Làm giả quyết định phê chuẩn bắt giữ của Viện KSND Tối cao để đe dọa nữ sinh phải chuyển tiền
Sau khi gọi điện đe dọa, đối tượng lừa đảo còn gửi văn bản giả mạo của Viện KSND Tối cao cho một nữ sinh, để đe dọa buộc nạn nhân phải chuyển tiền 2 lần theo yêu cầu của đối tượng.
Ngày 8/5, chị L.T.A. (21 tuổi, ngụ quận 7, sinh viên một trường đại học quốc tế ở quận 7) cho biết, chiều 7/5, chị bất ngờ nhận điện thoại từ số +855886223995 gọi đến và một người đàn ông ở đầu dây bên kia tự xưng là cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao , nói chị liên quan đến đường dây rửa tiền .
Lúc này, chị A. nói bản thân không quen biết và liên quan thì người này tiếp tục đe dọa nữ sinh viên sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam, đồng thời đề nghị kết bạn qua zalo để trao đổi, gửi “Quyết định phê chuẩn lệnh bắt giữ hình sự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.
Theo nội dung “quyết định” của người lạ mặt gởi qua zalo, chị A. sẽ bị kiểm tra nguồn tài chính và nếu có dấu hiệu vi phạm thì nữ sinh viên sẽ bị bắt tạm giam 4 tháng. Trong gian đoạn điều tra, xét xử, chị A. không được phát tán, truyền tin, ngôn luận. Nếu chị A. vi phạm sẽ bị phạt tù có thời hạn từ 2-7 năm và phạt tiền 100 triệu đồng.
Người đàn ông này còn gửi giấy chứng nhận là điều tra viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao mang tên Hồ Đức Anh nhiệm kỳ 2020 - 2025, danh sách 5 người liên quan vụ án và đề nghị chị A. chuyển tiền vào số tài khoản 0389876451 mang tên Tran Thi Chi để kiểm tra, nếu không liên quan sẽ hoàn trả.
Do lo sợ, chị A. gửi hết số tiền hơn 1,4 triệu đồng vào tài khoản mà vị cán bộ cung cấp với nội dung “bàn giao kiểm kê”. Chuyển tiền xong, chị A. được đối tượng gửi cho “giấy chứng nhận tài sản” của Cục quản lý, giám sát ngân hàng .
Ít phút sau, chị A. tiếp tục bị các đối tượng gọi điện liên tục uy hiếp, yêu cầu chuyển thêm 10 triệu đồng để kiểm tra. Sợ bị “bắt giam”, chị A. vay mượn 10 triệu đồng từ những người bạn và chuyển vào số tài khoản trên với nội dung “tiền vay mượn từ bạn”.
Tưởng mọi chuyện đã êm xuôi, chị A. bị các đối tượng gọi điện thúc ép chuyển thêm tiền. Do hết sạch tiền và không thể vay mượn, chị A. thông báo cho gia đình thì mới hay bản thân bị kẻ gian lừa đảo .
Liên quan đến hình thức lừa đảo trên, Công an TPHCM khuyến cáo người dân phải hết sức thận trọng, bình tĩnh trước những thông tin đe dọa, uy hiếp và dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại.
Khi nhận được cuộc gọi tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án phải yêu cầu gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ đến Công an địa phương nơi mình đang cư trú.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để xác minh và nên khi có nghi vấn thì cần phải báo cho người nhà biết, thông báo cho cơ quan Công an gần nhất để xử lý.
Trường hợp người dân đã chuyển tiền cho các đối tượng thì phải báo cho ngân hàng phong tỏa ngay số tài khoản đã chuyển.