Lá trầu không tốt thì có tốt nhưng dùng theo những cách này thì có thể "biến lợn què thành lợn toi"
Sử dụng lá trầu không sai cách có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc được giới chuyên gia lên tiếng cảnh báo.
Lá trầu không là một trong những loại lá rất được ưa chuộng từ lâu trong dân gian ta. Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, lá trầu không có vị cay nồng, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tính năng hạ khí, chỉ khái, tiêu viêm, sát khuẩn, trừ phong thấp, kích thích tiêu hóa và thần kinh, phòng bệnh lam sơn trướng khí.
Lá trầu không là một trong những loại lá rất được ưa chuộng từ lâu trong dân gian ta.
Người ta không chỉ sử dụng lá trầu không để chữa bệnh mà còn dùng như một loại nguyên liệu làm đẹp vừa rẻ tiền lại cực hiệu quả. Tuy nhiên, việc không tìm hiểu kỹ càng cũng như sử dụng chưa đúng cách, lạm dụng lá trầu không trong chữa bệnh hay làm đẹp đã dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Những hành động sai lầm khi dùng lá trầu không để chữa bệnh, làm đẹp là:
Sử dụng lá trầu không để chữa nám da
Hiện nay, rất nhiều chị em đã sử dụng lá trầu không để chữa nám da. Nhất là ở độ tuổi trung niên, làn da của chị em phụ nữ thường xuất hiện rất nhiều nám. Hệ quả của những vết thâm mụn ở độ tuổi 30 là tiền đề cho làn da ngày càng xỉn màu, xuống sắc. Để chữa bệnh nhanh, lại rẻ tiền, nhiều chị em mách tai nhau cách sử dụng lá trầu không chữa nám. Nhiều người sử dụng lá trầu không giã nát làm mặt nạ dưỡng da trong 20 phút, nhiều người thì tiến hành xông hơi bằng lá trầu không đều đặn hàng tuần.
Hiện nay, rất nhiều chị em đã sử dụng lá trầu không để chữa nám da.
Theo lương y Bùi Hồng Minh, lá trầu chứa phenolic compounds có cơ chế ức chế sản xuất melanin và lột da nên có tác dụng làm trắng nhanh. Nếu lạm dụng lá trầu không chữa nám, người dùng có thể gặp triệu chứng giảm sắc tố trên nền tăng sắc tố với biểu hiện da đen trắng từng chỗ.
"Việc sử dụng lá trầu không chữa nám có hiệu quả hay không cũng phải phù hợp cơ địa từng người chứ không hoàn toàn có tác dụng phổ cập. Khi sử dụng lá trầu không cũng cần hạn chế, không lạm dụng vì có thể khiến da mặt bị tổn thương", lương y Bùi Hồng Minh nói. Vị chuyên gia này cũng không khuyến khích cách làm đẹp này vì chữa nám đòi hỏi nhiều thời gian và cũng phải biết tình trạng nám, loại nám mắc phải... và được bác sĩ da liễu điều trị theo liệu trình cụ thể.
Sử dụng lá trầu không chữa đau mắt đỏ
Lương y Bùi Hồng Minh nhận định, trong 100g lá trầu không chứa tới 2,4% tinh dầu. Các thành phần chính của tinh dầu trầu không thuộc nhiều nhóm hóa học khác nhau có hoạt tính kháng sinh mạnh, ức chế nhiều chủng vi khuẩn như: Tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ… và có tác dụng kháng nấm mạnh đối với nhiều chủng loại nấm.
Dựa theo tính chất ấy của lá trầu không, có rất nhiều người tự ý dùng lá trầu không để xông khi đau mắt đỏ.
Dựa theo tính chất ấy của lá trầu không, có rất nhiều người tự ý dùng lá trầu không để xông khi đau mắt đỏ. Người ta tin rằng với đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm mạnh mẽ, khi xông hơi, lá trầu không sẽ bốc lên tinh dầu bay vào mắt, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây đau mắt đỏ, giúp đôi mắt bạn khỏe đẹp hơn mỗi ngày.
Thực tế thì hoàn toàn không phải vậy. Theo BS Đặng Văn Quế (Phó giám đốc Bệnh viện Mắt DND), việc đắp hay xông mắt bằng lá trầu không có thể gây bỏng giác mạc, loét giác mạc. "Trong lá trầu không có tinh dầu nóng dễ gây nhiễm khuẩn cho mắt và gây bỏng mắt do sức nóng, khi vừa xông xong người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm nên dễ lầm tưởng có tác dụng chữa bệnh.
Tuy nhiên, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh các loại lá trên có tác dụng chữa trị đau mắt đỏ, ngược lại nó có thể càng làm cho mắt phù nề hoặc bị nhiễm khuẩn nặng hơn, nhất là trong trường hợp người dùng không rửa sạch lá trước khi đắp hoặc xông", BS Quế cho hay.
Sử dụng lá trầu không chữa bệnh phụ khoa
Nhờ đặc tính kháng khuẩn cực mạnh ấy, nhiều chị em đã tự áp dụng chữa phụ khoa bằng lá trầu không. Không cần biết chính xác bệnh vùng kín là gì, chỉ cần ngứa ngáy, khó chịu là nhiều người tìm lá trầu không đun nước xông hoặc lau rửa. Lá trầu không lại cực kỳ dễ kiếm, có thể điều trị tại nhà, tiết kiệm chi phí điều trị mà mang lại hiệu quả không nhỏ cho chị em. Nhất là vào thời gian gần đây, lạm dụng kháng sinh trở thành vấn nạn nên càng khiến chị em ra sức lăng xê. Do đó, nhiều chị em tin tưởng lựa chọn phương pháp chữa viêm âm đạo bằng lá trầu không.
Nhờ đặc tính kháng khuẩn cực mạnh ấy, nhiều chị em đã tự áp dụng chữa phụ khoa bằng lá trầu không.
BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp), tin đồn chữa viêm phụ khoa bằng lá trầu không cho đến hiện nay thực sự vẫn chưa có đủ bằng chứng, nghiên cứu khoa học cụ thể. Do đó, việc tự ý chữa viêm phụ khoa bằng lá trầu không có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
"Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm phụ khoa như mất cân bằng nội tiết tố như mang thai, mãn kinh, tiền mãn kinh hay chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc viêm nhiễm vùng kín; nạo phá thai, đặt vòng tránh thai; mặc quần lót chật và làm bằng chất liệu không thông thoáng, quần lót ẩm ướt, khi giặt không được phơi ở nơi có nhiều ánh nắng, giặt chung áo quần với người bị viêm nhiễm là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn trú ngụ gây bệnh…
Chúng ta đều phải đi khám mới xác định rõ được nguyên nhân để có hướng điều trị phù hợp chứ không thể dùng lá trầu không tự chữa trị như chị em đồn thổi", BS Dung khẳng định.
Tin đồn chữa viêm phụ khoa bằng lá trầu không cho đến hiện nay thực sự vẫn chưa có đủ bằng chứng.
Chưa hết, lương y Bùi Hồng Minh nhận định thêm, nước lá trầu không chỉ có tác dụng bên ngoài, làm lành vết thương và diệt khuẩn bề mặt, sử dụng hàng ngày sẽ gây khô da. Việc tự ý sử dụng rất nguy hiểm, có thể khiến bệnh nhẹ thành nặng, viêm nhiễm nặng thậm chí có thể bị vô sinh…
Giới chuyên gia khuyến cáo, sử dụng lá trầu không để chữa bệnh hay làm đẹp nhất định phải hỏi qua ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Tốt nhất là đi khám ngay nếu thấy sự bất thường trên da mặt hay mắc những bệnh như đau mắt đỏ, viêm nhiễm phụ khoa… để có hướng điều trị đúng và kịp thời. Việc tự ý chữa bệnh, chữa bệnh kiểu truyền miệng, chữa bệnh theo mạng xã hội… có thể để lại những hậu quả vô cùng đáng tiếc.