Làm dâu gia đình nề nếp

,
Chia sẻ

Điều làm tôi cảm phục nhất ở họ, đó là sự hoà thuận, kính trên nhường dưới, từ anh chị em ruột cho đến dâu, rể trong nhà.

Kính trên nhường dưới

Tôi là cháu dâu đầu tiên của đại gia đình họ Trịnh 11 người con. Dần dà tôi cũng hiểu được tính cách của các cô chú bên nhà chồng.

Điều làm tôi cảm phục nhất ở họ, đó là sự hoà thuận, kính trên nhường dưới của tất thảy mọi người, từ anh chị em ruột cho đến dâu, rể trong nhà, cho dù mỗi người đều có một địa vị xã hội, công việc và kinh tế khác nhau.

Trong số họ, có người đảm nhiệm cương vị giám đốc, chi cục trưởng, tham tán thương mại, bác sĩ, giáo sư nhưng cũng có người chỉ là công chức bình thường, nhưng họ luôn cư xử với nhau rất bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

Bác cả của gia đình như đầu tàu, dẫn dắt đại gia đình, là người đưa ra quyết định cuối cùng nhưng lại không hề cư xử theo cách gia trưởng, không áp đặt, không lấn lướt, rất bình đẳng và luôn lắng nghe ý kiến của các em. Vì thế mà mọi công to việc lớn trong gia đình đều được mọi người thống nhất, răm rắp bảo nhau thực hiện, người trên bảo người dưới nghe, tuyệt nhiên không có kiểu “cá mè một lứa” bao giờ.
 

Chia ngọt sẻ bùi

Sau này, tôi cũng cảm nhận được sức mạnh tạo nên sự hoà thuận trong đại gia đình nhà chồng chính là sự sẻ chia, cảm thông với nhau.

Về mặt kinh tế, người khá giả giúp đỡ, cưu mang người còn khó khăn, người có địa vị giúp đỡ người chưa ổn định công việc. Không ai khác, cả hai anh em chồng tôi là những người được hưởng sự quan tâm nhiều nhất.

Toàn bộ tiền học phí của cả chồng và cậu em chồng tôi trong những năm học đại học đều do người chú sống và làm việc ở TPHCM chu cấp. Cho đến khi chồng tôi tốt nghiệp đại học, cũng chính chú là người gửi từ miền Nam ra cho chồng tôi một chiếc xe máy làm phương tiện đi làm.

Những năm 90 ấy, chiếc xe máy là một tài sản tương đối lớn. Ngày lễ, Tết, biết hoàn cảnh gia đình chồng tôi khó khăn nhất, cả bố mẹ chồng tôi đều là công chức bình thường, đồng lương chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày cộng với 2 đứa con còn đang đi học nên mỗi người một tay, tế nhị giúp đỡ gia đình chồng tôi.

Trong gia đình, hễ có ai bị hoạn nạn, ốm đau gì, không phân biệt dâu, rể, mọi người lại xắn tay vào giúp đỡ, phân chia công việc, cắt cử người trông nom. Có lần, chính thím dâu trong nhà đã bật khóc khi nói lời cám ơn mọi người đã tận tình chăm sóc cho thím trong những ngày nằm viện điều trị, nhất là khi cả 2 con của thím còn nhỏ dại.

Hồi bà nội ốm nặng hơn một năm trời, ngần ấy người con ruột, dâu, rể của bà tự phân công nhau trông nom, người lo thức ăn, người lo tắm rửa, người lo thuốc thang, mỗi người một chân một tay bảo ban nhau thực hiện. Người này bận thì nhờ người kia, người ở xa không về được thì nhờ người ở gần gánh vác thay trách nhiệm mà không một lời ca thán, tị nạnh nhau.

Nhiều người hàng xóm sang thăm, rỉ tai bà tôi nói rằng “cụ quả là người có phước lớn, con đàn cháu đống mà hoà thuận hiếm thấy”.

Đoàn kết một lòng

Nhiều lần tôi được nghe các cô chú kể lại những câu chuyện thời khốn khó. Bà nội tôi sinh liền 11 người con, ông nội mất sớm khi chú út còn nhỏ. Một tay bà tần tảo nuôi dạy các con khôn lớn.

Nhưng điều may mắn và hạnh phúc lớn lao nhất của bà có lẽ là đã sinh thành và dạy dỗ 11 người con hiếu thảo, hết mực thương yêu, đùm bọc nhau.

Nghe nói, để giúp đỡ mẹ và chăm sóc các em, những bác lớn tuổi trong gia đình trước đây đã vừa phải đi học, đi làm xa để kiếm tiền cùng mẹ nuôi các em ăn học. Các em gái, ngoài giờ đi học lại nhận đồ về nhà làm thêm, đan áo len thuê tối ngày kiếm tiền trang trải thêm cho sinh hoạt chung của cả gia đình.

Có lẽ sự thương yêu và đùm bọc nhau từ thuở hàn vi ấy là nền móng vững chắc tạo nên những giá trị gia đình đáng tự hào sau này.

Tôi nghĩ, cách sống của họ, suy nghĩ và tấm lòng của họ góp phần tạo nên truyền thống gia phong của một đại gia đình đông đúc như vậy nhất là trong xã hội hiện nay, khi những giá trị tinh thần bị xem thường, giá trị đạo đức và những mối quan hệ gia đình dần bị xáo trộn.
 
Theo TGPN
Chia sẻ