhận khái niệm này. Những doanh nghiệp bảo thủ cần thêm nhiều thời gian để đánh giá và kiểm chứng hiệu quả thực sự của mô hình này.
Để khuyến khích các doanh nghiệp vẫn khăng khăng giữ mô hình công sở truyền thống, JTA đang cố gắng thuyết phục Chính phủ đưa ra những ưu đãi về thuế đối với những công ty đạt được chỉ tiêu nhân viên làm việc từ xa theo quy định.
Mô hình giờ làm việc linh động: Tiềm năng và thách thức
Một trong những công ty đăng ký tham gia "Ngày làm việc tại nhà" đầu tiên ở Nhật Bản chính là hãng hàng không quốc gia Japan Airlines với hơn 32.000 nhân viên trên khắp cả nước.
Theo ông Jian Yang làm việc tại phòng Quan hệ công chúng của Japan Airlines, một số phòng ban của hãng đã áp dụng giờ làm việc linh động. Theo đó, nhân viên có thể làm việc bất cứ lúc nào thuận tiện hoặc có thể về sớm nếu đã hoàn thành xong công việc miễn là đảm bảo đủ số giờ đi làm mỗi tháng theo quy định.
Thay vì sấp ngửa tới văn phòng, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà để tiết kiệm thời gian đi lại và giảm tải cho hệ thống giao thông công cộng.
Đường phố Nhật Bản dường như cũng vắng vẻ hơn hẳn người thường vào "Ngày làm việc tại nhà" hôm 24/7. (Ảnh minh họa)
Japan Airlines đã áp dụng mô hình làm việc này bắt đầu từ năm 2016 và được nhân viên hưởng ứng nhiệt tình, bởi giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại hoặc laptop được kết nối mạng mọi người đều có thể làm việc hiệu quả mà không hề bị gò bó 8 tiếng tại công sở.
Tham gia trải nghiệm "Ngày làm việc tại nhà" hôm 24/7 vừa qua, công ty có thể đánh giá được những mặt lợi và hại của xu hướng này. Tuy nhiên, theo ông Yang dự đoán mô hình làm việc linh động không tác động xấu tới hiệu suất của nhân viên mà còn tăng mức độ hài lòng với công việc lên gấp nhiều lần.
Đây cũng là cơ hội cho các công ty sáng tạo tận dụng để phát triển thị trường tiềm năng mới là cung cấp các phần mềm ứng dụng làm việc từ xa.
Mới đây, hãng Shiseido, ông lớn của ngành mỹ phẩm nội địa, vừa đưa vào sử dụng phần mềm mới cho phép những nhân viên nữ làm việc ở nhà phải tham gia họp trực tuyến lựa chọn một kiểu "trang điểm ảo" mỗi khi phải tham gia cuộc họp.
Phần mềm TeleBeauty được phát triển dựa trên ý kiến của một nhân viên nữ khi cho rằng chỉ để tham gia một cuộc họp từ xa ngắn ngủi mà cô ấy phải mất công ngồi nhà trang điểm thì thật vô lý.
Bên cạnh việc tiết kiệm thời gian di chuyển và giảm tải cho hệ thống giao thông, hiệu quả của hình thức làm việc từ xa cũng đã được chính phủ Nhật Bản công nhận sau trận động đất Tohoku kinh hoàng xảy ra hồi tháng 3/2011 ở nước này. Hình thức này giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được điện tại văn phòng mà vẫn vận hành công ty một cách trơn tru trong suốt thời gian xảy ra thảm họa.
Tuy làm việc từ xa không còn xa lạ gì đối với các công ty phương Tây nhưng nhiều công ty của Nhật vẫn tỏ ra e dè khi đón nhận xu hướng này.
Theo giáo sư Kumiko Nemoto, người chuyên nghiên cứu về lĩnh vực quản lý của trường Đại học Ngoại ngữ Kyoto, các công ty Nhật vẫn muốn duy trì văn hóa công sở truyền thống nơi họ có thể gặp mặt và tụ họp cùng nhau sau giờ làm. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng băn khoăn không biết sẽ đánh giá nhân viên thế nào nếu họ làm việc tại nhà.
Văn hóa công sở bấy lâu đã ăn sâu trong tiềm thức của người Nhật là một trở ngại trong quá trình áp dụng teleworking.
Không chỉ về phía công ty, ngạc nhiên thay, khó khăn khi triển khai mô hình làm việc từ xa còn có thể phát sinh từ phía nhân viên.
Mặc dù chính phủ Nhật Bản đã cố gắng khuyến khích người dân không làm việc quá sức với mong muốn giảm thiểu tỷ lệ tự sát do áp lực công việc đang tăng cao ở Nhật, nhiều nhân viên vẫn cảm thấy tốt hơn khi được ngồi tại công sở vì nếu mang việc về nhà họ sẽ không được trả tiền làm thêm giờ như trước đây nữa.
Chính phủ Nhật hiện đang tìm cách cắt giảm giờ làm thêm và đưa ra hình phạt với những người vi phạm. Một số công ty thậm chí còn đưa ra quy định tắt toàn bộ đèn điện vào một giờ nhất định để buộc nhân viên phải ra về.
Thế còn các chị em mình thì sao? Nếu các doanh nghiệp Việt Nam cũng hưởng ứng mô hình Teleworking thì phụ nữ chúng ta sẽ chọn ngày ngày sấp ngửa đưa con tới trường rồi phóng xe đến công sở hay làm việc tại nhà để có thêm thời gian cho gia đình và con cái?