Làm thế nào để vợ chồng hợp nhau?

Phương Nghi (t/h),
Chia sẻ

"Đám cưới nào cũng hạnh phúc cả, chỉ có cuộc sống chung sau đó là có nhiều rắc rối" (Raymond Hull).

Đúng vậy. Rắc rối thường xảy ra nhất có lẽ là sự bất đồng tâm lý và cách ứng xử giữa hai người. Có những bất đồng nho nhỏ về chuyện cơm ăn, áo mặc hằng ngày. Nhưng cũng có những bất đồng nặng nề liên quan những vấn đề lớn trong gia đình như chọn chỗ ở, thay đổi nghề nghiệp, giáo dục con cái, việc chi tiêu trong gia đình, việc dựng vợ gả chồng cho con cái vv. Tuy nhiên, trước những bất đồng, xung khắc, mâu thuẫn nào đó trong đời sống vợ chồng, nếu cặp đôi luôn có những nguyên tắc để hòa hợp thì mâu thuẫn nào cũng được giải quyết.

Làm thế nào để vợ chồng hợp nhau? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Thấu hiểu tâm lý của nhau

Nhiều khi chỉ vì không hiểu đặc điểm tâm lý của nhau mà gây cho nhau những thương tổn không đáng có. Đàn ông luôn cho rằng mình đúng, nguyên điều đó đã là một sự xúc phạm, vì người phụ nữ cảm thấy mình bị chồng coi thường. Trái lại khi người phụ nữ yêu một người đàn ông, họ thường tự cho mình có trách nhiệm giúp đỡ anh ta trong việc trưởng thành để sao cho anh ta làm mọi việc tốt hơn. Họ thường lập ra một "ủy ban cải tạo'' ở nhà và dĩ nhiên người chồng trở thành mục tiêu chính. Họ nghĩ rằng, họ đang chăm nom, săn sóc chồng, trong khi người đàn ông lại cảm thấy mình bị điều khiển như đứa trẻ con. Và để tỏ rõ bản lĩnh đàn ông, họ làm ngược lại những "chỉ bảo" của vợ. Thực ra, đàn ông không thích sự điều khiển đó, họ chỉ muốn được vợ chấp nhận.

Ngay cả cách thức yêu thương của đàn ông và đàn bà cũng không giống nhau. Cho nên vợ chồng phải biết yêu thương theo cách mà người kia cần chứ không phải theo cách mà mình muốn. Đàn ông nói chung mong muốn một tình yêu mà trong đó người phụ nữ tin tưởng, chấp nhận và đánh giá cao về họ. Còn trong tiềm thức, phụ nữ lại cần một kiểu tình yêu mà trong đó họ được quan tâm.

Bày tỏ rõ ràng điều muốn nói

Quan hệ vợ chồng không phải là trò chơi giải đố, có rất nhiều người (cả vợ và chồng) không dám bày tỏ mong muốn của bản thân, thậm chí là che giấu chúng, khi nửa kia chưa thể đáp ứng được nhu cầu chưa nói ra của mình thì sẽ cảm thấy rất thất vọng và phẫn nộ. Vợ chồng với nhau chỉ khi dựa trên cơ sở chân thành thì mới có thể xây dựng được mối quan hệ thân thiết, nửa kia không thể nào tự nhiên đoán trước được tâm tư của bạn. Đối với những người rất độc lập, việc mở miệng yêu cầu không phải là một việc dễ dàng, phải luyện tập nhiều hơn. Nếu bạn bày tỏ với đối phương: "Em/anh cần sự giúp đỡ của anh/em…" thì sẽ khiến người kia cảm thấy mình được xem trọng và có giá trị.

Giao tiếp khi không có áp lực

Khi cả hai vợ chồng đang làm việc và áp lực tài chính được đẩy lên cao trào, các cặp vợ chồng cảm thấy khó khăn trong việc lựa chọn thời gian để nói chuyện về các vấn đề. Hãy bố trí thời gian không bị gián đoạn để dành cho việc thể hiện cảm xúc và giải quyết các vấn đề gặp phải giữa hai vợ chồng là một điều tối quan trọng. Cố gắng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong khi bạn đang chịu áp lực, căng thẳng hoặc mệt mỏi và trong cái nóng giận của một cuộc tranh cãi sẽ rất hiếm khi mang lại hiệu quả.

Nhất định phải tôn trọng nhau

Các chuyên gia về tình yêu hôn nhân gia đình đều khẳng định là sự tôn trọng nhau giữa hai vợ chồng là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc duy trì một cuộc hôn nhân bền vững, thành công.

Sự kính yêu, tôn trọng nhau giữa đôi bạn luôn là bằng chứng cho thấy hai bạn thực sự yêu nhau và biết trân trọng nhau. Tôn trọng cái tốt, ưu điểm và cả cái không tốt, khuyết điểm của bạn đời. Có câu: "Yêu nhau trăm sự chẳng nề / Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng". Vợ chồng nào mà chẳng có những cái "lệch" nhau. Từ cá tính đến sở thích riêng tư, từ quan niệm sống đến cách đối nhân xử thế, từ thói quen tập quán đến văn hóa giao tiếp ứng xử vv… Nhân cách mỗi người hình thành từ nhiều yếu tố, do đó tạo nên sự khác biệt giữa người này với người kia.

Sự tôn trọng được diễn tả qua cách cư xử, qua lời ăn tiếng nói hằng ngày. Không phải chỉ tôn trọng nhau trong lúc thành công, thịnh vượng và mạnh khoẻ, trái lại trong lúc gian nan, thất bại và bệnh tật lại cần phải tôn trọng và nâng đỡ nhau hơn nữa. Tránh nói với nhau bằng những lời lẽ tục tằn, thô lỗ, hoặc nói xấu nhau với người thứ ba. Ngược lại, biết dành cho nhau những lời nói nhẹ nhàng âu yếm, những cử chỉ trân trọng, lịch sự, lễ độ, ‘tương kính như tân’.

Chia sẻ