Làm thế nào để đi Tết sếp mà không bị người đời dè bỉu, cấp trên vô tư đón nhận tấm chân tình?
Có một ranh giới mong manh giữa hối lộ cấp trên và gửi quà thay lời cảm ơn đến lãnh đạo. Đôi khi, sự nhập nhằng này có thể đẩy chúng ta đến những hiểu lầm không đáng có.
Hàng năm, khi bước sang tháng 12 Âm lịch, dân công sở khắp nơi bắt đầu rộn ràng "quà cáp". Siêu thị, cửa hàng bách hóa đông dần lên, đâu đâu cũng thấy người mua kẻ sắm. Hỏi ra mới biết, chẳng phải họ sắm Tết, vì mua từ bây giờ giá vẫn cao lắm, mà họ mua để kịp tặng quà cấp trên.
Có thể nhiều người sẽ há hốc mồm và đặt câu hỏi: "Tại sao phải mua quà Tết biếu sếp? Tính đút lót nịnh bợ hay gì?". Thế nhưng xin không bàn đến chuyện tham nhũng nhận hối lộ, việc cấp dưới tặng quà cấp trên ngày nay được xem như một hành động thay cho lời cảm ơn chân thành. Nhân viên hoàn toàn có quyền được tri ân những người đã mang đến công ăn việc làm cho mình, đã dạy mình những kỹ năng bổ ích trong cuộc sống.
Mặc dù vậy, sự nhập nhằng và hiểu lầm là điều khó tránh khỏi, do đó hãy trang bị cho mình những kiến thức thực tế cộng thêm hiểu biết về Luật pháp để không dính phải thị phi nha!
Tặng quà sếp có bị coi là vi phạm Pháp luật hay không?
Theo Bộ luật hình sự 2015, điều 364 có ghi quy định về tội đưa hối lộ như sau:
Người nào trực tiếp hoặc qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 02 - 100 triệu đồng cho người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Căn cứ quy định nêu trên, nếu cán bộ, công chức biếu quà sếp cho cấp trên với động cơ, mục đích để cấp trên làm hoặc không làm một việc nào đó vì lợi ích của mình, với mức quà tặng từ 02 triệu đồng trở lên sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hối lộ. Người nhận quà cũng có thể bị xử lý hình sự về tội Nhận hối lộ (Điều 364).
Trong trường hợp biếu quà Tết dưới 2 triệu đồng, dù chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cán bộ, công chức tặng quà và cán bộ, công chức nhận quà cũng có thể bị xử lý kỷ luật.
Như vậy, có thể hiểu đơn giản, khi bạn đưa một món quà cho sếp và cấp trên làm việc gì đó để giúp bạn đạt lợi thế, thăng quan tiến chức thì hành động ấy được tính vào hối lộ. Còn nếu chỉ tặng quà bình thường mà không mục đích vụ lợi gì, điều đó là trong sạch.
Nên tặng quà sếp như thế nào để tránh tình ngay lý gian?
Vẫn biết bạn chẳng có mưu đồ gì, nhưng biết đâu đồng nghiệp biết chuyện này và loan tin xấu tới toàn thể công ty thì sao? Bạn hẳn sẽ gặp rắc rối và sếp cũng chẳng thể hài lòng nhận quà. Do đó, hãy tuân thủ những quy tắc dưới đây trong chuyện biếu quà cho sếp dịp Tết này nhé!
Xác định mục tiêu tặng quà cấp trên và tìm hiểu rõ nội quy công ty
Trước hết, chị em công sở cần biết mình tặng quà cấp trên là vì đâu. Đồng thời hãy thể hiện một thái độ đúng đắn để sếp biết chúng ta tặng quà dựa trên mối quan hệ bạn bè quý mến nhau chứ không nhằm mục đích đen tối gì liên quan tới công việc.
Nếu bạn làm cho một công ty nước ngoài, đừng bao giờ quên luật chống tham nhũng quốc gia áp dụng cho các loại hoạt động bất cứ nơi nào trên thế giới. Bên cạnh đó, văn hóa công ty mỗi nơi một khác, tốt nhất trước tiên bạn cần tìm hiểu kỹ mọi thông tin liên quan như: Nhân viên có thường tặng quà sếp không? Nếu có thì là loại quà gì? Điều này đã từng có tiền lệ và có khi nào trái với mong muốn của nhân viên hay chưa?
Nói tóm lại, hãy lựa sếp mà làm. Nếu cảm thấy đủ thân thiết với sếp, thử "lách luật" một lần xem sao, vì dù gì chúng ta cũng không có ý đồ vụ lợi mà!
Lựa chọn thời gian, không gian phù hợp
Tốt hơn hết là chị em công sở nên tặng quà trực tiếp trao tận tay. Và đặc biệt nên chọn địa điểm vắng người, ví dụ như tại nhà riêng của cấp trên. Tuyệt đối không tặng quà sếp chỗ đông người ở cơ quan, rất dễ khiến sếp ngại với các nhân viên khác. Thậm chí, bạn còn có thể bị đồng nghiệp dè bỉu vì chơi chiêu trò để được sếp quý mến. Mặt khác, thời điểm hợp lý để đi tặng quà sếp là giữa tháng 12 Âm lịch, lúc ấy sếp chưa quá bận và bạn có thể đến vào cuối tuần khi sếp ở nhà.
Thái độ khi tặng quà cấp trên
Phong thái tặng trang trọng và lịch sự, tỏ rõ tấm lòng tốt đẹp của chị em. Món quà kèm theo tấm thiệp hay lời nhắn gửi viết nắn nót sẽ giúp người nhận hiểu được thiện chí của bạn. Món quà cùng những lời cảm ơn chân thành trong tấm thiệp chắc chắn sẽ tạo ra một ấn tượng tốt để xây dựng mối quan hệ lâu dài.
Luôn luôn đảm bảo rằng món quà của chị em không quá lớn để bị hiểu nhầm là hối lộ. Chị em còn có thể áp dụng 1 quy tắc ngầm trong chuyện tặng quà. Đó là bạn tặng riêng những sếp nhỏ ở trong nhóm, còn với quản lý lớn hơn, cấp cao hơn thì tặng quà theo tập thể. Như vậy sẽ chẳng ai nói bạn là hối lộ "chui" một mình. Làm vậy còn được lòng các đồng nghiệp rất nhiều đó, bởi ai cũng nghĩ bạn chu đáo và biết lễ phép cho người khác.
Nói chuyện gì khi đến nhà biếu quà sếp?
Hãy trò chuyện một cách cởi mở về gia đình, cuộc sống cá nhân, những dự định cho Tết này. Chớ nên bàn chuyện công việc rất dễ bị hiểu nhầm, đặc biệt không dông dài câu chuyện làm mất thời gian của sếp. Bởi Tết thì ai cũng bận, bạn càng ngắn gọn súc tích trong cuộc đối thoại càng tốt.
Hãy thật tỉnh táo, kín đáo và tinh tế để hành động tặng quà sếp dịp Tết sẽ là một cử chỉ tốt đẹp chứ không phải ý đồ thâm hiểm nha!