Làm đẹp hạt dưa bằng... nhớt thải

,
Chia sẻ

Để tăng độ bóng sản phẩm, cứ 100 kg hạt dưa cơ sở sản xuất trộn thêm 2/3 lít nhớt, bình quân mỗi ngày đưa ra thị trường 300-400 kg thành phẩm...

Sáng qua 15.1, tại cơ sở sản xuất hạt dưa của hộ kinh doanh Hà Thị Thanh Thơm (thôn Khánh Thành Nam, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Khánh Hòa tiến hành lấy mẫu hạt dưa, mẫu nước thải... để trưng cầu giám định. Trước đó, chiều 14.1, khi tiến hành kiểm tra, cảnh sát môi trường phát hiện cơ sở này có rất nhiều sai phạm.

Dùng xút, dầu nhớt chế biến hạt dưa

Khi tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến hạt dưa của bà Thơm ở xã Suối Cát, đoàn kiểm tra ghi nhận môi trường sản xuất không đảm bảo vệ sinh, công nhân làm việc không có bảo hộ lao động, nước thải không qua xử lý chảy ra một khu vườn gần đó... Tại thời điểm kiểm tra có 3-4 tấn hạt dưa nguyên liệu (nhiều bao hạt dưa đã mốc), khoảng 800 kg hạt dưa thành phẩm; các phụ gia gồm khoảng 60 lít nhớt, 15 kg phẩm màu, 400 lít dầu ăn. Chủ cơ sở sản xuất cho biết, hạt dưa nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc (có chứng từ nhập khẩu), mua của Công ty TNHH T.H ở xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Tháng 11.2009, cơ sở này đã mua 31 tấn hạt dưa nguyên liệu.
 
Kiểm tra nơi chế biến hạt dưa.
 
Theo một số công nhân, trong quá trình chế biến, hạt dưa không sạch được ngâm nước xút (NaOH) để tẩy tạp chất, sau đó rửa bằng nước sinh hoạt. Ngoài ra còn sử dụng dầu nhớt (chưa qua sử dụng) và phẩm màu làm phụ gia chế biến hạt dưa. Để tăng độ bóng sản phẩm, cứ 100 kg hạt dưa công nhân trộn thêm 2/3 lít nhớt. Bình quân mỗi ngày cơ sở này sản xuất 300-400 kg hạt dưa thành phẩm, bán cho một số người kinh doanh ở các chợ lân cận và chợ Thành (thị trấn Diên Khánh); đại lý T.N trên đường Ngô Gia Tự và đại lý B.D trên đường 23-10, TP Nha Trang.

Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết đã tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở chế biến hạt dưa vi phạm, trưng cầu giám định mẫu hạt dưa thành phẩm, mẫu nước xút tẩy hạt dưa, mẫu nhớt và mẫu phẩm màu làm phụ gia... để có căn cứ xử lý vụ việc trên; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Cơ sở dời đi, giấy chứng nhận vẫn cấp!

Theo tin ban đầu, cơ sở sản xuất của bà Thơm hoạt động từ năm 2001, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ghi địa chỉ tại thôn Phú Khánh Hạ, xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Tháng 10.2008, địa điểm sản xuất được chuyển đến thôn Khánh Thành Nam, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm và cơ sở sản xuất mới này không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, dù cơ sở sản xuất của bà Thơm tại xã Diên Thạnh không còn hoạt động từ lâu, nhưng các giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp ngày 15.12.2009, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cấp ngày 6.1.2010 vẫn ghi địa chỉ ở xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh. Một cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Khánh Hòa giải thích rằng: “Chúng tôi thẩm định tại đâu thì cấp giấy chứng nhận tại đó”. Song, không biết cơ quan này thẩm định ra sao khi cơ sở đã dời đi nơi khác?
 
Theo Thanh Niên
Chia sẻ