Lại đề xuất thiến hóa học, gắn chip với tội phạm xâm hại tình dục trẻ
“Tội phạm hiếp dâm trẻ em cần bổ sung thêm hình phạt thiến hóa học, gắn chíp theo dõi, hoặc đeo vòng tay để người dân nhận diện phòng tránh và giám sát”, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn luật sư TPHCM) đề xuất tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em, do Ủy ban Quốc gia về trẻ em tổ chức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đầu tiên về công tác bảo vệ trẻ em.
Theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, hiện ở Mỹ, Indonesia đã gắn chíp quản lý tội phạm hiếp dâm trẻ em sau khi mãn hạn tù. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu áp dụng một số biện pháp quản lý tội phạm dâm ô trẻ em 24/24h.
Luật sư Ngọc Nữ cho rằng, hiện nay quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em còn bất cập, như việc lấy lời khai của trẻ em tương tự người lớn, trong khi các em nhớ kém, lời khai lần trước khác lần sau. Ngoài ra, khi có tố giác đối tượng xâm hại tình dục trẻ em, việc thu thập chứng cứ thường chậm. Điều này dẫn tới khởi tố vụ án hết sức khó khăn vì thiếu chứng cứ, trễ chứng cứ…
Dẫn chứng trường hợp hai em gái sinh đôi 5 tuổi bị hàng xóm hiếp dâm ở Bình Chánh, TPHCM, bà Lữ cho biết, cơ quan công an mời hai cháu lên lấy lời khai nhiều lần, mỗi lần lấy lời 2 cháu không thể nhớ chính xác, rõ ràng nên lời khai khác nhau. Từ đó, cơ quan công an cho rằng lời khai bị hại bất nhất, nên đưa ra nhận định người bị tố không phạm tội.
Bà Lữ kiến nghị cần có quy trình tố tụng thân thiện. Cụ thể, quy định về số lần và cách thức lấy lời khai bị hại là trẻ em, tránh trường hợp lấy lời khai nhiều lần. Bên cạnh đó, quy định quy trình tố tục cần thuận tiện, nhanh chóng, dễ dàng hơn, đặc biệt công tác giám định để thu thập chứng cứ đối với các tội xâm hại trẻ em. Ngoài ra, phải tăng nặng hình phạt với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em.
Theo thống kê của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng công an đã xác minh, điều tra xử lý hình sự 538 vụ và 579 đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những thành quả đạt được trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em thời gian qua, trong đó Việt Nam là quốc gia đầu tiên của châu Á phê duyệt Công ước của Liên hợp Quốc về quyền trẻ em.
Tuy vậy, theo Thủ tướng, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em còn nhiều vấn đề đặt ra, đặc biệt là nạn bạo hành, xâm hại trẻ em còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, có tới 17 cơ quan được giao chức năng chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, công việc này chưa được quán triệt chặt chẽ, liên tục trong thời gian qua. Một số cơ quan, đặc biệt cấp địa phương, chưa bố trí nhân lực, kinh phí tương xứng để thực hiện công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải quán triệt tinh thần bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn nữa. Đồng thời, công tác phổ biến, thực thi pháp luật tới xử lý các đối tượng xâm hại trẻ em cần hiệu quả hơn, đủ sức răn để thay đổi nhận thức xã hội. Ngoài ra, việc nâng cao kiến thức, nhận thức của gia đình, nhà trường về giáo dục kỹ năng phòng ngừa cho trẻ em. “Việc này được xem là tế nhị nhưng cũng cần giáo dục, định hướng để các em biết và phòng tránh,” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng giao Bộ GT&ĐT phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu để có chương trình giáo dục kỹ năng phòng tránh xâm hại cho trẻ em phù hợp cho từng lứa tuổi, giới tính.