Làm ơn đừng gò ép, hãy để con tự khám phá và trưởng thành, rồi con sẽ ổn thôi

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Khi thấy con không có đam mê hay động lực để theo đuổi mục tiêu gì, nhiều cha mẹ thường cố gắng định hướng, thậm chí tạo áp lực để con phải muốn làm hay có được một thành tựu nào đó.

Là tác giả cuốn "Con mình chẳng lẽ lại vứt"; "Thế bây giờ mẹ muốn cái giề?", đồng thời có nhiều bài viết chia sẻ về vấn đề nuôi dạy con, một trong những câu hỏi mà Tiến sĩ Cherry Vũ nhận được là: Em băn khoăn việc tạo động lực cho con, ví dụ con em bơi tốt, nhưng không mặn mà với việc bơi. Con nhảy cũng rất ổn, nhưng cũng chẳng mặn mà. Kiểu cái gì cũng "lớt phớt" một chút. Động viên đi thi cọ xát nhưng hiếm hoi lắm mới chịu đi. Hay đăng kí thi rồi nhưng gặp hơi khó là bỏ luôn.

Một bà mẹ khác cũng cùng mối quan tâm về việc "tạo động lực" và "xác định mục tiêu trong cuộc sống" vì chị ấy cảm nhận rằng các con mình đang hơi "vật vờ", đi đến đâu tính đến đó.

Làm ơn đừng gò ép, hãy để con tự khám phá và trưởng thành, rồi con sẽ ổn thôi- Ảnh 1.

Tiến sĩ Cherry Vũ

Chị Cherry đã chia sẻ rằng các con nhà mình cũng thế. Không phải lúc nào chúng cũng biết mình muốn gì và có mục tiêu nhưng mình chẳng sốt ruột cũng chẳng cố gắng thay đổi điều này. Thậm chí khi con tỏ ra lo lắng hay hoang mang về tương lai, chị Cherry thường nói với chúng:

- Đi tới đâu tính tới đó. Điều quan trọng là con cố gắng làm tốt nhất những gì có thể bây giờ. Nếu con làm tốt những gì cần làm ở hiện tại thì tương lai chẳng có gì đáng lo lắng, kiểu gì con cũng ổn. Vậy nên thay vì luôn bị áp lực phải đạt được thành tựu to lớn, các con của chị thực sự biết tận hưởng và luôn cố gắng làm tốt những gì cần làm trước mắt.

"Tôi nghĩ, chúng ta cũng từng là những đứa trẻ và khi còn nhỏ không phải ai trong số chúng ta cũng có đam mê hay động lực rõ ràng. Tôi đoán là đến giờ này khi đã là cha mẹ cũng có rất nhiều người đang sống không có mục tiêu và động lực, cũng chẳng biết mình thực sự muốn gì. Con cái chúng ta cũng vậy thôi, ai cũng cần thời gian và cơ hội để khám phá bản thân", chị nói.

Từ kinh nghiệm của mình, TS nhận thấy động lực xuất hiện tự nhiên khi con:

- Được tiếp xúc với nhiều hoạt động và lĩnh vực khác nhau.

- Tự do trải nghiệm mà không sợ bị phán xét hay ép buộc.

- Cảm nhận được niềm vui và ý nghĩa trong những việc mình làm.

Nếu con nhảy đẹp nhưng không thích thi đấu chị sẽ tôn trọng điều đó. Có thể với con, niềm vui đơn giản là được nhảy tự do, không phải chứng minh điều gì hay cần thi thố với ai.

Đây là cách TS Cherry Vũ áp dụng cho các con:

Không biến động lực thành gánh nặng

Một số cha mẹ nghĩ rằng phải "truyền động lực" cho con bằng cách động viên, thuyết phục, thậm chí "hù dọa" về tương lai. Nhưng thực tế những lời nói kiểu: "Nếu con không cố gắng bây giờ, sau này hối hận cũng muộn" hay "Con phải có mục tiêu rõ ràng, không thì sẽ thất bại"... sẽ chỉ khiến con cảm thấy áp lực hơn chứ không giúp con tìm thấy động lực thật sự.

Nếu bạn thấy con đang "vật vờ", hãy thử học cách vật vờ cùng con xem sao.

"Vật vờ" không có nghĩa là buông xuôi, mà là đồng hành để con cảm nhận được rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng cần đi nhanh hay vươn xa. Chẳng có con sư tử nào đang đuổi theo con cả. Thực sự, đôi khi sống chậm lại để hiểu bản thân cũng rất cần thiết. Dù không có mục tiêu lớn lao xa vời, cứ làm tốt nhất những việc nhỏ trong hiện tại cũng là một cách sống ý nghĩa.

Dạy con giá trị của việc nỗ lực nhưng đừng áp đặt

Con có thể từ bỏ khi gặp khó khăn, không muốn thi đấu hay cọ xát, nhưng điều đó không có nghĩa con không biết nỗ lực. Nỗ lực không phải lúc nào cũng biểu hiện qua thành tích hay danh hiệu. Nó có thể là sự kiên trì trong những việc nhỏ nhặt hoặc sự cố gắng để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Tôi thường khích lệ con mỗi khi nhìn thấy những cố gắng nhỏ thay vì chỉ tập trung vào kết quả cuối cùng và mỗi khi con thất bại tôi không chê trách mà thường cổ vũ để con thử lại. Bạn hãy thử cách này xem, rất hiệu quả đấy.

Điều cuối cùng mà tôi cho là quan trọng nhất, đó là kết nối để hiểu con

Thay vì lo lắng về việc con thiếu động lực hay mục tiêu, hãy dành thời gian trò chuyện để hiểu con đang nghĩ gì, muốn gì và cảm nhận ra sao.

Tôi thường nói với các con: Hãy lắng nghe bản thân và tự đặt câu hỏi: "Điều gì khiến mình thấy vui và ý nghĩa?". Khi con cảm thấy được cha mẹ tôn trọng và thấu hiểu, con sẽ có đủ sự tự tin để khám phá và tìm ra con đường riêng của mình.

Cho đến giờ này tôi càng hiểu sâu sắc rằng điều quan trọng của cuộc sống là tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc. Hãy để con tự tìm thấy niềm vui và ý nghĩa theo cách của riêng mình. Là cha mẹ, chúng ta không phải là người tạo động lực, mà là người đồng hành để con tự xây dựng động lực từ bên trong.

Làm ơn đừng gò ép, hãy để con tự khám phá và trưởng thành, rồi con sẽ ổn thôi.

Chia sẻ