Biến không gian cũ thành mới không nhất thiết phải cải tạo lại toàn bộ ngôi nhà. Những thay đổi nhỏ đã được KTS đề cập đến như màu sơn tường, sửa sang nội thất..., tuy nhiên kể cả những giải pháp đơn giản như vậy cũng cần phải có kế hoạch cụ thể.
1. Màu tường:
Hầu hết các gia chủ đều nhận thấy cách làm mới nhà đơn giản và nhanh nhất là thay đổi màu sơn tường cho phù hợp với cảm hứng, ý tưởng mới. Không chỉ thay đổi ở một không gian chung nhất định nào đó mà với tất cả các phòng chức năng khác nhau cũng nên “tút tát” lại cho ngôi nhà thêm sống động. Nếu có điều kiện, sử dụng giấy dán tường để tạo hiệu quả thú vị và giúp che bớt những khiếm khuyết của tường. Hiện nay, xu hướng đang lên ngôi là những bức tường kẻ sọc, hoa văn hoặc các mảng đan xen tạo cảm giác vui tươi và trẻ trung.
Còn nếu lựa chọn sơn tường, theo KTS. Nguyễn Sỹ Triệu, màu sơn tường bao giờ cũng là nền của những cung bậc màu sắc còn lại trong nhà. Khi lựa chọn được một gam màu nhất định làm sơn tường thì những màu sắc còn lại của nội thất như thảm, sofa, rèm… đều phải được tính toán theo một tỉ lệ nhất định để có được sự hài hoà, sắc nét. Màu tường thường là những gam màu trung tính hoặc những màu sắc tươi mới nhưng sử dụng ở sắc độ nhẹ bởi những màu đậm quá thường gây cảm giác nặng nề, tối tăm và quan trọng là khó kết hợp với những gam màu khác để đạt được sự thanh thoát, tinh tế.
2. Sự liên kết giữa trần nhà và sơn tường
Nếu so sánh những thiết kế trước đây và hiện nay có thể thấy rõ sự thay đổi trong thiết kế nội thất, đặc biệt là trần nhà theo xu hướng hiện đại. Đơn cử là nếu thời gian trước trần nhà chủ yếu thiết kế đóng viền quanh hay giật cấp, khoét tròn… thì giờ đây mỗi nhà lại có những kiểu trần riêng cá tính và độc đáo. Từ việc xẻ rãnh, tạo khối lạ mắt cho đến phối hợp với tranh kính màu, tấm kim loại…. đều khá độc đáo và đa dạng.
Do được phá cách từ khâu thiết kế nên màu sắc cũng không còn “độc đinh” là một màu trắng như trước nữa mà có thể là các màu nhạt khác. Trần cao nếu cần tạo sự ấm cúng có thể sơn trần đậm hơn màu tường, đóng dần gỗ lên trần theo kiểu nhà xưa. Một không gian thấp và hẹp, nếu muốn tạo cảm giác thoáng rộng thì nên dùng màu sáng và không có ranh giới rõ rệt giữa trần với tường.
Với những gia chủ thích chơi ánh sáng thì kiểu trần không quan trọng bằng kiểu đèn, chính xác hơn là cách thức chiếu sáng cho trần phải đẹp và hài hoà với trần cũng như các thành phần khác của từng phòng. Theo phong cách này, trần thường làm phẳng và ít lồi lõm để làm hậu cảnh cho đèn thể hiện tốt hơn, cũng là giúp gia chủ dễ thay đổi kiểu đèn khi có mẫu mới xuất hiện.
3. Tránh sự tẻ nhạt không đáng có
Phong cách “tông xuyệt tông” tức đồng bộ từ màu sắc tới nội thất là giải pháp nếu gia chủ muốn tạo một không gian nhẹ nhàng, thú vị. Tuy nhiên, phong cách này cũng gây phản tác dụng nếu gia chủ hiểu và áp dụng theo một cách sơ sài. Theo KTS. Nguyễn Văn Thành, một căn phòng chỉ một gam màu duy nhất như xanh lơ từ sơn tường, nệm sofa, thảm hay rèm sẽ khiến không gian thiếu nét tinh tế, lâu ngày lại trở nên ảm đạm, không có sự phá cách và ấn tượng. Thay vào đó, cũng cùng một tông màu các gia chủ có thể sử dụng nhiều sắc độ khác nhau từ đậm đến nhạt, hoa văn khác nhau như kẻ sọc, caro, chấm bi….nhằm tạo cảm giác lạ mắt, cuốn hút thị giác.
Ngoài ra, không nên cứng nhắc trang bị cho cả căn phòng đồ gỗ đồng bộ. Các phong cách khác nhau sẽ bổ sung cho nhau, có thể chỉ là tương đồng với nhau ở màu gỗ, nét hoa văn hay tỷ lệ. Nếu một thứ nào đó không phù hợp về kích thước hoặc phong cách thì có thể làm dịu đi bằng các loại gỗ, đệm trang trí có sắc thái hoà hợp đặt rải rác, hoặc chọn hoa văn rèm cửa, vải phủ có những gam màu liên kết, sẽ thu hút sự chú ý hơn.