Làm việc 4 ngày/tuần: Người dân Anh, Pháp hưởng ứng, người Bỉ không mấy mặn mà

Chuyển động 24h,
Chia sẻ

Nước Anh đã thử nghiệm mô hình làm việc mới ở quy mô lớn nhất thế giới, trong đó không yêu cầu người lao động làm 5 ngày mà rút ngắn chỉ còn đi làm 4 ngày mỗi tuần.

Chỉ làm việc từ thứ hai đến thứ năm, nghỉ thứ sáu. Đây là tấm biển thông báo giờ làm việc của công ty mỹ phẩm Five Squirrels của Anh. Người lao động của công ty tuần chỉ làm 4 ngày nhưng vẫn nhận đủ lương của 5 ngày. Bên trong nhà máy, không khí làm việc rất nghiêm túc. Để duy trì sự tập trung, họ không trả lời các cuộc gọi, email và tin nhắn trong 4 tiếng mỗi ngày. Công ty thử nghiệm mô hình lao động mới từ tháng 6 năm ngoái đến nay, kết quả rất khả quan, doanh thu tăng trưởng 40% trong khoảng thời gian này.

Ông Gary Conroy - Giám đốc, Đồng sáng lập công ty Five Squirrels, Anh cho biết: "Chúng tôi đo lường năng suất lao động dựa trên các chỉ số và khi bắt đầu mô hình làm việc mới thì các chỉ số này đều tăng trưởng rất đáng kể. Các nhân viên đều đạt được và một số còn vượt chỉ tiêu kế hoạch công việc đề ra. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng".

Người lao động phấn khởi thấy rõ trong mô hình làm việc mới này. Chị Lily là nhân viên bộ phận sản xuất, có thêm 1 ngày nghỉ mỗi tuần giúp chị duy trì tâm trạng tích cực trong suốt 4 ngày làm việc trong tuần. Chị nói: "Tôi rất thích kiểu làm việc này, tinh thần tăng lên và mọi người rất hào hứng vì biết rằng mình sẽ được nghỉ thêm thứ sáu. Chúng tôi dồn sức làm từ thứ hai đến thứ năm và cảm thấy thoải mái khi duy trì năng lượng lao động đó".

Làm việc 4 ngày/tuần: Người dân Anh, Pháp hưởng ứng, người Bỉ không mấy mặn mà - Ảnh 2.

Từ tháng 6 năm ngoái, Five Squirrels là một trong 70 công ty với khoảng 3.300 nhân viên ở Anh bắt đầu cuộc thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần. Thử nghiệm ban đầu chỉ kéo dài 6 tháng. Tuy nhiên sau khi đánh giá hiệu quả, Five Squirrels và hàng chục công ty khác thông báo tiếp tục duy trì mô hình làm việc kiểu mới này.

Làm việc ít hơn để sống tốt hơn

Theo khảo sát của công ty tư vấn Wildbit trên ít nhất 25 công ty áp dụng mô hình làm việc 4 ngày/tuần từ năm 2015, tức là đã có một thời gian trải nghiệm đủ dài, cho thấy mô hình này có một số ưu điểm mà trước hết phải nói đến là năng suất lao động cao hơn. Cụ thể, 64% số công ty cho biết năng suất người lao động được cải thiện, hơn một nửa số công ty tiết kiệm được chi phí. Phía doanh nghiệp cũng nhận thấy số ngày nghỉ ốm của nhân viên giảm đáng kể.

Thời gian chúng ta dành cho công việc chiếm tới 1/3 quỹ thời gian trong ngày, vậy nên nhiều công ty đặt con người là yếu tố ưu tiên. Với mô hình tuần làm 4 ngày, 78% số nhân viên cho biết là họ cảm thấy hạnh phúc hơn. Phần lớn người lao động cũng cảm thấy khỏe mạnh và đỡ căng thẳng hơn. Và hệ quả tích cực tất yếu là họ cũng sẽ yêu công việc hơn.

Mô hình mới cũng khiến một số doanh nghiệp tiết kiệm chi phí. Hãy lấy Microsoft làm ví dụ. Từ giữa năm 2019, nhiều đơn vị của tập đoàn Microsoft tại Nhật Bản đã nghỉ thêm ngày thứ sáu. Công ty cho biết, năng suất lao động tăng gần 40%. Công ty cũng tiết kiệm được đáng kể chi phí điện, nước và đồ văn phòng phẩm. Số giấy cần in giảm hơn 50% lượng điện tiêu thụ giảm hơn 23%.

Làm việc 4 ngày/tuần: Người dân Anh, Pháp hưởng ứng, người Bỉ không mấy mặn mà - Ảnh 3.

Với những ưu điểm như vậy, bên cạnh Anh thì một số nước đang thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày vừa làm vừa đánh giá xem liệu kết quả có thực sự tích cực không. Làm việc ít hơn để sống tốt hơn. Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng đây chính là tôn chỉ hoạt động của hai doanh nghiệp vừa và nhỏ ở miền Nam nước Pháp đang thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày.

Cách đây hai năm, sau một cuộc khảo sát nội bộ, công ty Radioshop đã quyết định thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày, tổng cộng 32 giờ đồng hồ mà vẫn giữ nguyên lương cho 31 nhân viên. Sau một thời gian, nhà quản lý nhận thấy năng suất lao động không những không giảm mà còn tăng lên đáng kể.

Bà Sandrine Da Silva - Giám đốc tài chính, Công ty Radioshop: "Với 32h/tuần, chúng tôi phải quản lý thời gian sao cho thật tốt để hoàn thành công việc một cách hiệu quả. Chúng tôi phải tập trung vào những việc cần làm, thật ra cũng hơi căng thẳng một chút đấy, nhưng đáng mà".

Ngoài ra, cách làm việc này còn mang lại giá trị gia tăng cho môi trường, khi tiết kiệm hơn 47.000 km hành trình di chuyển mỗi năm. Công ty Pro-Sima cũng đang thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày, nhưng có chút điều chỉnh. Đó là bắt đầu ngày làm việc sớm hơn 45 phút so với thông thường và giảm 1 tiếng nghỉ trưa.

Làm việc 4 ngày/tuần: Người dân Anh, Pháp hưởng ứng, người Bỉ không mấy mặn mà - Ảnh 4.

Ông Salim Dubuc - Kỹ thuật viên, Công ty Pro Sima: "Trước đây chúng tôi có 2 tiếng nghỉ trưa, giờ chỉ còn 1 tiếng. Chính ra làm vậy chúng tôi thấy mình tối ưu hóa thời gian tốt hơn, tập trung vào công việc, thay vì mất thời gian vào những việc không quá cần thiết".

Tây Ban Nha cũng thử nghiệm trong năm nay để xem tuần làm 4 ngày sẽ tác động thế nào đến năng suất lao động. Chính phủ dành ra 10 triệu Euro để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia mô hình thử nghiệm này, tuy nhiên phía doanh nghiệp phải nghiên cứu và áp dụng được cách làm mới, giúp giảm số ngày làm nhưng vẫn đảm bảo năng suất lao động.

Người Bỉ không quá mặn mà với mô hình 4 ngày/tuần

Ở châu Âu, Bỉ là quốc gia đầu tiên trong EU tiên phong cho phép người lao động lựa chọn mô hình làm việc. Nhân viên được tự do lựa chọn đi làm 4 hoặc 5 ngày/tuần, tuy nhiên người lao động không được bớt giờ làm. Thay vào đó, nếu chọn làm 4 ngày thì họ phải làm 9 tiếng rưỡi 1 ngày, nếu làm 5 ngày thì họ sẽ làm 8 tiếng.

Làm việc 4 ngày/tuần: Người dân Anh, Pháp hưởng ứng, người Bỉ không mấy mặn mà - Ảnh 5.

Tùy chọn làm việc 9 tiếng rưỡi một ngày trong 4 ngày hoặc 8 tiếng một ngày trong 5 ngày tại Bỉ không dành cho tất cả mọi người, chính sách này chủ yếu được thiết kế cho khu vực tư nhân. Khu vực công gồm các dịch vụ của chính phủ như quân đội, thực thi pháp luật, điều hành giao thông công cộng và giáo dục công cộng không thuộc phạm vi điều chỉnh. Yêu cầu phải đến từ nhân viên, người sử dụng lao động không thể bắt buộc nhân viên phải làm một tuần 4 ngày.

Tuy nhiên, kỷ luật lao động tại Bỉ và nhiều nước châu Âu rất nghiêm ngặt. Giờ làm của người lao động được hiểu là thời gian đứng máy, chưa tính thời gian đi lại, nghỉ giữa giờ, ăn trưa… Thực tế nếu làm 8h/ngày thời gian người lao động phải bỏ ra là khoảng 10-12 tiếng. Nếu tăng giờ làm từ 1-1 tiếng rưỡi một ngày thì với một số lĩnh vực, điều này sẽ gây áp lực về sức bền lao động với nhân viên.

Theo quan điểm của truyền thông địa phương, người sử dụng lao động và nhân viên không thực sự tán đồng lựa chọn làm việc mới này. Các công ty lo ngại tuần làm việc ít ngày nhưng nhiều giờ có thể gây ra những xáo trộn về tổ chức, trong khi các tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động lo ngại phương án này chỉ đơn giản là khối lượng công việc lớn hơn cho nhân viên trong phần còn lại của tuần.

Chia sẻ