Làm gì khi bị chó cắn: những việc ai cũng cần biết để tránh hậu quả nghiêm trọng
Hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về cách sơ cứu khi bị chó cắn để phòng tránh các hậu quả nghiêm trọng khi không may rơi vào tình huống trên.
Chỉ mới đây, vụ việc bé trai 7 tuổi bị đàn chó 10 con cắn tới tử vong đang thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Trước đó, việc chó tấn công người gây nên những hậu quả nghiêm trọng đã từng xảy ra rất nhiều lần. Bên cạnh những trường hợp bị chó cắn gây ra vết thương nghiêm trọng, cũng có những người vì không biết sơ cứu đúng cách khiến cho hậu quả trở nên nặng nề. Chính vì thế, ngay từ bây giờ, hãy trang bị ngay cho mình các kiến thức sơ cứu khi bị chó cắn nhé!
Vệ sinh vết cắn
Đây là việc đầu tiên bạn cần làm để hạn chế đi những hậu quả nghiêm trọng từ vết chó cắn.
- Tách rời quần/áo với vết cắn nhằm hạn chế việc nước bọt của chó dính trên quần áo sẽ tiếp tục bám vào vết thương.
- Nhanh chóng rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy mạnh. Nếu có thể, bạn hãy sử dụng nước ấm, rửa bằng xà bông, nước muối hoặc dung dịch sát trùng. Tuy nhiên, hãy rửa thật nhẹ nhàng, tránh chà xát vì sẽ khiến cho vết thương tổn thương nghiêm trọng hơn.
Kiểm tra tình trạng vết cắn
Sau khi đã rửa sạch vết thương, các bạn cần kiểm tra ngay xem tình trạng của vết cắn ở mức độ nào để có hướng xử lý phù hợp.
- Nếu vết thương chỉ bị trầy xước nhẹ bên ngoài da thì có thể tự băng bó tại nhà. Tuy nhiên, hãy lưu ý không băng bó quá chặt vì sẽ khiến máu khó lưu thông.
- Nếu thuộc các trường hợp như dưới đây, hãy tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế ngay để được xử lý kịp thời:
+ Vết cắn sâu trên 2cm.
+ Vết cắn gần vùng đầu, cổ hoặc bộ phận sinh dục.
+ Sau 15 phút mà vết cắn vẫn chảy máu không ngừng.
+ Có quá nhiều vết cắn.
Trong các trường hợp này, các bạn vẫn cần nhanh chóng sơ cứu và băng bó rồi đưa tới cơ sở y tế để tránh bị mất máu quá nhiều.
Theo dõi con chó
Việc theo dõi con chó sau khi bị nó cắn là vô cùng quan trọng. Hãy theo dõi ít nhất là 15 ngày, nếu thấy con chó phát bệnh thì bạn cần tới gặp bác sĩ ngay để có hướng xử lý kịp thời. Còn nếu con chó đó là chó lạ hoặc chó hoang và không thể theo dõi thì tốt nhất chúng ta hãy báo ngay với bác sĩ để có các biện pháp phòng tránh hậu quả.
Một số trường hợp nên đi tiêm phòng ngay nếu bị chó cắn
Nếu bạn rơi vào một trong các trường hợp dưới đây, tốt nhất hãy liên hệ ngay với bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được khám chữa kịp thời và tiêm phòng:
- Con chó cắn bạn là chó đang phát bệnh, có các dấu hiệu như mắt đỏ ngầu, chảy nước dãi, sùi bọt mép, hoặc nhìn buồn bã...
- Con chó cắn bạn là chó hoang, chó lạ.
- Khu vực bạn bị chó cắn nằm gần hoặc trong vùng đang có dịch bệnh chó mèo.
- Bị cắn quá nhiều vết hay vết cắn quá nặng.
- Người bị cắn đang mắc các bệnh về gan, tiểu đường, ung thư, HIV thì hãy báo ngay với cơ sở y tế nhé!