Lạ đời chuyện anh “lôi” em gái từ nước ngoài về chịu tội
Em gái lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỷ của nhiều nạn nhân rồi bỏ trốn ra nước ngoài, anh Lâm tìm được đã đưa về Việt Nam. Khuyên em gái trả tiền cho người ta, ông anh này còn đề nghị làm rõ vai trò của em rể.
Bất lực vì không bảo được em!
Cả buổi sáng làm việc, tòa vẫn dừng lại ở phần thẩm vấn khiến các bị hại sốt ruột. Một người đàn ông trung tuổi lộ rõ sự căng thẳng khi rời phòng xử. Anh này không phải bị hại, không mất đồng nào từ những quả lừa của bị cáo. “Tôi yêu cầu xử nghiêm em gái, chắc chị thấy lạ” – anh Trần Xuân Lâm, anh trai của Trần Thị Phương, SN 1982, nói. Cơ sự đến nước này, anh Lâm không thể thương em gái được. Tỏ ra bất bình trước lối sống, cách cư xử của em, anh Lâm từng hết lời động viên Phương khắc phục hậu quả nhưng chị ta phớt lờ. Cũng vì không dạy bảo được Phương, anh Lâm đành nhờ pháp luật giải quyết.
Mặc thời tiết khó chịu của ngày chuyển mùa, ngồi giữa cái nắng chói chang, anh Lâm giãi bày câu chuyện của gia đình. Anh kể: Nhà có 4 anh chị em thì Phương là đứa mà bố mẹ anh Lâm mất ăn mất ngủ nhiều nhất. Tốt nghiệp cấp 3, Phương tha hương xứ người đi làm ô sin. Năm 23 tuổi, Phương về nước với một khoản tiền dành dụm kha khá. Bấy giờ, chị ta có bạn trai, anh Trần Văn Cao, bấy giờ là cán bộ CA tỉnh Nam Định. Khi anh này hỏi cưới, gia đình anh Lâm đã phản đối vì không ưng thông gia. Bỏ mặc sự khuyên giải của người thân, Phương vẫn kết hôn với anh Cao. Hai vợ chồng sống ở Nam Định khoảng 1 năm rồi chuyển lên Hà Nội lập nghiệp. Anh Cao vẫn công tác trong ngành CA, còn Phương, chị ta cùng người anh chồng (anh Cường) mở trung tâm xuất khẩu đưa lao động sang nước ngoài làm việc. Như lời anh Lâm, cũng từ thời điểm này, mối dây liên hệ giữa Phương và gia đình mờ nhạt.
Bỗng dưng, ngày 1-8-2012, bố vợ anh Cường đến nhà báo tin, Phương ở Malaysia, đang gặp nạn và nằm ở BV Kajang. Cùng ngày, CA địa phương cũng báo cho bố Phương có một cuộc điện thoại ở Hà Nội báo tin tương tự. Ngay sau đó, gia đình đã làm đơn và cắt cử anh Trần Công Trứ, em trai anh Lâm, sang Malaysia chăm sóc, động viên Phương về tự thú. Gặp Phương trong tình trạng hôn mê bất tỉnh vì bị hành hung, bị chém, anh Trứ vừa chăm sóc vừa động viên Phương về Việt Nam. Anh này đã cùng bị cáo ra Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia để nhờ hỗ trợ. Ngày 3-8-2012, Phương về nước, tá túc ở nhà bố mẹ đẻ chữa trị vết thương ở đầu, mặt. Khi đó, gia đình đã trình báo với cơ quan chức năng.
Anh Lâm cho hay, sau đó, anh bặt tin em gái. Ngày 25-4-2013, đúng ngày TAND TP Hà Nội mở phiên xử đầu tiên, anh có ghé trại tạm giam thăm nuôi thì nhận được tin, Phương được đưa ra xét xử. Phóng vội đến trụ sở tòa, anh Lâm được hay, phiên xử tạm hoãn.
Anh Lâm và những người thân đặt hoài nghi về vai trò của anh Cao. “Mình Phương không thể qua mặt nhiều bị hại đến vậy. Phương chỉ là người từng đi giúp việc ở nước ngoài, không có nhiều mối quan hệ và uy tín. Ai là người tổ chức đưa Phương đi Malaysia và đúng thời gian đó, Phương lại bị hành hung đến như vậy?” – anh Lâm đem thắc mắc này cùng một số bằng chứng thu thập được nộp cho các cơ quan tố tụng.
Không còn tiền mà trả…
Lần hầu tòa này, nhìn thấy anh trai và nhiều người thân bước vào phòng xử, ánh mắt Phương dè dặt. Từ lâu, giữa cô ta và anh chị em bất hòa nên tình cảm của những con người ruột thịt mờ nhạt. Éo le, Phương nghĩ rằng, mình đã bị anh em “bẫy” và bị giao cho cơ quan CA nên càng giận họ hơn. Trong khi đó, người thân chỉ mong Phương tỉnh ngộ, nhận ra cái sai thì mới mong chị ta thay đổi được.
Ban đầu, khi đảm đương công việc quản lý cho Trung tâm xuất khẩu lao động thuộc Tổng Cty Sông Hồng (chuyên quản lý lao động, giáo viên dạy ngoại ngữ…), Phương được xem là thành đạt. Trung tâm này được đào tạo lao động xuất khẩu đi Đài Loan và không được thu bất kỳ khoản phí nào của người lao động. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, cơ sở bị giải thể. Không có việc làm, cần tiền, Phương nảy sinh ý định lừa đảo.
Thông qua các mối quan hệ, chị ta tự giới thiệu giữ chức Phó GĐ trung tâm, có khả năng đưa người sang Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc, Vương quốc Anh lao động với chi phí từ 6.000 - 12.000 USD. Những khách hàng có nhu cầu phải nộp trước 4.000 USD trong vòng một tuần, được hứa hẹn sau một tháng sẽ bay. Từ các đầu mối, Phương nhận tiền của nhiều người với tổng số tiền là hơn 3 tỷ đồng. Để các bị hại tin tưởng, nhận tiền xong, cô ta tổ chức cho khách hàng học tiếng nước sở tại và hứa hẹn ngày đi trong thời gian ngắn, thủ tục đơn giản. Dĩ nhiên, Phương không lo được cho bất cứ ai đi xuất khẩu lao động.
Tiền thu của các bị hại, Phương nói, đã sửa nhà, mua ô tô và chi tiêu hết. Khi nạn nhân đến đòi tiền, Phương bỏ trốn sang Malaysia. Ngoài ra, năm 2011, Phương còn lợi dụng các mối quan hệ quen biết để vay tiền của 4 người có thỏa thuận trả lãi suất. Khi vay, Phương nói là vay để kinh doanh. Nhưng đến thời hạn phải trả Phương không trả như đã cam kết mà bỏ trốn sau khi chiếm đoạt số tiền gần 3,2 tỷ đồng.
Ra trước vành móng ngựa, Phương mới khắc phục được phần nhỏ, còn chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng. Trình bày trước HĐXX của TAND TP Hà Nội, Phương thừa nhận hành vi phạm tội nhưng khăng khăng không chịu khắc phục hậu quả với lý do “không còn tiền”. Trong khi đó, hàng chục bị hại, những người đã bị mất cho Phương hơn 6 tỷ đồng cho rằng Phương vẫn còn tài sản như nhà đất, có khả năng trả lại tiền cho họ mà không chịu trả. “Tòa xử sao tôi cũng chấp nhận” – Phương giở “bài cùn” khiến các bị hại thêm bức xúc.
Dù không liên quan đến vụ án, song anh Lâm tố, có bằng chứng ghi âm các cuộc nói chuyện giữa Phương với chồng và một số cá nhân cho thấy họ có liên quan (trước đó, CQCA xác định, nội dung các cuộc nói chuyện không liên quan đến việc phạm tội của Phương). Việc làm của anh Lâm khiến những bị hại có mặt tại phòng xử cảm kích. Song điều họ quan tâm hơn là thái độ sửa sai của Phương. Phát biểu tại tòa, các bị hại ngán ngẩm nói, đến nay, họ vẫn phải ôm món nợ cả trăm triệu đồng vì bị Phương lừa, chiếm đoạt; cho dù những người này phải lao động cật lực cũng không trả đủ lãi chứ chưa nói là tiền gốc. Thế mà Phương dửng dưng, buông xuôi.
Bị hại Đặng Thị Như H, quê Hải Phòng, cho hay, ở phiên xử lần trước, anh Cao từng trả lời rằng, không thể khắc phục hậu quả thay vợ vì lương chỉ đủ nuôi bản thân và con. Nhưng rõ ràng, anh này đã cùng Phương ký vào giấy hẹn ngày 30-3-2011 để lấy lại sổ đỏ. Bà H quả quyết, vợ chồng Phương phải có trách nhiệm với khoản tiền đã nhận của bà. Bà H chia sẻ, một số người đã phải ăn ở, chầu chực tại nhà Phương cả tháng trời để ép bị cáo trả tiền. Có người còn giả điên, hát múa, nói năng lung tung để Phương đưa tiền, cho họ về nhà để tránh rắc rối. Vì lẽ đó, bị hại này đề nghị tòa làm rõ vai trò của anh Cao và yêu cầu vợ chồng bị cáo phải bồi thường.
Cuối cùng, tòa đã tuyên phạt Phương 30 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Phương phải trả lại tiền cho các bị hại. Liên quan đến chồng bị cáo, tòa tuyên, anh này chỉ phải có trách nhiệm trong khoản 40.000 USD đã cùng vợ cam kết trả lại cho bà H.
Với phán quyết của tòa cấp sơ thẩm, bị hại chưa tâm phục và họ cho biết, sẽ kháng cáo để yêu cầu TAND TC xem xét lại.